Cơn sốt BlackPink cũng cho thấy sức mạnh của làn sóng Hallyu (làn sóng Hàn Quốc) trên khắp thế giới. Thế nhưng đằng sau đó là cả một chiến lược dài hơi, được đầu tư bài bản, không chỉ góp phần quảng bá hình ảnh tích cực về đất nước này, đồng thời đem lại hàng tỷ USD mỗi năm cho xứ sở Kim chi.
Làn sóng Hallyu lấy mốc ra đời từ những năm 1990 khi mà hàng loạt bộ phim truyền hình kinh điển của Hàn Quốc “gây sốt” khắp thế giới, trong đó có thế hệ chúng tôi say mê như Mối tình đầu, Trái tim mùa thu, Bản tình ca mùa đông… Từ đó đến nay, phim truyền hình, nhạc K-Pop, ẩm thực, mỹ phẩm, du lịch… đã nâng tầm thành nền công nghiệp văn hóa Hàn Quốc, tạo nên những “cơn sốt” trên khắp thế giới. Ước tính của Viện nghiên cứu kinh tế Hàn Quốc cho thấy, từ năm 2017 đến năm 2022, làn sóng Hallyu đã góp phần tạo ra hiệu quả kinh tế lên tới 28,4 tỷ USD, trong đó có 23,4 tỷ USD ở lĩnh vực hàng tiêu dùng. Riêng năm 2021, kim ngạch xuất khẩu các nội dung văn hóa của nước này đạt mức cao kỷ lục 12,4 tỷ USD, vượt xa một số ngành công nghiệp khác như đồ gia dụng, pin sạc, xe điện hay màn hình.
Dẫn chứng “dông dài” như thế để cho thấy, công nghiệp văn hóa đã mang lại nguồn thu lớn cho GDP của nhiều nước. Tại Việt Nam, so với các nước sự phát triển của công nghiệp văn hóa còn khá lạ lẫm. Tuy nhiên, thời gian qua Chính phủ cũng đã xác định đây là một trong những khâu đột phá trong việc xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Có 12 lĩnh vực được coi là ngành công nghiệp văn hóa, trong đó có 5 lĩnh vực trọng tâm là quảng cáo, nghệ thuật biểu diễn, điện ảnh, mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm, du lịch văn hóa. Hiện nay, doanh thu của các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp khoảng 3% GDP. Mục tiêu tới năm 2030 sẽ nâng lên 7% GDP.
Chỉ thị số 30/CT-TTg ngày 29/8/2024 về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam của Thủ tướng Chính phủ ban hành mới đây cũng khẳng định, Việt Nam có tiềm năng, lợi thế lớn về nhiều mặt để phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, góp phần tạo động lực mới cho sự phát triển của đất nước, phù hợp với xu thế của thời đại.
Để triển khai thực hiện Chỉ thị 30/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, mới đây UBND tỉnh đã có công văn yêu cầu các cơ quan chức năng, địa phương nghiên cứu, triển khai giải pháp để khai thác tiềm năng, phát triển công nghiệp văn hóa Bà Rịa - Vũng Tàu.
Với bề dày lịch sử, văn hóa đa dạng, phong phú, điểm đến hấp dẫn, gần đây Bà Rịa -Vũng Tàu đã tổ chức nhiều sự kiện văn hóa giải trí như âm nhạc, giải đấu thể thao mang tầm quốc tế, thu hút lượng khách du lịch, đặc biệt là giới trẻ đến tham quan kết hợp thưởng lãm. Đây được xem là tiềm năng, thế mạnh có thể khai thác giúp nâng tầm thương hiệu Bà Rịa - Vũng Tàu, tăng nguồn thu ngân sách đồng thời làm giàu đời sống văn hóa tinh thần của người dân.
Và điều mà Bà Rịa - Vũng Tàu cần làm là sớm xây dựng chiến lược phát triển dài hạn cũng như có chính sách cụ thể để thu hút đầu tư vào lĩnh vực đầy tiềm năng này.
Báo Bà Rịa Vũng Tàu