Nhân kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, phóng viên Đài TNVN thường trú khu vực Tây Bắc phỏng vấn ông Vừ A Bằng – Phó chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên về định hướng phát triển của tỉnh trong thời gian tới.
PV: Thưa ông, Điện Biên là nơi lưu giữ các ký ức chiến tranh, nhưng cũng là một điểm hẹn hòa bình, thu hút khách du lịch. Xin ông cho biết địa phương xác định phát huy tiềm năng, lợi thế này để phát triển du lịch bền vững ra sao trong thời gian tới?
Ông Vừ A Bằng: Xác định phát triển du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương, ngày 7/5/2021, Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Điện Biên đã ban hành Nghị quyết số 03-NQ/TU về phát triển du lịch tỉnh Điện Biên đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Trong đó, xác định phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn dựa trên ba trụ cột, đó là Du lịch lịch sử - tâm linh; du lịch bản sắc văn hóa dân tộc, khám phá cảnh quan thiên nhiên; du lịch nghỉ dưỡng, giải trí, chăm sóc sức khỏe.
Để cụ thể hoá Nghị quyết, tỉnh Điện Biên đã ban hành các Đề án, Kế hoạch để triển khai thực hiện. Năm 2024 gắn liền với các hoạt động kỷ niệm 70 năm giải phóng Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên cũng vinh dự được giao nhiệm vụ đăng cai Năm Du lịch quốc gia. Có thể nói đây cũng chính là cơ hội để du lịch Điện Biên bứt phá, góp phần xóa đói giảm nghèo cũng như tăng ngân sách cho địa phương.
PV: Chiến thắng Điện Biên Phủ có nghĩa rất quan trọng trong việc phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, gắn với sức mạnh thời đại, khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự lực, tự cường trong điều kiện mới. Với 19 dân tộc anh em cùng sinh sống, tỉnh Điện Biên xác định, tiếp tục xây dựng, củng cố và phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc như thế nào để phát triển?
Ông Vừ A Bằng: Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ là một mốc son chói lọi bằng vàng của cả dân tộc, thể hiện tinh thần đoàn kết toàn dân tộc trong sự nghiệp đấu tranh xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Tỉnh Điện Biên cũng rất vinh dự, tự hào được quân dân cả nước giao cho trọng trách hết sức quan trọng, gìn giữ, bảo tồn, phát huy những giá trị truyền thống của các cụm di tích liên quan đến chiến trường Điện Biên Phủ. Trên cơ sở đó, kế thừa truyền thống của quân dân Tây Bắc, 19 dân tộc anh em tỉnh Điện Biên dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh trong suốt chặng đường 70 năm phấn đấu xây dựng và trưởng thành cũng đã kế thừa được truyền thống Điện Biên Phủ anh hùng, phát huy tính đoàn kết, thống nhất của khối đại đoàn kết các dân tộc trong xu thế hội nhập.
Tỉnh Điện Biên đã quán triệt đến các chi bộ cấp cơ sở và đến từng cán bộ, đảng viên về tinh thần và chính sách đại đoàn kết dân tộc theo tư tưởng Chủ tịch Hồ Chí Minh; xác định tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền đến quần chúng nhân dân, triển khai thực hiện phát triển kinh tế xã hội và các nhiệm vụ trong khối đại đoàn kết một cách công khai, minh bạch; tiếp thu các ý kiến, tâm tư, nguyện vọng chính đáng của nhân dân để có những định hướng, giải pháp cụ thể, kịp thời giải quyết những tâm tư, nguyện vọng chính đáng cho nhân dân, trên cơ sở đó tạo dựng niềm tin trong nhân dân đối với cấp ủy, chính quyền các địa phương.
PV: Thành phố Điện Biên Phủ - nơi có quần thể di tích đặc biệt chiến trường Điện Biên Phủ là đô thị cửa ngõ quan trọng, giao thương với thị trường các nước Trung Quốc, Lào và Thái Lan. Trong thời gian tới, tỉnh Điện Biên sẽ dành sự ưu tiên đầu tư như thế nào đối với thành phố Điện Biên Phủ để thành phố phát triển xứng tầm, thực sự là động lực phát triển của tỉnh?
Ông Vừ A Bằng: Tỉnh Điện Biên đã có Nghị quyết chuyên đề về phát triển thành phố Điện Biên Phủ thành trung tâm chính trị - kinh tế của tỉnh. Tỉnh cũng đã phối hợp chặt chẽ với các ban, bộ, ngành Trung ương, dành nguồn lực ưu tiên đầu tư xây dựng, nâng cao hạ tầng kinh tế xã hội; xây dựng, phê duyệt Quy hoạch tổng thể của tỉnh Điện Biên, trong đó phê duyệt quy hoạch thành phố Điện Biên Phủ đạt các tiêu chí đô thị loại I.
Trên cơ sở đó, tỉnh đã chỉ đạo các ngành hỗ trợ thành phố Điện Biên Phủ thực hiện các bước xây dựng quy hoạch chuyên đề. Một số các hạng mục cũng đã được quan tâm đầu tư, như Cảng hàng không Điện Biên Phủ đảm bảo cho các tàu bay cỡ lớn như A320, A321 kết nối giữa Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội với Điện Biên. Đây cũng là điều kiện vừa để phát triển du lịch của tỉnh, vừa là điều kiện hạ tầng kết nối để Điện Biên tiếp tục có bước phát triển mới.
Về lộ trình thì tỉnh cũng đã xác định là tới đây sẽ tiếp tục hoàn chỉnh lại toàn bộ quy hoạch cơ sở pháp lý để tỉnh Điện Biên có quy hoạch phân khu và quy hoạch chi tiết để tổ chức thực hiện các hạng mục đầu tư hạ tầng, kế hoạch đầu tư chuyên ngành phát triển kinh tế xã hội gắn liền với văn hóa cũng như các điều kiện khác. Tiếp tục có những chính sách thu hút để nâng cấp, cải tạo hạ tầng giao thông và các hạ tầng xã hội khác để thúc đẩy sự phát triển của thành phố Điện Biên Phủ, sớm hoàn thành các mục tiêu để trở thành đô thị loại I của tỉnh.
PV: Cảm ơn ông!.