Chuẩn bị cho kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XV sẽ diễn ra từ 20/10 đến 13/11, lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội và Chính phủ đã có các cuộc tiếp xúc cử tri để lắng nghe và trả lời các ý kiến, kiến nghị của cử tri.
Đánh giá cao những nỗ lực ngoại giao vaccine của lãnh đạo Đảng, Nhà nước để có vaccine tiêm phủ cho người dân, cử tri cũng bày tỏ tin tưởng ở sự lãnh đạo đúng đắn, linh hoạt và trách nhiệm của Đảng, Nhà nước, Chính phủ và Quốc hội trong công tác phòng chống dịch và thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội thời gian qua và thời gian tới đây.
Tổng Bí thư: Xác định khó khăn là thử thách bản lĩnh để nỗ lực vượt qua
Tại cuộc tiếp xúc cử tri TP Hà Nội vừa qua, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, đại dịch Covid-19 ảnh hưởng rất lớn đối với thế giới, trong đó có Việt Nam. Dưới sự lãnh đạo quyết liệt của Đảng, sự vào cuộc của các cấp, các ngành, cả hệ thống chính trị và sự đồng lòng ủng hộ của nhân dân, công tác phòng, chống dịch Covid-19 đã đem lại hiệu quả bước đầu, tuy nhiên vẫn còn rất nhiều điều chưa làm được.
Tổng Bí thư nêu rõ, khó khăn cả trước mắt và lâu dài còn nhiều, nhưng phải xác định đây là thử thách bản lĩnh để nỗ lực vượt qua. Vì thế, người đứng đầu Đảng ta mong muốn thời gian tới, cả hệ thống chính trị và nhân dân tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, thống nhất ý chí, quyết tâm cao để vượt qua khó khăn, tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, tự mãn trước dịch bệnh Covid-19, tập trung đẩy mạnh phát triển kinh tế.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho rằng, nếu cả hệ thống chính trị vào cuộc dưới sự lãnh đạo của Đảng, cùng với nhân dân "tiền hô hậu ủng, nhất hô bá ứng, trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt", với phương châm "đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết, thành công, thành công, đại thành công" thì đất nước ta nhất định sẽ vượt qua mọi khó khăn, thử thách, không sợ kẻ thù nào.
Chủ tịch nước: Chuyển chiến lược phù hợp
Tiếp xúc cử tri các huyện Củ Chi và Hóc Môn của TP.HCM, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, việc chuyển chiến lược từ “Zero Covid-19” sang thích ứng an toàn với Covid-19 là bước chuyển phù hợp nhằm từng bước kiểm soát dịch bệnh và phục hồi kinh tế.
Chia sẻ với cử tri doanh nghiệp trên địa bàn TP.HCM về những khó khăn hiện nay trong sản xuất kinh doanh, Chủ tịch nước nêu rõ, tương lai dù còn nhiều thách thức nhưng “ánh sáng đã xuất hiện ở đoạn cuối đường hầm”. Những cơ hội kinh tế đang mở ra, không chỉ bù đắp lại mất mát đã qua mà còn cơ hội lớn để bứt phá. Đảng, Nhà nước, chính quyền thành phố, trước hết là ngành tài chính, thuế, Ngân hàng Nhà nước, các bộ ngành Trung ương đang và sẽ tiếp tục kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, từng bước nới dần giãn cách xã hội, giúp phục hồi kinh tế TP.HCM.
Đối với vấn đề hỗ trợ lãi suất, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đề nghị ngành ngân hàng tính toán kỹ lưỡng bảo đảm tính khả thi cao. Thiết kế các gói vay ưu đãi lãi suất với thời hạn cần thiết tập trung cho các đối tượng ưu tiên. Theo đó, ngành ngân hàng tiếp tục chia sẻ hơn nữa với những khó khăn của nền kinh tế, đặc biệt tiếp tục chủ động giảm lãi suất, tái cơ cấu các khoản vay, tạo điều kiện cho doanh nghiệp, người dân. “Lúc này không đặt lợi nhuận lên trên mà chính sách cần chia sẻ một phần lợi nhuận cho sản xuất xuất, kinh doanh”, Chủ tịch nước nêu rõ.
Trao đổi thêm với cử tri về việc thực hiện chống dịch thời gian tới, Chủ tịch nước khẳng định, vaccine+5K vẫn là biện pháp quan trọng. Vì thế, mỗi xã, phường là một “pháo đài” chống dịch, có ý nghĩa đề cao vị trí quan trọng của đội ngũ cán bộ cơ sở trong cuộc chiến chống dịch Covid-19 tại các đơn vị cơ sở chứ không phải pháo đài là biệt lập, là ra những chủ trương, quy định trái với chủ trương của Trung ương và thành phố để ngăn sông, cấm chợ, ngăn cản lưu thông hàng hóa và dịch chuyển lao động.
Chủ tịch Quốc hội: Tạo cơ chế linh hoạt chống dịch, hỗ trợ người dân
Chia sẻ với kiến nghị của cử tri TP Hải phòng về việc Quốc hội, Chính phủ quan tâm, tiếp tục có chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa để phục hồi kinh tế, không để bị đứt gãy chuỗi cung ứng, sản xuất, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 30, trong đó, trao quyền đặc cách, đặc thù, đặc biệt để Chính phủ thực hiện công tác phòng, chống dịch Covid-19 hiệu quả hơn. Cùng với đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thành lập một tổ công tác đặc biệt hoạt động 24/7, đồng hành cùng Chính phủ và cả hệ thống chính trị trong công tác phòng, chống dịch Covid-19.
Theo Chủ tịch Quốc hội, để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi Covid-19, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành các nghị quyết hỗ trợ người lao động, chủ sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19; miễn, giảm, giãn, hoãn thuế cho doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất-kinh doanh…
Chủ tịch Quốc hội cũng cho biết, tại Kỳ họp thứ 2 tới đây, Chính phủ sẽ có báo cáo chuyên đề trước Quốc hội về kết quả thực hiện công tác phòng, chống dịch Covid-19 thời gian qua và quyết sách trong thời gian tới. Trên cơ sở rút kinh nghiệm thời gian qua, tới đây sẽ có chiến lược đồng bộ, bài bản, nhất quán từ Trung ương đến địa phương, trên cơ sở dữ liệu khoa học, nhất là dữ liệu dịch tễ để có các kịch bản, phương án chủ động ứng phó.
Về kiến nghị Quốc hội tăng cường giám sát tối cao các nguồn chi cho chống dịch, không để bất cứ một tổ chức, cá nhân trục lợi bất chính, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, Quốc hội đã chỉ đạo kiểm toán Nhà nước, sắp tới kiểm toán quản lý, huy động sử dụng các nguồn lực mua sắm, chi tiêu, giá vật tư y tế, thiết bị có tiền kiểm và hậu kiểm trên tinh thần có cảnh báo trước, có hướng dẫn quản lý từ sớm, từ trước để tránh những sai sót không đáng có.
Thủ tướng: Tuyệt đối không được lơ là, chủ quan, mất bình tĩnh
Tiếp xúc cử tri thành phố Cần Thơ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tiếp tục nhấn mạnh chủ trương “thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch bệnh”. Theo Thủ tướng, thực hiện chủ trương này cần quán triệt 6 nguyên tắc: Y tế là trụ cột, là trung tâm; Kinh tế là cơ sở, là nền tảng; Dữ liệu khoa học, công nghệ là then chốt; Ổn định chính trị-xã hội là trọng yếu và thường xuyên; Vaccine, thuốc chữa bệnh và ý thức người dân là điều kiện tiên quyết; An toàn để sản xuất, sản xuất phải an toàn.
Thủ tướng yêu cầu tất cả các cơ quan, đơn vị, địa phương, lãnh đạo các cấp tuyệt đối không được lơ là, chủ quan, mất bình tĩnh; phải gần dân, sát dân, lắng nghe ý kiến nhân dân, vì dân; phải tỉnh táo, sáng suốt thực hiện các biện pháp phòng chống dịch có hiệu quả; việc lưu thông và giao thông vận tải phải thực hiện thống nhất trên toàn quốc, không cát cứ, không chia cắt; mau chóng khôi phục, phát triển kinh tế-xã hội.
Đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế dựa trên ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo gắn với thực hiện đồng bộ 3 đột phá chiến lược. Thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm nâng cao thứ hạng các chỉ số như PCI, PAPI, PAR Index, SIPAS…./.
PV/VOV.VN