Mạnh dạn chuyển đổi
Chúng tôi đến trại tôm của ông Dương Đình Hiệp trên vùng tôm thôn Xuân Đông (xã Vạn Hưng, huyện Vạn Ninh, Khánh Hòa). Vừa chăm sóc tôm, ông Hiệp vừa phấn khởi cho biết: “Trong hơn 15 năm nuôi tôm thẻ chân trắng, từ năm 2019 đến nay là tôi thắng lợi lớn nhất, liên tiếp trúng tôm thu về gần chục tỷ đồng. Kết quả đó là nhờ ứng dụng công nghệ cao trong nghề nuôi tôm”.
Trước đây, ông Hiệp nuôi tôm trên hồ đất. Nhưng môi trường nuôi ngày càng ô nhiễm, dịch bệnh phát sinh khiến nhiều lần trắng tay. Không bỏ nghề, ông vay vốn đầu tư làm hồ lót bạt trên ao đất, nhưng vụ được, vụ mất.
Năm 2019, ông có dịp vào Bạc Liêu, Bà Rịa - Vũng Tàu tìm hiểu mô hình nuôi tôm công nghệ cao. Trở về, ông vay thêm vốn đầu tư máy bơm oxy, trang thiết bị làm 4 hồ xử lý nước và 6 hồ nuôi tôm theo quy trình khép kín ứng dụng công nghệ cao. Các hồ nuôi được thiết kế hình tròn khung sắt, lót bạt HDPE (một loại nhựa dẻo đặc) có diện tích hơn 400m2/hồ. Nguồn nước lấy từ biển vào được xử lý sạch trước khi đưa vào hồ nuôi. “Mỗi năm tôi thả nuôi 4 vụ, mỗi vụ nuôi 2,5 tháng, sản lượng đạt 4 tấn/hồ; tôm đạt kích cỡ từ 30 đến 35 con/kg”, ông Hiệp khoe.
Hệ thống đường ống dẫn khí oxy được trải đều dưới đáy ao nuôi. Ảnh: Báo Khánh Hòa
Rời trại tôm ông Hiệp, chúng tôi men theo con mương tới trại tôm của ông Phương Thục. Gắn bó với nghề nuôi tôm hơn 20 năm, nhưng vài năm gần đây, ông Thục mới thực sự giàu lên nhờ con tôm. Ông Thục cho biết, năm 2000, ông là một trong số ít hộ tiên phong trong xã cải tạo ruộng muối sang nuôi tôm. Việc nuôi tôm phụ thuộc hoàn toàn vào tự nhiên nên có mùa trúng, mùa mất.
Năm 2019, ông quyết định chuyển từ nuôi tôm truyền thống trên đìa đất sang nuôi tôm công nghệ cao. Trên diện tích 3ha, ông đầu tư làm 5 hồ nuôi tôm công nghệ cao có diện tích 400m2/hồ. Hồ nuôi tôm được thiết kế dạng lòng chảo; đường ống dẫn nước, khí oxy được nối đến giữa ao để sục khí. Nhờ áp dụng quy trình này, trung bình 90 ngày, tôm đạt trọng lượng khoảng 30 - 35 con/kg và có thể xuất bán, đạt 4 tấn/hồ. Ông Thục chia sẻ: “Nuôi tôm công nghệ đòi hỏi phải có nguồn vốn lớn, còn khi đã vào guồng thì rất nhàn mà lợi nhuận cao”.
Hướng đi triển vọng
So với cách nuôi truyền thống, nuôi tôm công nghệ cao hiệu quả hơn hẳn. Thực chất, đây là sự kết hợp giữa kiểm soát tốt môi trường và bảo đảm chất lượng giống để tôm sinh trưởng nhanh.
Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, một hộ nuôi tôm ở thôn Xuân Đông, nuôi tôm công nghệ rất chú ý đến vấn đề xử lý nguồn nước. Nguồn nước trước khi thả giống phải được xử lý theo quy trình 4 bước: lắng thô, xử lý thuốc, xử lý clo, đưa vào hồ nuôi. Người nuôi còn ứng dụng công nghệ điện toán đám mây để kiểm soát các chỉ tiêu môi trường nước. Đặc biệt, hệ thống sục khí oxy phải được tính toán lắp đặt khoa học, các vòi sục khí trải đều dưới đáy ao nuôi và hoạt động liên tục. Nguồn nước thải được thu gom lắng lọc, xử lý đạt chuẩn trước khi thải ra môi trường.
Gia đình ông Tuấn đã đầu tư 13 hồ nuôi tôm công nghệ cao với tổng chi phí gần 20 tỷ đồng. Ông Tuấn chia sẻ: “Cách nuôi này giúp người nuôi tôm kiểm soát được nguồn nước, nhiệt độ trong ao, từ đó, khống chế được dịch bệnh do ô nhiễm nguồn nước, tăng giảm nước đột ngột khi trời mưa. Con giống, thức ăn do Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P Việt Nam cung cấp nên an tâm. Mỗi năm, tôi thả nuôi 4 vụ, mật độ dày hơn gấp 10 lần so với thông thường song tỷ lệ sống vẫn đạt hơn 90%. Tôm đạt kích cỡ lớn nên các công ty chế biến thủy sản ưa chuộng, giá bán ổn định khoảng 150.000 đồng/kg. Nhờ đó, mỗi năm tôi thu về khoảng 15 tỷ đồng”.
13 hồ nuôi tôm công nghệ cao của gia đình ông Nguyễn Anh Tuấn được đầu tư rất khoa học. Ảnh: Báo Khánh Hòa
Theo ông Trần Thanh Tòng - Quyền Chủ tịch UBND xã Vạn Hưng, nuôi tôm công nghệ cao là hướng đi bền vững. Toàn xã hiện có hơn 120ha đất đìa nuôi trồng thủy sản với hơn 200 hộ nuôi. Tuy nhiên, phần lớn các hộ đang nuôi theo cách truyền thống nên tỷ lệ rủi ro cao. Từ năm 2018 đến nay, có một số hộ nuôi học tập và ứng dụng nuôi tôm công nghệ cao đem lại hiệu quả cao. Điều quan trọng nhất là nguồn nước thải được xử lý tốt trước khi thải ra môi trường. Đây là hướng đi được địa phương khuyến khích người dân nuôi áp dụng.
Cần sự hỗ trợ
Tuy đây là hướng đi triển vọng nhưng để đầu tư nuôi tôm công nghệ cao không dễ. Lý do là mô hình này đòi hỏi nguồn vốn rất lớn. Trung bình mỗi hồ nuôi tôm công nghệ cao 400m2 có tổng chi phí đầu tư hơn 1 tỷ đồng. Những hộ không đủ vốn đầu tư rất khó áp dụng bởi hiện nay các ngân hàng rất hạn chế cho người dân vay vốn để nuôi tôm. “Nguồn vốn đang là rào cản để mở rộng quy mô nuôi tôm công nghệ cao. Vì thế, các cấp, ngành cần sớm có chính sách hỗ trợ cho người dân. Các ngân hàng nên khảo sát, đánh giá hiệu quả mô hình này để người nuôi được tiếp cận nguồn vốn vay”, ông Tòng đề xuất.
Ngoài ra, trong quá trình nuôi sử dụng máy móc nhiều nên người nuôi tôm công nghệ cao lo thiếu điện. Thực tế, việc đầu tư điện lưới 3 pha cho các khu vực nuôi tôm chưa được quan tâm nhiều. Hiện nay, các hộ nuôi phải tự đầu tư, đấu nối hoặc dùng nhờ nguồn điện lẫn nhau. Do thiếu điện, nhiều hộ phải chạy máy nổ, máy phát điện khá tốn kém. Vì vậy, người dân hiện đang rất mong được đầu tư điện lưới hay có cơ chế cho họ tận dụng diện tích mặt hồ để đầu tư điện năng lượng mặt trời.
Ông Nguyễn Ngọc Ý - Trưởng phòng Kinh tế huyện Vạn Ninh cho biết, hiện nay, toàn huyện có 668ha đìa nuôi trồng thủy sản nhưng chỉ có khoảng 10 hộ ở xã Vạn Hưng áp dụng nuôi tôm công nghệ cao. Qua khảo sát, mô hình này rất thành công và hứa hẹn nhiều triển vọng. Đây cũng là định hướng mà huyện đã đề ra trong chiến lược phát triển kinh tế địa phương. Huyện khuyến khích và kêu gọi các doanh nghiệp liên kết đầu tư. Hiện nay, đã có 1 doanh nghiệp ký kết đầu tư mô hình này với tổng diện tích hơn 30ha. Để phát triển nuôi tôm công nghệ cao, huyện kiến nghị tỉnh và các ngành có liên quan quan tâm hỗ trợ về điện, chính sách vay vốn ưu đãi để người dân từng bước chuyển đổi, tạo thành vùng nuôi tôm công nghệ cao quy mô lớn./.
PV tổng hợp theo KhanhHoaonline