Thái Bình hiện có 330 HTX nông nghiệp, tăng 2 HTX so với năm 2015, thu hút 413.724 hộ thành viên. Đến hết năm 2016, 100% HTX đã hoàn thành tổ chức lại theo Luật Hợp tác xã năm 2012. Tổng doanh thu bình quân của 1 HTX là 1,15 tỷ đồng (tăng 53 triệu đồng so với năm 2015); bình quân lãi một HTX ước đạt 85 triệu đồng (tăng 21 triệu đồng so với năm 2015). Bên cạnh đó, toàn tỉnh hiện có 150 tổ hợp tác nông nghiệp với 41/150 tổ hợp tác có hợp đồng, hợp tác chặt chẽ. Đây là những đầu mối quan trọng thực hiện liên kết - tiêu thụ nông sản.
Định vị vai trò HTX
Nhằm nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của các HTX thời gian qua, Liên minh HTX tỉnh đã hỗ trợ các HTX từng bước hoàn thiện tổ chức, nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động. Nhờ đó, hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ của các HTX đã có bước chuyển biến tích cực, đáp ứng nhu cầu phát triển của kinh tế hộ, tạo động lực mới, góp phần phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, nhất là trong quá trình xây dựng nông thôn mới. Ngoài các dịch vụ truyền thống như: thủy nông, khoa học kỹ thuật, bảo vệ thực vật, các HTX đã mở rộng thêm nhiều ngành nghề, dịch vụ mới như: thu hoạch và thu mua sản phẩm nông nghiệp, kho lạnh, tín dụng nội bộ, cấy máy mạ khay, vệ sinh môi trường, kinh doanh chợ nông thôn... Đặc biệt, các HTX đã giữ vai trò chủ đạo trong mối liên kết giữa hộ nông dân - HTX - doanh nghiệp, 250/330 HTX nông nghiệp tham gia liên kết tiêu thụ sản phẩm với 30 doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, đem lại hiệu quả thiết thực.
Dịch vụ mạ khay, cấy máy của HTX SXKD DVNN xã An Lễ (Quỳnh Phụ, Thái Bình). Ảnh; Báo Thái Bình
Điển hình như HTX SXKD DVNN xã Thụy Văn (Thái Thụy). Ông Nguyễn Đức Vận, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc HTX cho biết: Ngoài 3 dịch vụ bắt buộc, HTX tổ chức thực hiện 4 dịch vụ kinh doanh bao gồm: cung ứng vật tư nông nghiệp; thú y; cấy máy, gieo mạ khay; diệt chuột. Từ năm 2015, HTX thí điểm quy hoạch vùng sản xuất lúa hàng hóa gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm. Chúng tôi liên kết với Công ty TNHH Đầu tư và phát triển công nghệ An Đình theo hình thức hợp đồng bao tiêu sản phẩm có ứng trước giống lúa. V
ới hình thức sản xuất chuyên canh đã tạo sự ổn định và niềm tin với nông dân. Do cấy cùng một loại giống, gieo cấy bằng máy, khâu làm đất và thu khoạch được HTX đứng ra hợp đồng và trực tiếp điều hành nên thuận lợi trong việc điều hành các khâu dịch vụ kèm theo, giảm đáng kể chi phí đầu tư. Nhận thấy nhiều hiệu quả từ sản xuất theo chuỗi, thành viên tự giác đăng ký tham gia liên kết, từ gần 20ha ban đầu tăng lên 100ha/vụ, năm 2021, chúng tôi phấn đấu mở rộng diện tích liên kết lên 150 - 170ha/vụ.
Phát huy vai trò cầu nối
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc phát triển HTX nông nghiệp vẫn còn không ít tồn tại, hạn chế. Vì vậy, để nâng cao hiệu quả hoạt động của HTX, cần có các giải pháp, bước đi đúng đắn giúp các HTX phát huy tính ưu việt, phù hợp trong xu thế thị trường hiện nay. Bà Nguyễn Thu Hà, Phó Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh cho biết: Để nâng cao hiệu quả hoạt động của KTTT nói chung, các HTX nông nghiệp nói riêng, thời gian tới, Liên minh HTX tỉnh tiếp tục hướng dẫn triển khai các chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển kinh tế tập thể; điều chỉnh, bổ sung hoặc ban hành mới cơ chế, chính sách bảo đảm phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành, phù hợp với bản chất, nhu cầu, trình độ phát triển của các tổ chức trong lĩnh vực KTTT và phù hợp với đặc điểm, khả năng nguồn lực của tỉnh.
Quan tâm, tạo điều kiện để các HTX được tiếp cận nhanh với các chính sách hỗ trợ của nhà nước, chú trọng công tác chuyển giao khoa học công nghệ, xúc tiến thương mại, giới thiệu sản phẩm, tham quan học tập kinh nghiệm trong nước và quốc tế. Chú trọng các cơ chế chính sách về đào tạo, bồi dưỡng, vay vốn ưu đãi, miễn giảm thuế, tiền thuê đất, xây dựng cơ sở hạ tầng.
Bên cạnh đó cần làm tốt công tác quảng bá, xúc tiến thương mại, tìm kiếm đầu ra sản phẩm. Các ngành, các cấp tạo điều kiện cho các HTX tham gia chương trình xúc tiến thương mại, hội chợ, hội thảo giữa các doanh nghiệp để tìm kiếm cơ hội đầu tư, thị trường tiêu thụ sản phẩm cho các HTX. Mặt khác, các HTX cũng phải phát huy tốt vai trò cầu nối giữa doanh nghiệp với nông dân, xây dựng các mô hình điểm áp dụng tiến bộ kỹ thuật mới về giống cây trồng, vật nuôi cho hiệu quả kinh tế cao để nâng cao uy tín, thương hiệu, mở rộng đầu ra cho sản phẩm.
Nhu cầu tiêu dùng nội địa cũng như xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp đang ngày càng tăng, với những đòi hỏi chất lượng ngày càng khắt khe hơn. Do đó, việc phát triển các mô hình HTX nông nghiệp kiểu mới áp dụng công nghệ cao là hướng đi tất yếu mà các HTX nông nghiệp phải vươn tới./.
Theo Báo Thái Bình