Theo báo cáo của Chính phủ, trong 5 năm qua, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đã cùng nhau tạo ra hơn 1.200 tỷ USD giá trị GDP. Riêng năm 2020, dù trong muôn vàn khó khăn bởi Covid-19 và sự suy thoái của kinh tế thế giới, kinh tế nước ta vẫn kiên cường duy trì tăng trưởng dương xấp xỉ gần 3%. Theo số liệu của Ngân hàng thế giới (WB), với tăng trưởng kinh tế bình quân 6,8%/năm trong giai đoạn 2016-2019, Việt Nam nằm trong tốp 10 quốc gia tăng trưởng cao nhất thế giới. Góp phần vào những thành tựu đáng tự hào đó có vai trò của đông đảo công nhân lao động cả nước, lực lượng vẫn ngày đêm miệt mài sản xuất, đưa đất nước vượt qua những thách thức của thời đại.
Điều này cũng được Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh trong buổi làm việc với Đoàn chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam về bảo đảm việc làm bền vững, nâng cao mức sống, cải thiện điều kiện làm việc của công nhân lao động vào cuối năm 2020. Theo đó, giai cấp công nhân không chỉ là chủ thể của phương thức sản xuất công nghiệp, là giai cấp đại diện cho xu thế xã hội hóa của lực lượng sản xuất hiện đại, mà còn quyết định sự tồn tại và phát triển của xã hội hiện đại và thông qua đó, chuẩn bị những tiền đề vật chất cho xã hội tương lai. Mặc dù chỉ chiếm 14% dân số và 27% lực lượng lao động xã hội, nhưng đóng góp hằng năm của giai cấp công nhân cho đất nước chiếm hơn 65% tổng sản phẩm quốc dân và hơn 70% ngân sách nhà nước.
Những đóng góp đó lại càng có ý nghĩa hơn khi cả nước nói chung và lực lượng công nhân lao động nói riêng đã phải trải qua một năm đầy “sóng gió” với những tác động bao trùm của đại dịch Covid-19 đến đời sống xã hội và gần hơn là đời sống, việc làm của mỗi công nhân lao động. Thống kê của Tổng LĐLĐ Việt Nam cho thấy, trong năm 2020 tác động của đại dịch Covid-19 đã làm 31,8 triệu lao động từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng. Trong đó 68,9% lao động bị giảm thu nhập, gần 40% phải giảm giờ làm, nghỉ giãn việc, nghỉ luân phiên và khoảng 14% buộc phải tạm nghỉ việc. Có những lao động đã phải rời chuyền sản xuất sau nhiều năm gắn bó để tìm kiếm một công việc mới.
Có thể nói, trong những bộn bề khó khăn, thách thức, những điểm sáng về phát triển kinh tế - xã hội cũng đã mang đến những thay đổi đáng kể trong đời sống người lao động. Báo cáo của Chính phủ cho thấy, trong 5 năm qua, nền kinh tế nước ta đã tạo ra được hơn 8 triệu việc làm mới cho người dân, trong đó bao gồm những người đến tuổi lao động và cả những người bị mất việc làm trước đó.
Nhờ có việc làm tốt hơn, thu nhập của người dân ngày càng tăng lên. Hiện thu nhập bình quân mỗi lao động đạt gần 5 ngàn USD một năm. Tính cả nhiệm kỳ qua, thu nhập bình quân của người dân chúng ta đã tăng gần 145%. Còn theo báo cáo của Tổng LĐLĐ Việt Nam, sau 5 năm, số công nhân lao động có việc làm tăng 26%, trong đó số có việc làm bền vững, thu nhập cao tăng đều các năm; mức lương tối thiểu vùng tăng 1,3 lần, thu nhập bình quân tăng 35% góp phần cải thiện thu nhập, đời sống cho người lao động.
Thực tế, đời sống của công nhân lao động vẫn còn nhiều khó khăn. Thế nhưng vượt qua những thách thức của đời sống, việc làm đang hiện hữu, lực lượng công nhân lao động vẫn đang ngày đêm nỗ lực lao động sản xuất, cùng doanh nghiệp trên đà phục hồi và hướng đến một năm mới với những kỳ vọng, niềm tin. Tinh thần lạc quan, không khí thi đua đang lan tỏa trên các chuyền sản xuất những ngày đầu năm mới 2021. Cùng với công nhân lao động, các cấp Công đoàn cũng đang chuẩn bị và triển khai các hoạt động chăm lo Tết cho người lao động, “để mọi người, mọi công nhân đón Tết đầm ấm, vui tươi”.
Với tinh thần tiếp tục hun đúc, gìn giữ ngọn lửa khát vọng, tinh thần lạc quan, bền bỉ; sớm nhận ra cơ hội trong khó khăn đã được Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh tại Hội nghị Chính phủ với địa phương diễn ra mới đây, sự chung tay, góp sức của các tầng lớp nhân dân, trong đó có lực lượng công nhân lao động là vô cùng quan trọng để có thể biến cơ hội thành lợi thế, biến lợi thế thành nguồn lực, chuyển nguồn lực thành kết quả tăng trưởng bền vững cho đất nước trong năm mới 2021 và những năm tiếp theo…/.
PV tổng hợp