Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ tổ chức theo hình thức họp trực tuyến kết hợp với họp tập trung và chia làm 2 đợt. Đợt 1: Quốc hội họp trực tuyến qua cầu truyền hình từ Nhà Quốc hội đến 63 Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (từ ngày 20-5 đến ngày 29-5); Đợt 2: Quốc hội họp tập trung tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội (từ ngày 8-6 đến ngày 18-6).
Dự phiên khai mạc có các đồng chí: Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng; Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân. Cùng dự còn có các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; các đại biểu Quốc hội khóa XIV...
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng; Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự phiên khai mạc. Ảnh: Quốc hội. |
Thời gian qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội, các vị đại biểu Quốc hội và các cơ quan, tổ chức, cá nhân hữu quan đã khẩn trương chuẩn bị các nội dung trình Quốc hội; đồng thời tổ chức tiếp xúc cử tri, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của cử tri để phản ánh với Quốc hội tại kỳ họp.
* Trước đó, vào 8 giờ ngày 19-5, lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đại biểu Quốc hội dự họp tại điểm cầu Nhà Quốc hội đã đặt vòng hoa, vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đúng 8 giờ 30 cùng ngày, Quốc hội đã họp phiên trù bị để thảo luận và biểu quyết thông qua Chương trình Kỳ họp thứ chín, Quốc hội khóa XIV bằng hệ thống điện tử.
* Phát biểu khai mạc kỳ họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhiệt liệt chào mừng và chúc các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đại biểu Quốc hội cùng toàn thể đồng bào, cử tri cả nước luôn mạnh khỏe, hạnh phúc và thành công.Quốc hội ghi nhận và đánh giá cao các lực lượng trên tuyến đầu phòng, chống dịch
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, theo chương trình đã được thông qua, kỳ họp sẽ được chia thành 2 đợt, kết hợp giữa họp trực tuyến và họp tập trung. Thời gian qua, mặc dù vừa phải tập trung chống dịch Covid 19, vừa phải đẩy mạnh phục hồi kinh tế, ổn định xã hội, nhưng các cơ quan, tổ chức hữu quan đã tích cực khẩn trương, nỗ lực cao nhất trong chuẩn bị để kỳ họp khai mạc hôm nay.
“Điều đó đã thể hiện tinh thần đoàn kết, quyết tâm cao, sự đồng sức, đồng lòng của Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan, tổ chức hữu quan, các Đoàn đại biểu Quốc hội, các vị đại biểu Quốc hội. Đặc biệt, việc đổi mới cách thức tổ chức kỳ họp cho thấy, Quốc hội luôn chủ động, nhanh chóng thích ứng với điều kiện, hoàn cảnh và yêu cầu của thực tiễn, vì lợi ích của nhân dân và đất nước”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Chủ tịch Quốc hội đã nhắc đến nhiều khó khăn, thách thức khi bước vào năm 2020, dịch bệnh Covid-19 bùng phát và nhanh chóng trở thành đại dịch, tác động tiêu cực đến mọi hoạt động kinh tế-xã hội (KT-XH) của toàn cầu và Việt Nam. Dịch bệnh đã làm hoạt động sản xuất, kinh doanh bị đình trệ, giao thương, đầu tư bị gián đoạn; các hoạt động xã hội, nhất là y tế, giáo dục-đào tạo, du lịch, văn hóa,… và đời sống của nhân dân cũng bị ảnh hưởng. Cùng với đó, nước ta còn chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu, tình hình thiên tai diễn ra cực đoan, bất thường gây thiệt hại lớn ở nhiều khu vực trong cả nước.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu khai mạc kỳ họp. Ảnh: TTXVN. |
Tuy vậy, Chủ tịch Quốc hội khẳng định: Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã kịp thời ban hành nhiều nghị quyết, kết luận, chỉ thị, chỉ đạo các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương tập trung phòng, chống dịch bệnh và triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội. Đến nay, bước đầu chúng ta đã cơ bản kiểm soát được bệnh dịch, ngăn chặn sự lây lan trong cộng đồng, bảo đảm sự an toàn về tính mạng và sức khỏe của người dân. Các giải pháp ứng phó của Việt Nam được các quốc gia, tổ chức quốc tế đánh giá cao và ghi nhận là điểm sáng trong công tác phòng, chống dịch Covid-19. Giữa bối cảnh đại dịch và kinh tế toàn cầu suy giảm mạnh, nhiều nước tăng trưởng âm, tốc độ tăng trưởng GDP quý I của nước ta vẫn đạt khoảng 3,82%; an sinh xã hội, đời sống của người dân vẫn được bảo đảm; an ninh, quốc phòng, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Việt Nam tiếp tục làm tốt vai trò Chủ tịch ASEAN, Chủ tịch AIPA và Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, góp phần nâng cao vị thế của nước ta trên trường quốc tế…
Các đại biểu Quốc hội dự phiên khai mạc. |
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh: Quốc hội ghi nhận và đánh giá cao tinh thần không quản ngại khó khăn, gian khổ, hy sinh của đội ngũ cán bộ y tế, chiến sĩ quân đội, công an nhân dân và các lực lượng chức năng trên tuyến đầu phòng, chống dịch; sự ủng hộ, ý thức chấp hành, chia sẻ của mọi tầng lớp nhân dân trong việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch. Thắng lợi bước đầu này là kết quả của tinh thần quyết tâm cao, sự thống nhất trong hành động và ý chí vươn lên của cả hệ thống chính trị; thể hiện sức mạnh đoàn kết, truyền thống yêu nước, tính ưu việt của chế độ và tinh thần tương thân, tương ái của dân tộc, củng cố vững chắc niềm tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tin tưởng rằng, tinh thần đó sẽ tiếp tục được lan tỏa và phát huy hiệu quả khi Quốc hội xem xét, quyết định các nội dung trong kỳ họp này.
Kỳ họp đặc biệt với nhiều nội dung quan trọng
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, chương trình nghị sự tại kỳ họp lần này với nhiều nội dung quan trọng.
Thứ nhất, Quốc hội xem xét, thảo luận các báo cáo bổ sung về kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2019 và tình hình triển khai thực hiện Kế hoạch phát triển KT-XH và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2020; phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2018.
Ngoài ra, Quốc hội cũng xem xét, quyết định Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 đề ra các giải pháp thực hiện để phát huy tiềm năng, lợi thế của vùng và tinh thần tự lực của đồng bào dân tộc thiểu số để đưa KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi phát triển mạnh mẽ, toàn diện và bền vững hơn.
Các đại biểu Quốc hội dự phiên khai mạc. Ảnh: TTXVN. |
Thứ hai, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 10 dự án luật, nhiều dự thảo nghị quyết và cho ý kiến 6 dự án luật khác nhằm kịp thời thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, quy định của Hiến pháp, góp phần đổi mới, sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy của Quốc hội; nâng cao hiệu quả công tác xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật; tạo cơ sở pháp lý cho việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh theo hướng ngày càng thuận lợi, minh bạch và bình đẳng giữa các nhà đầu tư, doanh nghiệp, huy động nguồn lực trong xã hội, nâng cao hơn nữa sức cạnh tranh của nền kinh tế nói chung và các doanh nghiệp Việt Nam nói riêng; bảo đảm quốc phòng, an ninh, đáp ứng yêu cầu phát triển KT-XH và hội nhập quốc tế.
Đặc biệt, Quốc hội xem xét, phê chuẩn 3 điều ước quốc tế gồm: Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA), Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam-EU (EVIPA), gia nhập Công ước số 105 của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) về xóa bỏ lao động cưỡng bức.
Các đại biểu Quốc hội dự phiên khai mạc. Ảnh: TTXVN. |
Thứ ba, Quốc hội sẽ tiến hành giám sát chuyên đề “việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em”; xem xét các báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến kỳ họp thứ 9 và kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV; thành lập Hội đồng bầu cử quốc gia và xem xét một số nội dung quan trọng khác.
Tại kỳ họp này, theo Chủ tịch Quốc hội, trong bối cảnh cả hệ thống chính trị, nhất là Chính phủ, các bộ, ngành đang tập trung tối đa cho công tác phòng, chống dịch, khôi phục sản xuất kinh doanh, thay vì chất vấn trực tiếp tại phiên họp toàn thể như thông lệ, các vị đại biểu Quốc hội sẽ gửi chất vấn bằng văn bản đến các thành viên Chính phủ, các trưởng ngành về những vấn đề mà cử tri và nhân dân quan tâm. Các văn bản chất vấn và trả lời chất vấn sẽ được tổng hợp để báo cáo Quốc hội. Ngoài ra, một số báo cáo của Chính phủ, các cơ quan của Quốc hội, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán Nhà nước… đã được gửi đến các vị đại biểu Quốc hội để nghiên cứu, kết hợp thảo luận cùng các nội dung liên quan.
Quang cảnh phiên khai mạc. Ảnh: TTXVN. |
Chủ tịch Quốc hội khẳng định: Thời gian qua, mặc dù có nhiều khó khăn, nhưng Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội và các vị đại biểu Quốc hội đã chủ động điều chỉnh linh hoạt cách thức làm việc phù hợp, nỗ lực phát huy vai trò, trách nhiệm với nhân dân. Hình thức họp trực tuyến là nét mới, thể hiện sự linh hoạt, tận dụng tối đa lợi thế ứng dụng thành tựu của khoa học công nghệ hiện đại trong hoạt động của Quốc hội, song vẫn bảo đảm duy trì không khí dân chủ, công khai của kỳ họp Quốc hội theo đúng quy định của pháp luật.
Thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân trân trọng đề nghị các vị đại biểu Quốc hội tiếp tục phát huy tinh thần trách nhiệm, tập trung trí tuệ, dành thời gian nghiên cứu, thảo luận kỹ lưỡng, đóng góp nhiều ý kiến sâu sắc, góp phần vào thành công của kỳ họp này.
"Kỳ họp thứ chín sẽ là một kỳ họp đặc biệt, ghi dấu của sự đổi mới, tinh thần đoàn kết, quyết tâm, tạo động lực để đất nước và nhân dân ta vượt qua khó khăn, để tiếp tục tiến bước", Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh.
* Sau khi nghe Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu khai mạc kỳ họp, Quốc hội đã nghe Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trình bày Báo cáo về phòng, chống dịch Covid-19 và những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phục hồi, phát triển KT-XH. Tiếp đó, Quốc hội đã nghe Phó chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh trình bày Tờ trình của Chủ tịch nước về việc đề nghị Quốc hội phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do giữa CHXHCN Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA).
THẢO NGUYỄN
Nguồn QĐND