“Định danh” cho sản phẩm
Theo Phòng Kinh tế TX Hoài Nhơn, trên địa bàn có nhiều sản phẩm được bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp gồm: Bún số 8 Tam Quan Nam, Bánh dây Bồng Sơn, Chiếu cói Hoài Nhơn, Trứng vịt lộn Hoài Mỹ, Dầu phụng, Chuối mốc Hoài Sơn, Mộc mỹ nghệ cẩn xà cừ Hoài Nhơn, Yến sào Hoài Nhơn, Bánh tráng nước dừa Tam Quan, Nếp ngự Hoài Sơn… Từ nhãn hiệu được bảo hộ quyền sở hữu, nhiều cơ sở sản xuất ở Hoài Nhơn đăng ký sử dụng, cùng phát huy giá trị sản phẩm địa phương.
Ông Nguyễn Tiến Dũng, chủ cơ sở bánh tráng nước dừa Ba Quan (khu phố Phụng Du, phường Hoài Hảo), chia sẻ: “Bánh tráng nước dừa Tam Quan” nức tiếng khắp vùng miền. Đặc trưng của bánh tráng dừa Tam Quan là bánh đô dày hơn, dừa nhiều, mịn và thơm béo. Do đó, bánh tráng nước dừa Tam Quan khi nướng phải lật trở đều tay để miếng bánh giòn thơm… Khi được cấp chứng nhận nhãn hiệu tập thể, chủ cơ sở làm bánh tráng truyền thống thuận lợi hơn, người tiêu dùng càng thêm tin dùng sản phẩm.
Phát huy giá trị
Tương tự, ông Nguyễn Hữu Vinh, Giám đốc Công ty TNHH Sachi Nguyễn (phường Tam Quan), cho hay, lợi thế của một DN sản xuất chế biến các sản phẩm đặc trưng địa phương là việc DN có thể tận dụng giá trị gắn liền với yếu tố về địa lý, vùng miền để cạnh tranh với nhiều sản phẩm cùng loại trên thị trường.
Để mở đường cho bánh tráng xứ Dừa vươn xa dưới cái tên bánh tráng nước dừa Tam Quan - Sachi, đơn vị này hoàn thiện các tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm; thực hiện các hợp đồng gia công cho đối tác Mỹ, đồng thời từng bước chuẩn bị cho việc xuất khẩu trực tiếp sang thị trường Hàn Quốc trong năm 2021.
Tháng 12 này, đơn vị vừa thực hiện xong các thủ tục đưa bánh tráng Sachi lên sàn thương mại điện tử Alibaba, tăng độ “phủ sóng” cho sản phẩm với thị trường nước ngoài. Trước đó, DN này đã phát triển bán hàng trên Shopee và trên ứng dụng Viettel…
Nhà xưởng sản xuất nước mắm nhỉ truyền thống của DN Hưng Thịnh Đạt. Ảnh: Báo Bình Định
Khi nói về nước mắm truyền thống ở Bình Định, nước mắm truyền thống Tam Quan - Hoài Nhơn khẳng định được độ ngon và chất lượng. “Người tiêu dùng tín nhiệm nước mắm Bà Duyên không thể không nhắc tới cái “nguồn gốc, xuất xứ” của sản phẩm. Trước nay tôi cứ quen làm theo kiểu cũ là rút mắm, đóng chai và gởi cho bạn hàng. Từ nay, tôi đã gắn thêm thông tin của cơ sở cho từng chai, để người dùng biết rõ là họ đang dùng sản phẩm truyền thống của Hoài Nhơn, từ cơ sở của gia đình Bà Duyên”, bà Trần Thị Duyên, chủ cơ sở nước mắm Bà Duyên (phường Hoài Hương), chia sẻ.
Rõ ràng, ngày càng có nhiều các cơ sở sản xuất, các DN của Hoài Nhơn quan tâm và chú trọng tới các vấn đề liên quan tới việc “định danh” sản phẩm đặc trưng địa phương. Họ chủ động đăng ký được sử dụng nhãn hiệu, phát huy giá trị từ các sản phẩm đã được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ. Ông Trần Đình Tổng, Phó Trưởng phòng Kinh tế TX Hoài Nhơn, cho biết, để hỗ trợ tốt hơn các cơ sở, DN địa phương, các cấp chính quyền của TX Hoài Nhơn luôn quan tâm, ưu tiên nguồn lực, đặc biệt là bố trí nguồn vốn khuyến công phù hợp để “trợ lực” cho DN, cơ sở sản xuất đầu tư máy móc, đa dạng mẫu mã, nâng cao chất lượng sản phẩm. Sau giai đoạn đầu là tập trung để xây dựng và bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cho các sản phẩm đặc trưng Hoài Nhơn, Phòng Kinh tế TX Hoài Nhơn tiếp tục phối hợp với các sở, ngành, đơn vị và chủ sản xuất thực hiện các tiêu chuẩn đo lường chất lượng như ISO, HACCP…; đồng hành cùng với các cơ sở sản xuất, chủ DN để đưa sản phẩm đặc trưng của Hoài Nhơn vươn xa hơn.
Năm 2020, TX Hoài Nhơn có 13 sản phẩm của 12 cơ sở được công nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh, 6 sản phẩm được công nhận cấp khu vực miền Trung - Tây Nguyên. TX Hoài Nhơn đăng ký 13 sản phẩm OCOP năm 2020, đang chờ quyết định công bố của Hội đồng cấp tỉnh đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP. Năm 2019, Hoài Nhơn có 12 sản phẩm OCOP được đánh giá đạt chất lượng từ 3 sao trở lên, trong đó có 2 sản phẩm 5 sao, 2 sản phẩm 4 sao, còn lại là sản phẩm 3 sao./.
Theo Báo Bình Định