Phần lớn ca nhiễm Covid-19 đã ra viện, trong đó có ca rất nặng như bệnh nhân số 19, chưa có bệnh nhân tử vong. Nhiều tờ báo lớn của quốc tế đưa tin về thành công phòng, chống Covid-19 của Việt Nam.
Thủ tướng nêu rõ, điều ấn tượng là quyết tâm đáng trân trọng của nhiều tỉnh, thành phố phấn đấu hoàn thành toàn diện, vượt mức kế hoạch Nhà nước năm 2020 mà Thủ tướng đã trực tiếp nghe báo cáo, đó là: Hà Nội, Hưng Yên, Quảng Ninh, Hải Phòng, Bắc Ninh, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Long An, Tây Ninh, Tiền Giang, Bà Rịa – Vũng Tàu…
Trong tháng 5, thị trường nội địa được khôi phục khá mạnh mẽ. Các trung tâm du lịch lớn đón đông du khách nội địa. Các hãng hàng không, ngành du lịch bị thiệt hại nặng nề do Covid-19 đã trở lại hoạt động tương đối nhộn nhịp.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo tại phiên họp. Ảnh: THỐNG NHẤT. |
Chính phủ đã có nhiều hoạt động tháo gỡ, thúc đẩy sản xuất, đặc biệt là Nghị quyết 84 mới được ban hành và một số nghị quyết khác. “Chúng ta lấy cung làm chủ đạo và đẩy mạnh cầu của nền kinh tế vì cung cầu của chúng ta đều yếu do dịch Covid-19 vừa rồi”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Khái quát tình hình tháng 5, Thủ tướng cho rằng, các chỉ tiêu tốt hơn hẳn tháng 4. “Chúng ta đã chỉ đạo với tinh thần kiên quyết không lùi bước trước thách thức, đổi mới sáng tạo trong điều hành, khắc phục đứt gãy chuỗi cung ứng, chủ động thu hút đầu tư phát triển, kể cả trong nước và quốc tế”, Thủ tướng nói. Đây là cơ hội rất quan trọng để chúng ta vươn lên trong bối cảnh thế giới còn nhiều khó khăn thách thức.
Thủ tướng đề nghị các thành viên Chính phủ tiếp tục thảo luận những vấn đề kinh tế-xã hội và một số nội dung về xây dựng thể chế, pháp luật, đặc biệt lưu ý đánh giá nguy cơ, thách thức còn rất lớn. Trước hết, đó là nhiều khó khăn do thời tiết. Các thị trường lớn, đối tác quan trọng của Việt Nam chưa phục hồi, trở lại bình thường do ở các nước này, dịch bệnh vẫn diễn ra phức tạp.
“Tôi đề nghị đánh giá các nguy cơ, thách thức phải vượt qua, đề ra biện pháp mạnh mẽ để phát triển đất nước trong tháng 6 để làm đà cho kế hoạch 6 tháng cuối năm”, Thủ tướng nói. Chúng ta cần theo dõi sát tình hình quốc tế, để có đối sách trong các lĩnh vực thương mại, đầu tư, du lịch, nhất là dòng vốn đầu tư đang dịch chuyển trên toàn cầu. Thủ tướng cũng nhắc nhở không thể chủ quan, tiếp tục đề phòng, cảnh giác với dịch bệnh.
Thủ tướng đề nghị thảo luận thêm về 2 vấn đề. Một là, tiếp tục đưa ra biện pháp mạnh mẽ hơn về chống xâm hại trẻ em, bảo vệ quyền trẻ em, nhất là trong mùa hè này, không để xảy ra các sự cố đáng tiếc đối với trẻ em. Các trường học, cơ sở giáo dục, đào tạo, vui chơi giải trí dành cho trẻ em trên toàn quốc cần đánh giá lại rủi ro, đe dọa an ninh, tính mạng của trẻ em. Phải xử lý nghiêm các vụ việc để giáo dục, răn đe.
Hai là, giá thịt lợn hiện nay vẫn ở mức cao mặc dù thời gian qua, Chính phủ đã đưa ra nhiều biện pháp. Thủ tướng đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trình bày một số biện pháp, những yếu tố cấu thành giá thịt lợn, trong đó có chi phí thức ăn chăn nuôi, vấn đề giống, tái đàn sau dịch tả lợn châu Phi và đặc biệt là khâu trung gian. Thủ tướng nêu rõ quan điểm là giải quyết căn cơ, bài bản vấn đề giá thịt lợn cao nhưng cũng tránh những thời điểm thịt lợn rớt giá, làm tổn hại đến lợi ích người nuôi lợn, ảnh hưởng xấu đến sự phát triển bền vững ngành chăn nuôi. Phải giữ giá thịt lợn ổn định bằng tư duy chuỗi liên kết giá trị, bằng khuyến khích đầu tư quy mô lớn, ứng dụng công nghệ hiện đại, đặc biệt là giải quyết tốt khâu đầu vào, giống, thức ăn, phát động tái đàn trên cơ sở khống chế dịch tả lợn châu Phi cùng những biện pháp khác như nhập khẩu.
Thủ tướng nhấn mạnh các bộ, ngành phải có các giải pháp, cố gắng phấn đấu đạt ở mức cao nhất các nhiệm vụ, mục tiêu đã đề ra năm 2020.
QĐND