Nhân chuyến thăm LB Nga của Chủ tịch nước Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc, báo Độc lập của Nga đăng bài “Hợp tác với Việt Nam là một phần trong "xoay trục về phía đông" của Nga”.
Tác giả-chuyên gia Grigory Lokshin - cán bộ nghiên cứu khoa học cao cấp của Trung tâm nghiên cứu Việt Nam và ASEAN-Viện Viễn Đông-Viện Hàn Lâm khoa học Nga, nhà Việt Nam học, đã đi sâu phân tích về tầm quan trọng và lợi ích đối với Nga trong việc đa dạng hóa các mối quan hệ ở phương Đông, không chỉ để thúc đẩy phát triển vùng Viễn Đông của Nga, mà còn giúp đảm bảo an ninh, ổn định ở khu vực Châu Á-Thái Bình dương. Tăng cường hợp tác với đối tác lâu đời cũng cần thiết cho Nga trong bối cảnh căng thẳng gia tăng trong không gian Á-Âu, Mỹ và EU theo đuổi chính sách trừng phạt cứng rắn.
Mở đầu bài viết, chuyên gia Lokshin nhấn mạnh rằng, đây là chuyến thăm nước ngoài đầu tiên của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, trên cương vị mới và điều quan trọng là diễn ra tại Nga. Tuy nhiên, đây không phải là chuyến thăm đầu tiên của ông đến Nga. Đặc biệt thành công là chuyến thăm trước đó của ông vào năm 2019 trên cương vị Thủ tướng Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam, kết thúc bằng việc ký kết một số thỏa thuận thúc đẩy quan hệ kinh tế thương mại và hợp tác lẫn nhau trên các lĩnh vực, trong đó có an ninh, quốc phòng.
Theo chuyên gia Lokshin, hợp tác với Việt Nam là một lĩnh vực quan trọng trong một thời gian dài và chưa thực sự hiệu quả trong "xoay trục về phía Đông" của Nga, điều này trở nên đặc biệt cấp thiết trong tình hình quốc tế hiện nay. Nga cần sự hợp tác này không phải để thay thế và không phải là một giải pháp thay thế cho hợp tác với đối tác chính ở châu Á - Trung Quốc, mà là cơ hội để đa dạng hóa các mối quan hệ thương mại và kinh tế của nước này ở phương Đông, như người ta nói, “không bỏ trứng vào một giỏ”.
Tầm quan trọng của việc phát triển quan hệ với Việt Nam còn được xác định bởi lợi ích chung và mối quan tâm về tình hình quốc tế phức tạp nói chung và việc gìn giữ hòa bình, an ninh trong khu vực Châu Á-Thái Bình Dương. Nó được gắn kết với nhu cầu đảm bảo các điều kiện hòa bình để phát triển kinh tế gần biên giới Viễn Đông của Nga, với nhu cầu đa dạng hóa quan hệ kinh tế đối ngoại của Nga ở châu Á, cũng như sự hội nhập hiệu quả của các khu vực Viễn Đông vào nền kinh tế của khu vực châu Á - Thái Bình Dương, lợi ích của hợp tác kinh tế và thương mại với các nước ASEAN dựa trên Việt Nam.
Ngày nay, Việt Nam là đất nước 100 triệu dân đang phát triển nhanh chóng trong khu vực đã thoát khỏi đói nghèo và lạc hậu hàng thế kỷ. Việt Nam đang hội nhập thành công vào nền kinh tế khu vực và trở thành đối tác uy tín, tin cậy của nhiều quốc gia trên thế giới, thành viên được tôn trọng của cộng đồng thế giới.
Chuyên gia Lokshin nhắc lại, sau khi Liên Xô sụp đổ, sự hợp tác với Việt Nam đã trải qua những thời kỳ khó khăn và bắt đầu hồi sinh nhanh chóng chỉ vào đầu thiên niên kỷ mới, đặc biệt là sau chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Nga Vladimir Putin vào năm 2001. Kể từ đó, Nga đã đi khá xa. Hiện nay, quan hệ với Việt Nam được xây dựng trên cơ sở tôn trọng và bình đẳng lẫn nhau, không can thiệp vào công việc nội bộ và tin cậy chính trị và quân sự. Tất nhiên, hai nước luôn tìm kiếm “sự gắn kết” về lợi ích và đôi bên cùng có lợi. Quan hệ đối tác chiến lược được gọi là chiến lược bởi vì nó được thiết kế cho một viễn cảnh lâu dài và được xác định không phải bởi sự đồng cảm lẫn nhau và những kỷ niệm tốt đẹp trong quá khứ, mà bởi một loạt các lợi ích chung.
Trong những năm qua, Nga và Việt Nam đã xây dựng một hệ thống tiếp xúc và đối thoại chính trị sâu rộng, cả ở cấp cao nhất và ở tất cả các cấp khác, tạo cơ sở vững chắc cho hợp tác chính trị. Tổng thống V.Putin đã ba lần thăm Việt Nam, điều này đã củng cố đáng kể mối quan hệ hữu nghị truyền thống giữa hai nước và hai dân tộc.
Nga và Việt Nam từ lâu đã đi đến thống nhất cách tiếp cận nhằm cải thiện cấu trúc an ninh và hợp tác ở Đông Nam Á và khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, theo quan điểm của hai nước, cần dựa trên các nguyên tắc tập thể, đa phương và bình đẳng, dựa trên các chuẩn mực được chấp nhận chung của luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hợp Quốc 1982 về Luật Biển đặc biệt quan trọng đối với Việt Nam. Các thỏa thuận được các nhà lãnh đạo của cả hai nước tuyên bố trong những năm gần đây đã cho thấy tính nhất quán và bất biến trong chính sách của Nga ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.
Theo tác giả bài viết, trong bối cảnh căng thẳng gia tăng trong không gian Á-Âu và việc Mỹ và EU theo đuổi chính sách trừng phạt cứng rắn, Nga đương nhiên đặc biệt quan tâm đến việc tăng cường hợp tác với đối tác lâu đời ở Đông Nam Á là Việt Nam. Giới tinh hoa chính trị của đất nước này cũng hiểu rõ rằng Nga, với tư cách là một cường quốc châu Á và thế giới lớn, với tiềm lực quân sự vẫn được duy trì và với tư cách là thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, đã và vẫn là một nhân tố thiết yếu trong việc duy trì hòa bình và ổn định ở khu vực. Nga có thể và cần đóng một vai trò quan trọng trong việc định hình hệ thống an ninh tương lai ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương nói chung và ở Đông Nam Á nói riêng, với tư cách là một bên tham gia tích cực và như một người bảo đảm đáng tin cậy cho các thỏa thuận chưa đạt được.
Chuyên gia Lokshin cho rằng, trở ngại nghiêm trọng cho sự bứt phá mang tính quyết định theo hướng này là sự xa xôi về địa lý của hai bên và tình trạng yếu kém của cơ sở hạ tầng giao thông. Để tạo động lực mới cho quan hệ kinh tế thương mại với Việt Nam, cần quan tâm hàng đầu đến việc phát triển giao thông đường biển nối các cảng Viễn Đông của Nga với Việt Nam. Hiện nay, chủ yếu các tàu container của Nhật Bản và Hàn Quốc hoạt động trên tuyến đường biển giữa Nga và Việt Nam cũng như các nước ASEAN khác nên hàng hóa từ đó đến các cảng của Nga rất khó khăn.
Cả hai bên rõ ràng không hài lòng với mức độ hợp tác kinh tế và thương mại, chưa tương xứng với tiềm năng. Để đạt được một cấp độ mới của thương mại và hợp tác kinh tế, cần phải phát triển các mối quan hệ trực tiếp giữa các giới kinh doanh của hai nước. Đẩy mạnh hợp tác thông qua các tổ chức phi chính phủ và cộng đồng khoa học. Trong chuyến thăm của Chủ tịch nước Việt Nam, theo tác giả bài viết, có mọi lý do để kỳ vọng rằng, các thỏa thuận của Tổng thống Nga với Việt Nam sẽ tạo động lực mạnh mẽ mới cho sự hợp tác cùng có lợi của hai nước cả trong việc khắc phục đại dịch và phục hồi kinh tế sau đó./.
Anh Tú/VOV-Moscow