Để các HTX hoạt động hiệu quả, hàng năm, huyện thường xuyên theo dõi, kiểm tra quá trình sản xuất của các HTX trên địa bàn; cùng với đó, thông qua các chính sách của Trung ương, tỉnh để hỗ trợ kịp thời về kỹ thuật, vốn sản xuất, tiêu thụ sản phẩm và có những giải pháp quan trọng nhằm thúc đẩy hiệu quả hoạt động hỗ trợ các HTX đăng ký sử dụng, xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu sản phẩm gắn với xúc tiến, quảng bá tiêu thụ sản phẩm nông sản của địa phương.
Là huyện chủ yếu phát triển nông nghiệp, trong 5 năm qua, huyện thành lập mới được 18 HTX, nâng số HTX hoạt động trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp là 20 HTX, với 311 thành viên; vốn điều lệ là 22.582 triệu đồng. Các HTX trên địa bàn huyện cơ bản được củng cố kiện toàn và thực hiện chuyển đổi, đăng ký lại theo quy định của Luật HTX năm 2012 và đi vào hoạt động ổn định.
Quy mô hoạt động từng bước được mở rộng, một số HTX đã tích cực đầu tư cơ sở vật chất, đổi mới trang thiết bị, phương thức quản lý; đẩy mạnh liên doanh, liên kết, xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường. Một số HTX đã tập trung sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, xây dựng thương hiệu, nhãn mác sản phẩm, đăng ký truy xuất nguồn gốc sản phẩm; nhiều HTX đã dần hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung...
Anh Nguyễn Văn Cương, Giám đốc HTX Hoa Bạc Hà, chia sẻ: Cuối năm 2017, HTX Hoa Bạc Hà được thành lập, với ngành nghề chính là trồng trọt, chăn nuôi và chế biến các sản phẩm nông nghiệp. Hiện nay, HTX có 12 thành viên, tập trung chủ yếu vào chăn nuôi ong lấy mật. HTX là đơn vị đầu tiên của huyện có sản phẩm mật ong đạt tiêu chuẩn OCOP cấp tỉnh với 3 mẫu được đóng vào các loại chai có thể tích: 100 ml, 250 ml và 350 ml.
HTX Ngọc Bích (thị trấn Yên Minh) trồng rau trong nhà lưới. Ảnh: Báo Hà Giang
Đối với chất lượng sản phẩm để cung cấp ra thị trường, HTX luôn chú trọng mật ong phải đảm bảo uy tín, chất lượng; HTX đã phổ biến cho các thành viên về quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, tập huấn kiến thức về phương pháp chăm sóc đàn ong trước khi vào vụ khai thác, cách phòng trừ dịch bệnh, kỹ thuật thu hoạch, chế biến và bảo quản sản phẩm mật; doanh thu của thành viên trong HTX đạt từ 100 triệu đồng/năm trở lên.
Bí thư Đảng ủy xã Mậu Duệ, Giàng Văn Đoàn, cho biết: Trên địa bàn xã hiện có 4 HTX hoạt động theo Luật HTX năm 2012 và hoạt động trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp. Kể từ khi thực hiện Luật HTX, các HTX đã được tư vấn, hướng dẫn xây dựng điều lệ, quy chế hoạt động của Ban quản trị, Ban kiểm soát cũng như quy chế quản lý tài sản, tài chính….
Các HTX thực hiện chuyển đổi từng bước xác định rõ tư cách thành viên, đăng ký lại thành viên tham gia, cùng với đó các HTX đã tự đổi mới về tổ chức hoạt động sản xuất, kinh doanh nhằm thích ứng nhanh với cơ chế thị trường. Đối với các HTX hoạt động trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp cơ bản đáp ứng nhu cầu của các thành viên và nhân dân trên địa bàn.
Cùng với đó, đã phát huy vai trò tập hợp, vận động thay đổi cách nghĩ, cách làm cho nông dân, tạo việc làm ổn định cho người lao động, phát huy được tiềm năng thế mạnh của địa phương để phát triển sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế trên mỗi đơn vị diện tích. Thông qua các HTX, các dịch vụ nông nghiệp cũng được ứng dụng một cách linh hoạt.
Để tiếp tục duy trì, nâng cao hiệu quả hoạt động của các HTX, thời gian tới, huyện tiếp tục rà soát, cập nhật chính sách hỗ trợ phát triển HTX phù hợp, gắn với thực tiễn nhằm khuyến khích, thúc đẩy HTX phát triển mạnh mẽ và rộng khắp; nghiên cứu, xây dựng cơ chế ngân sách của địa phương để hỗ trợ phát triển HTX; giải quyết dứt điểm tình trạng HTX ngừng hoạt động tồn tại dưới dạng hình thức; tăng cường xúc tiến thương mại, đầu tư kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất, chế biến sản phẩm; tăng cường liên doanh, liên kết giữa các HTX và giữa HTX với doanh nghiệp…/.
Theo Báo Hà Giang