Cùng với đội ngũ doanh nhân của cả nước, trong những năm qua, đội ngũ doanh nhân trên địa bàn tỉnh không ngừng lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng, khẳng định vai trò tiên phong trong phát triển kinh tế. Khi mới tái lập tỉnh (năm 1997), số lượng doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn tỉnh chỉ dừng lại ở vài trăm doanh nghiệp. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có trên 10 nghìn doanh nghiệp thuộc các loại hình như khu vực nhà nước, dân doanh và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài.
Nhiều sản phẩm của doanh nghiệp đã khẳng định được thương hiệu trên thị trường trong nước và bước đầu tìm được chỗ đứng trên thị trường quốc tế. Đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp đã đoàn kết, hợp tác, liên kết, giúp đỡ nhau, năng động, sáng tạo, đổi mới, khắc phục khó khăn, thách thức, đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, góp phần vào tăng trưởng kinh tế, giải quyết việc làm, bảo đảm đời sống cho người lao động, tăng kim ngạch xuất khẩu, tăng thu ngân sách nhà nước, thực hiện an sinh xã hội, xây dựng và phát triển cộng đồng.
Theo đánh giá của Sở Công Thương, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp đã có những đóng góp tích cực vào sự tăng trưởng của ngành công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Thời điểm tái lập tỉnh (năm 1997), giá trị sản xuất công nghiệp chỉ đạt trên 355 tỷ đồng, đến năm 2010 đạt trên 19,8 nghìn tỷ đồng, năm 2015 đạt trên 84 nghìn tỷ đồng. Ước tính năm 2020, giá trị sản xuất công nghiệp tăng trên 1,7 lần so với năm 2015. Mặc dù dịch Covid-19 đã ảnh hưởng lớn đến các doanh nghiệp, song các doanh nghiệp đã chủ động khắc phục khó khăn, duy trì và đẩy mạnh sản xuất, bảo đảm việc làm cho người lao động. Đến hết quý III.2020, chỉ số sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh tăng hơn 7% so với cùng kỳ năm 2019. Cùng với đó là giá trị xuất khẩu hàng hóa của các doanh nghiệp đều tăng trưởng cao qua từng năm… Những thành tựu trên đã cho thấy sự trưởng thành của cộng đồng doanh nghiệp, đội ngũ doanh nhân và khẳng định vai trò tiên phong trên mặt trận phát triển kinh tế của tỉnh.
Để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp có mặt bằng sản xuất, trên địa bàn tỉnh đã quy hoạch 13 khu công nghiệp, đến nay có 7 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động, thu hút dự án đầu tư. Tỉnh đã quy hoạch và thành lập 24 cụm công nghiệp với tổng diện tích trên 1.300 ha để tạo mặt bằng thuận lợi cho phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp.
Nhằm hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh, cùng với các chủ trương, chính sách của tỉnh, ngành chuyên môn trên địa bàn tỉnh có nhiều giải pháp đồng hành cùng cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất, kinh doanh với việc tiến hành kiểm tra, rà soát các thủ tục hành chính, bãi bỏ hoặc đề nghị bãi bỏ các thủ tục hành chính không cần thiết gây phiền hà, đồng thời theo dõi sát tình hình hoạt động của doanh nghiệp để tham mưu, đề xuất cấp có thẩm quyền hoạch định chính sách thu hút đầu tư, tạo môi trường đầu tư hấp dẫn, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp trong quá trình hoạt động.
Sản xuất tại Công ty cổ phần Phú Hưng (Phù Cừ, Hưng Yên). Ảnh: Báo Hưng Yên điện tử
Đồng chí Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh cho biết: Trong những năm qua, hiệp hội và các hội địa phương, hội ngành nghề đã trở thành cầu nối liên kết xây dựng và phát triển cộng đồng doanh nghiệp; động viên tinh thần, bồi dưỡng kiến thức cho đội ngũ doanh nhân để đóng góp ngày càng nhiều cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Thực hiện chức năng đại diện, bảo vệ và hỗ trợ phát triển cộng đồng doanh nghiệp, hiệp hội đã chủ động đổi mới về tổ chức và phương thức hoạt động; giáo dục chính trị, tư tưởng, phong cách và lối sống, bồi dưỡng, đào tạo nâng cao năng lực quản trị, điều hành doanh nghiệp cho đội ngũ doanh nhân và người quản lý của doanh nghiệp.
Thực hiện các chủ trương của Nhà nước, của tỉnh, hiệp hội đã chủ động xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện các giải pháp nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp như tập hợp ý kiến của các doanh nghiệp tham gia góp ý kiến xây dựng chính sách, pháp luật của Nhà nước; tham mưu với tỉnh về xây dựng, phát triển đội ngũ doanh nhân, cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. Thời gian tới, hiệp hội tiếp tục củng cố về tổ chức, tăng cường sự hợp tác, liên kết giữa các doanh nghiệp; vận động doanh nghiệp khởi nghiệp, mở rộng sản xuất, cải tiến công nghệ và thiết bị nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh và hội nhập cho doanh nghiệp.
Tập hợp các kiến nghị, vướng mắc của doanh nghiệp phản ánh đến lãnh đạo tỉnh, các ngành để kịp thời giải quyết; bồi dưỡng nâng cao trình độ quản trị và điều hành doanh nghiệp cho các doanh nhân; phát huy vai trò cầu nối giữa các cơ quan quản lý nhà nước với doanh nghiệp nhằm giải quyết kịp thời những vướng mắc về cơ chế, chính sách./.
Theo Báo Hưng Yên