Các đại biểu thực hiện nghi lễ chào cờ mở đầu phiên khai mạc chương trình phiên họp giả định "Quốc hội trẻ em". Ảnh: Xuân Tùng |
Dự phiên khai mạc có Ủy viên T.Ư Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường; Uỷ viên dự khuyết T.Ư Đảng, Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn Bùi Quang Huy; Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội Tạ Văn Hạ; Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Vũ Minh Tuấn; Bí thư T.Ư Đoàn, Chủ tịch Hội đồng Đội T.Ư, Trưởng Ban Tổ chức phiên họp Nguyễn Phạm Duy Trang; Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, Phó Trưởng Ban Tổ chức phiên họp Nguyễn Thị Mai Thoa.
Về phía “Quốc hội trẻ em”, có Chủ tịch “Quốc hội trẻ em” Lê Gia Vinh; Phó Chủ tịch thường trực “Quốc hội trẻ em” Nguyễn Phan Quỳnh Như; các Phó Chủ tịch “Quốc hội trẻ em”: Lê Hoàng Long; Nguyễn Quang Anh và Hà Phan Bách Hợp.
Các đại biểu tham dự phiên khai mạc phiên họp giả định "Quốc hội trẻ em" lần thứ II. Ảnh: Đức Minh |
Phiên khai mạc diễn ra tại hội trường Diên Hồng. Ảnh: Xuân Tùng |
Trình bày dự thảo chương trình phiên họp, Tổng thư ký “Quốc hội trẻ em” Trần Minh Đăng cho biết, phiên họp giả định “Quốc hội trẻ em” lần thứ II, năm 2024, diễn ra trong 1,5 ngày, từ buổi sáng 28/9 đến hết buổi sáng 29/9.
306 đại biểu “Quốc hội trẻ em” biểu quyết điện tử thống nhất thông qua chương trình phiên họp.
Phiên khai mạc diễn ra sáng 28/9, chiều cùng ngày, “Quốc hội trẻ em” thảo luận tại 12 tổ.
Sáng 29/9, “Quốc hội trẻ em” tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn về 2 chủ đề “Phòng, chống bạo lực học đường” và “Phòng, chống tác hại của thuốc lá, chất kích thích, nhất là trong môi trường học đường”.
Các đại biểu biểu quyết điện tử. Ảnh: Xuân Tùng |
Bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em
Phát biểu khai mạc, Chủ tịch “Quốc hội trẻ em” Lê Gia Vinh cho biết, phiên họp lần này diễn ra trong không khí trẻ em cả nước đang hân hoan, náo nức tựu trường, đón chào năm học mới 2024-2025.
Phiên họp có ý nghĩa quan trọng thể hiện tinh thần trách nhiệm của các cấp, các ngành trong công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em.
Chủ tịch “Quốc hội trẻ em” Lê Gia Vinh phát biểu khai mạc phiên họp. Ảnh: Xuân Tùng |
Diễn ra trong 1,5 ngày phiên họp sẽ xem xét 3 nhóm nội dung quan trọng.
Thứ nhất, Quốc hội sẽ xem xét, thảo luận báo cáo của Chính phủ về đánh giá, bổ sung kết quả thực hiện công tác “Phòng, chống bạo lực học đường” và “Phòng, chống tác hại của thuốc lá, chất kích thích, nhất là trong môi trường học đường”; đề ra những phương hướng triển khai thực hiện trong thời gian tới.
Thứ hai, Quốc hội sẽ nghe báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của “cử tri trẻ em” và Nhân dân gửi đến phiên họp thứ II của “Quốc hội trẻ em” và xem xét báo cáo về kết quả giám sát giải quyết kiến nghị của “cử tri trẻ em” gửi đến phiên họp thứ I.
Thứ ba, Quốc hội sẽ tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn về vấn đề “Phòng, chống bạo lực học đường” và “Phòng, chống tác hại của thuốc lá, chất kích thích, nhất là trong môi trường học đường”. “Quốc hội trẻ em” sẽ xem xét dự thảo Nghị quyết về hoạt động chất vấn tại phiên họp “Quốc hội trẻ em” lần thứ II - năm 2024.
Trong thời gian ngắn, “Quốc hội trẻ em” sẽ xem xét nhiều nội dung quan trọng với khối lượng công việc tương đối lớn. Để phiên họp đạt kết quả tốt nhất, thay mặt Ủy ban Thường vụ “Quốc hội trẻ em”, tôi trân trọng đề nghị các vị đại biểu “Quốc hội trẻ em” phát huy dân chủ, đoàn kết, nêu cao tinh thần trách nhiệm, tập trung nghiên cứu kỹ lưỡng, thảo luận sôi nổi, đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết, sâu sắc, chất lượng để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em cũng như sự mong đợi của “cử tri trẻ em” và Nhân dân cả nước”, Chủ tịch “Quốc hội trẻ em” Lê Gia Vinh nhấn mạnh.
Các đại biểu phiên họp giả định "Quốc hội trẻ em" lần thứ II tại phiên khai mạc. Ảnh: Xuân Tùng |
Các đại biểu chụp ảnh với đại biểu phiên họp giả định "Quốc hội trẻ em". Ảnh: Xuân Tùng |
Phiên họp giả định “Quốc hội trẻ em” lần thứ II, năm 2024 do T.Ư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội đồng Đội T.Ư chủ trì, phối hợp với Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, Văn phòng Quốc hội và các cơ quan liên quan tổ chức.
Phiên họp nhằm triển khai thực hiện có hiệu quả Luật Trẻ em năm 2016, cụ thể hoá chương trình hành động quốc gia vì trẻ em giai đoạn 2021 - 2030; thực hiện đề án “Đoàn TNCS Hồ Chí Minh thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em vào các vấn đề trẻ em giai đoạn 2023-2027”.
Nguồn Tiền phong