Từ nay tới hết năm, Bộ Công Thương sẽ thúc đẩy tái cơ cấu trong các lĩnh vực sản xuất công nghiệp, trọng tâm là khu vực công nghiệp hỗ trợ. Ảnh: Nguyễn Thanh |
Dệt may chưa có đơn hàng mới
Theo số liệu mới nhất từ Bộ Công Thương, chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 7 chỉ tăng 3,6% so với tháng trước và tăng 1,1% so với cùng kỳ năm trước, không đạt được mức tăng như tháng 6 (chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 6 tăng 10,3% so với tháng trước và tăng 7,2% so với cùng kỳ năm trước).
Trong các ngành công nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 từ đầu năm đến nay, dệt may là ngành hàng khá điển hình do sản phẩm dệt may chủ yếu phục vụ XK. Thị trường thế giới chỉ "hắt hơi" cũng đủ khiến dệt may Việt lao đao.
Theo Bộ Công Thương, trong các ngành công nghiệp cấp II, một số ngành có chỉ số sản xuất 7 tháng đầu năm nay giảm sâu hoặc tăng rất thấp so với cùng kỳ năm trước, điển hình như: Sản xuất xe có động cơ giảm 15,4%; khai thác dầu thô và khí đốt tự nhiên giảm 11,3%; sản xuất đồ uống giảm 6,3%; xuất trang phục giảm 4,6%; sản xuất da và các sản phẩm có liên quan giảm 4,2%; chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa giảm 3,4%... |
Bằng chứng là, kim ngạch XK hàng dệt và may mặc 7 tháng đầu năm ước đạt 16,18 tỷ USD, giảm 12,1%; xơ, sợi dệt các loại giảm 20,9% so với cùng kỳ năm 2019. Đáng chú ý, tính đến tháng 7, nhiều DN dệt may gần như chưa có đơn hàng cho hai quý cuối năm cho các sản phẩm có giá trị cao như veston, sơ mi cao cấp, trong khi mặt hàng khẩu trang và đồ bảo hộ được coi là "cứu cánh" cho nhiều DN may trong quý 2 thì hiện tại giá đã giảm mạnh do dư thừa nguồn cung trên toàn thế giới.
Ông Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may tỉnh Hưng Yên phân tích: "Nếu như mọi năm, khoảng tháng 7 và tháng 8 DN sẽ ký kết hợp đồng để sản xuất hàng Xuân từ tháng 10 cùng năm đến tháng 4 năm sau. Tuy nhiên, năm nay do dịch Covid-19 nên DN chưa ký được hợp đồng. Thống kê sơ bộ đến thời điểm hiện tại, DN nào lớn mới có được năng lực sản xuất quý 4 là 10%, còn lại hầu như chưa có đơn hàng. Đây là vấn đề đáng báo động cho toàn ngành".
Điểm xuyết "lát cắt" của ngành dệt may và nhìn rộng ra "bức tranh" toàn cảnh của sản xuất công nghiệp, ông Phạm Đình Thúy, Vụ trưởng Vụ Thống kê công nghiệp (Tổng cục Thống kê) phân tích thêm ở góc độ nguyên nhân khiến sản xuất công nghiệp từ đầu năm đến nay không tăng trưởng như kỳ vọng, đó là dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, bùng phát mạnh tại nhiều quốc gia đã ảnh hưởng đến nguồn nguyên liệu NK phục vụ cho sản xuất công nghiệp, đặc biệt là ngành chế biến, chế tạo. Ngoài ra, Nghị định số 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt có hiệu lực ngày 1/1/2020 đã thay đổi thói quen uống rượu, bia của người dân, từ đó ảnh hưởng đến ngành sản xuất đồ uống...
Tập trung tái cơ cấu chuỗi liên kết
Từ nay đến hết năm, không chỉ với ngành hàng điển hình là dệt may, nhiều ngành công nghiệp tập trung cao vào XK khác như da giày, điện tử, gỗ và sản phẩm từ gỗ... được dự báo tiếp tục đối mặt không ít thấp thỏm, âu lo.
Bộ Công Thương phân tích, giá trị XK 7 tháng đầu năm 2020 của mặt hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện ước đạt 23 tỷ USD, tăng 24,3%; tuy nhiên, mặt hàng điện thoại các loại và linh kiện ước đạt 25,65 tỷ USD, giảm 6,6% so với cùng kỳ năm trước. Dự kiến những tháng cuối năm, ngành điện tử vẫn bị ảnh hưởng lớn do diễn biến dịch bệnh phức tạp có khả năng làm sụt giảm nhu cầu tiêu thụ sản phẩm điện tử tại các thị trường Mỹ và châu Âu.
Với chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 bùng phát trên toàn thế giới, ngành gỗ bị ảnh hưởng do nhu cầu tiêu dùng đồ gỗ trên thế giới giảm mạnh. 7 tháng năm 2020, so với cùng kỳ năm trước, chỉ số sản xuất công nghiệp của ngành chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa; sản xuất sản phẩm từ rơm, rạ và vật liệu tết bện giảm 3,4% (trong khi cùng kỳ tăng 12,9%).
Tình hình thị trường XK thời gian tới vẫn chưa có nhiều khởi sắc rõ ràng, khó đoán định, dù vậy theo tìm hiểu của phóng viên, các DN trong ngành chế biến, XK gỗ cũng kỳ vọng tình hình dịch bệnh tại các thị trường XK truyền thống của ngành chế biến gỗ sẽ được kiểm soát tốt. Thêm vào đó, việc Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) được triển khai thực thi hiệu quả sẽ thu hút nhiều đơn hàng XK từ các nước thành viên.
Ở góc độ DN sản xuất cụ thể, ông Nguyễn Văn Miêng, Tổng giám đốc Tổng công ty Cổ phần Dệt may Nam Định cho biết, để đảm bảo duy trì việc làm cho người lao động, thời gian qua, DN có những xoay chuyển trong cơ cấu sản xuất. Nếu như đối với ngành sợi trước đây DN sản xuất 1.100 tấn, trong đó XK được 600 tấn, nghĩa là tỷ trọng xuất khẩu lên tới 65%, thì giờ đây XK sợi chỉ còn 45%.
“Chúng tôi bù đắp sự thiếu hụt đó bằng cách đẩy mạnh khai thác thị trường nội địa. Về mặt hàng vải, hiện Tổng công ty đang sản xuất khoảng 1,2 triệu mét/tháng, đến quý 3 và 4 năm nay nhiều khả năng chúng tôi sẽ bị sụt giảm khoảng 230-300.000 mét. Do đó, chúng tôi đang mở rộng thị trường ra các tỉnh phía Bắc, hướng tới dòng sản phẩm mới và tận dụng lợi thế vải qua nhuộm để bán sản phẩm đã qua hoàn tất và cung cấp cho các công ty may”, ông Miêng nói.
Để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất công nghiệp, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh nhấn mạnh, những tháng cuối năm, Bộ sẽ thúc đẩy tái cơ cấu trong các lĩnh vực sản xuất công nghiệp; trong đó, xác định trọng tâm là khu vực công nghiệp hỗ trợ. "Ngay từ bây giờ cần tập trung tái cơ cấu các chuỗi liên kết để phục vụ cho sản xuất công nghiệp, đặc biệt là một số ngành công nghiệp chế biến chế tạo lớn của Việt Nam như dệt may, da giày, điện tử, đồ gỗ… theo hướng bền vững hơn với một số đối tác như Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ…, tránh phụ thuộc quá lớn vào một hoặc một số ít đối tác hoặc thị trường", Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nói.
Ngoài ra, người đứng đầu ngành Công Thương cũng khẳng định, Bộ sẽ phối hợp chặt chẽ với một số DN FDI đa quốc gia (như Samsung, Toyota...) tăng cường tìm kiếm các DN sản xuất nguyên vật liệu, linh phụ kiện trong nước đủ khả năng sản xuất thay thế nguồn NK trong ngắn hạn cũng như trong dài hạn; đồng thời tập trung xử lý hàng tồn kho; duy trì sản xuất các loại nguyên vật liệu phục vụ sản xuất mà Việt Nam có lợi thế....
HQOL