Dành vốn cho các dự án không gây ảnh hưởng xấu môi trường
Những năm gần đây, các ngân hàng (NH) ngày càng đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng xanh thông qua việc dành nguồn vốn ưu đãi cho các cá nhân, doanh nghiệp có hoạt động sản xuất, kinh doanh không gây ảnh hưởng xấu hoặc có khả năng bảo vệ môi trường, nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên, năng lượng.
Theo ông Ngô Đa Hải - Phó Giám đốc BIDV Chi nhánh Nha Trang, BIDV đã ưu tiên dành khoảng 20.000 tỷ đồng tài trợ các dự án tín dụng xanh; đồng thời tranh thủ được sự tín nhiệm của các tổ chức quốc tế để quản lý các nguồn vốn ủy thác gắn với mục tiêu phát triển tín dụng xanh. Trong quá trình triển khai dự án, BIDV thường xuyên giám sát, quản lý rủi ro môi trường xã hội song song với quá trình giải ngân, đảm bảo các dự án BIDV tài trợ hạn chế tối đa ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường.
Được biết, cuối năm 2019, BIDV Nha Trang mới cấp tín dụng cho 1 khách hàng với dư nợ khoảng 10 tỷ đồng, nhưng từ đầu năm đến cuối tháng 8-2020, chi nhánh đã cấp tín dụng xanh cho 12 khách hàng với dư nợ 70 tỷ đồng. Dự kiến, đến cuối năm 2020, dư nợ tín dụng xanh tại chi nhánh đạt khoảng 3% tổng dư nợ.
Khách hàng giao dịch tại BIDV Chi nhánh Nha Trang. Ảnh: Báo Khánh Hòa
Hiện nay, BIDV đã ban hành gói tín dụng riêng (7.000 tỷ đồng) dành cho nhóm khách hàng đầu tư vào lĩnh vực xanh nhằm hỗ trợ phát triển bền vững doanh nghiệp nhỏ và vừa, thời hạn vay tối đa 10 năm, với lãi suất ưu đãi tối đa 5 năm. BIDV cũng đang tiếp cận nguồn vốn SUNREF thuộc gói tín dụng xanh - do Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) tài trợ, trị giá 100 triệu USD, tài trợ cho các dự án đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tái tạo, năng lượng sạch và tiết kiệm.
Bà Võ Thị Thu Hương - Phó Giám đốc Vietcombank Chi nhánh Khánh Hòa cho biết, những năm gần đây, chi nhánh cũng đã dịch chuyển cơ cấu dư nợ tín dụng, ưu tiên nguồn vốn cho lĩnh vực ứng dụng công nghệ mới, thân thiện với môi trường. Tại Vietcombank Khánh Hòa, có nhiều gói vay tín dụng xanh ưu đãi dành cho khách hàng, nhất là các dự án điện năng lượng mặt trời, điện áp mái. Chi nhánh đã bắt kịp nhu cầu vay vốn để hỗ trợ khách hàng ngay từ giai đoạn đầu. Đối với những dự án điện năng lượng mặt trời, thời hạn cho vay có thể lên đến 10 năm với mức lãi suất từ 7,5 đến 7,7%/năm.
Đẩy mạnh tín dụng xanh
Trên thực tế, xu hướng tăng trưởng tín dụng xanh đã phát triển từ lâu trên thế giới với các dự án tiết kiệm năng lượng, tái tạo năng lượng và công nghệ sạch nhằm hướng đến mục tiêu kép là tăng trưởng kinh tế gắn liền với bảo vệ môi trường. Thực hiện Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2014 - 2020, ngày 24-3-2015, Thống đốc NHNN Việt Nam đã ban hành Chỉ thị số 03 về thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh và quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng. Ngày 7-8-2018, Thống đốc NHNN Việt Nam ban hành Quyết định 1604 về việc phê duyệt Đề án phát triển NH xanh tại Việt Nam gồm các lĩnh vực nông nghiệp xanh; năng lượng tái tạo; xử lý chất thải và quản lý nước sạch; lâm nghiệp bền vững.
Một dự án "năng lượng xanh". Ảnh: internet
Theo đề án, phấn đấu đến năm 2025, 100% NH xây dựng được quy định nội bộ về quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng; 100% NH thực hiện đánh giá rủi ro môi trường xã hội trong hoạt động cấp tín dụng; áp dụng các tiêu chuẩn về môi trường cho các dự án được NH cấp vốn vay; kết hợp đánh giá rủi ro môi trường như một phần trong đánh giá rủi ro tín dụng của NH; 60% NH tiếp cận được nguồn vốn xanh và triển khai cho vay các dự án tín dụng xanh.
Theo số liệu của NHNN Việt Nam, đến hết tháng 6-2019, dư nợ tín dụng đối với các dự án xanh là 310.600 tỷ đồng, tăng 29% so với năm 2018, chủ yếu tập trung vào lĩnh vực nông nghiệp xanh, năng lượng tái tạo, năng lượng sạch, quản lý nước bền vững tại khu vực đô thị và nông thôn… Không chỉ là kênh cung ứng vốn quan trọng nhất trong nền kinh tế, NH còn đóng vai trò trong việc “xanh hóa” dòng vốn đầu tư với việc định hướng nguồn lực tài chính vào những lĩnh vực xanh, góp phần thúc đẩy tăng trưởng xanh và phát triển bền vững./.
Theo Báo Khánh Hòa