Tại Hội nghị Quân ủy Trung ương lần thứ 6, nhiệm kỳ 2023 - 2025 vừa qua, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Bí thư Quân ủy Trung ương nhấn mạnh cần đặc biệt quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ vững mạnh, đủ đức, đủ tài, có uy tín cao; cấp trên phải làm gương cho cấp dưới, chỉ huy phải mẫu mực trước toàn đơn vị.
Tổng Bí thư cũng yêu cầu trong quân đội tuyệt đối không để xảy ra tình trạng cán bộ sợ trách nhiệm, né tránh, đùn đẩy. Bởi cán bộ chỉ huy quân sự mà thiếu quyết đoán, né tránh, đùn đẩy trách nhiệm sẽ bỏ lỡ thời cơ, dẫn đến thất bại trong xử trí các tình huống. Muốn vậy, theo Tổng Bí thư, phải chú trọng bồi dưỡng, rèn luyện đội ngũ cán bộ quân đội theo tinh thần “7 dám”: “dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới, sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách, và dám hành động vì lợi ích chung”.
Theo Thiếu tướng Phan Khắc Hải, nguyên Tổng Biên tập Báo Quân đội nhân dân, trong chiến tranh, đã có một thế hệ cán bộ, đảng viên suy nghĩ, hành động và quyết đoán mang dáng dấp của tinh thần “7 dám”. Trong chiến tranh, anh phải dám làm, anh phải suy nghĩ để đấu với kẻ thù có vũ khí hiện đại. Muốn thế phải sáng tạo cách đánh của mình, chính nhờ sáng tạo, dám làm, dám đánh đó chúng ta đã giành được thắng lợi trong từng trận đánh, trong từng chiến dịch, và giải phóng được đất nước.
“7 dám” không khó
PV: Thưa Thiếu tướng Phan Khắc Hải, thực tiễn luôn luôn thay đổi, tính chất yêu cầu nhiệm vụ mỗi lúc mỗi khác. Vậy có mẫu số chung nào để định hướng cho việc dám nghĩ, dám làm của cán bộ, đảng viên được đúng hướng?
Thiếu tướng Phan Khắc Hải: Vấn đề quan trọng là nắm được tình hình thực tế của cuộc sống. Từng cấp, phải nắm được tình hình của xã hội, đặc biệt là phải nắm được tình hình của đơn vị mình và làm vì lợi ích chung, chứ không phải vì lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm. Vì thế, không nên bó buộc, vì chưa có chính sách, chưa có quy định mà không làm. Dám làm vì lợi ích chung mới tạo nên sự đột phá được. Đảng, Nhà nước luôn điều chỉnh chính sách, các quy định, chế độ. Nhưng việc điều chỉnh cũng không thể bao quát được đầy đủ, toàn diện. Vì thế, cán bộ phải nắm được tình hình thực tiễn của đất nước, của đơn vị mình, để có cách nghĩ, cách làm phù hợp và mục đích cuối cùng là vì lợi ích của nhân dân. Như Bác Hồ nói, việc gì vì lợi ích của nhân dân thì chúng ta làm; việc có hại cho dân thì chúng ta tránh. Tôi nghĩ đấy chính là sự đổi mới của người cán bộ trong tình hình hiện nay.
PV: Để thực thi tinh thần "7 dám", chúng ta mới chỉ dừng lại ở việc động viên, khuyến khích thôi thì chưa đủ, mà về lâu dài, căn bản hơn, chúng ta phải tạo ra được cơ chế bảo vệ, tạo ra được môi trường cho cán bộ thực hiện "7 dám". Thiếu tướng nghĩ thế nào về quan điểm này?
Thiếu tướng Phan Khắc Hải: Thực ra, tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám nói, dám chịu trách nhiệm đã được nói đến lâu rồi. Muốn “7 dám” trở thành suy nghĩ và phương châm hành động của mỗi cán bộ, đảng viên trong quân đội, trước hết, phải tạo điều kiện, môi trường để người ta có suy nghĩ thuận lợi. Phải có một cơ chế để bảo vệ người ta, bởi có những việc chưa từng xuất hiện, chưa có tiền lệ. Người ta làm mà không được bảo vệ, khiến người ta dễ thui chột. Cho nên phải có cơ chế, tạo điều kiện cho người ta làm.
Có cơ chế để cán bộ “7 dám” vì dân
PV: Vậy, chúng ta có cần cụ thể hóa tinh thần "7 dám" thành các tiêu chí với những định lượng cụ thể theo đặc điểm, nhiệm vụ của mỗi cơ quan, đơn vị, theo từng cương vị, chức trách nhiệm vụ của mỗi cán bộ, đảng viên không?
Thiếu tướng Phan Khắc Hải: Khi nói “7 dám” thì phải thực hiện một cách đồng bộ và phải cụ thể hóa cho phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, đơn vị. Trên cơ sở đó, người cán bộ ở từng cấp, ở quân khu, quân đoàn, quân chủng, binh chủng và địa phương, đơn vị thấy điều mình nghĩ nó phù hợp với tinh thần chỉ đạo, phù hợp với công việc thì làm. Nếu có cơ chế bảo vệ, có điều kiện môi trường cho người ta làm, tôi tin chắc nó sẽ khơi dậy được sự năng động, sáng tạo và tinh thần trách nhiệm, có sức lan tỏa rất lớn.
PV: Trong khi các cơ chế, chính sách, luật pháp bảo vệ cán bộ dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm còn đang hoàn thiện, tức là tấm khiên, lá chắn bảo vệ cán bộ còn đang hình thành, vậy trong giai đoạn giao thời như vậy, cần thực hiện tinh thần “7 dám” như thế nào?
Thiếu tướng Phan Khắc Hải: Chúng ta tuân thủ đúng theo mục đích vì lợi ích của nhân dân. Anh có thể làm thế này, có thể làm thế kia, nhưng động cơ của anh vì lợi ích của nhân dân, tôi tin chắc nó sẽ đúng. Tôi nghĩ vậy, tôi làm như vậy, và tôi dám chịu trách nhiệm thì tinh thần đó rất đáng hoan nghênh, cần phải có cơ chế để bảo vệ tinh thần đó, để tạo nên nhân tố mới, phát triển lan tỏa.
PV: Người đứng đầu, người chỉ huy cơ quan, đơn vị biết lắng nghe, tiếp thu, ghi nhận ý kiến của cán bộ, đảng viên cấp dưới sẽ tạo ra bầu không khí dân chủ trong thực hiện tinh thần “7 dám”, thưa Thiếu tướng?
Thiếu tướng Phan Khắc Hải: Trong tổ chức thực hiện thì có chế độ này, có chế độ kia, có cái việc này, việc kia mà thấy chưa phù hợp, cán bộ cấp dưới, quần chúng, chiến sĩ người ta có quyền đề xuất. Vì họ hiểu thực tế hơn, cho nên họ đề xuất là cần phải làm như thế này, không nên làm như thế này, làm thế này thì tốt, mà làm thế kia thì không có kết quả được. Cho nên người ta đề xuất. Thì đấy chính đấy là tâm tư và trách nhiệm của cán bộ cấp dưới, của chiến sỹ đối với cấp trên, đối với đơn vị, cho kiến nghị với Thủ trưởng.
Do đó, cán bộ cấp trên phải lắng nghe, nghe xong còn phải tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng, để hiểu vì sao người ta đề xuất việc đó. Có vậy mới thấu hiểu được, bởi không ai hiểu thực tế bằng quần chúng. Anh đã tìm hiểu thực tế rồi thì phải giải đáp cho anh em hiểu. Tôi tin đó cũng là một cách để phát huy tinh thần dám nghĩ, dám làm của cán bộ, chiến sĩ.
PV: Xin cảm ơn Thiếu tướng.
Trường Giang/Phát thanh Quân đội