Nông nghiệp chuyển dịch từ phát triển chiều rộng sang chiều sâu
Là một tỉnh thuần nông, bên cạnh những thế mạnh về thủy sản, lúa gạo thì Đồng Tháp còn có những ưu thế trong phát triển hoa kiểng và sản xuất cây ăn trái. Hiểu rõ thế mạnh của địa phương, những năm qua, tỉnh đã có những chiến lược phù hợp trong phát triển kinh tế, nổi bật là năm 2014 Đồng Tháp chính thức bắt tay thực Đề án TCCNN. Trong 5 ngành hàng được tỉnh lựa chọn thực hiện Đề án TCCNN (lúa gạo, xoài, hoa kiểng, cá tra và vịt) thì hai ngành hàng có nhiều chuyển biến tích cực trong những năm gần đây phải kể đến là ngành hàng xoài và hoa kiểng. Từ thực trạng quy mô sản xuất còn rời rạc, chưa chuyên nghiệp ở thuở ban đầu, hiện hai ngành hàng này đã có nhiều đột phá về tăng trưởng.
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), năm 2020 tổng giá trị sản xuất ngành hàng xoài của Đồng Tháp đạt 2.009 tỷ đồng, tăng 28,2% so với năm 2015, tương ứng giá trị 442,4 tỷ đồng. Những năm qua, không dừng lại ở việc xuất khẩu xoài tươi sang các thị trường khó tính như: Mỹ, Châu Âu, Nga, Hàn Quốc, Úc, Nhật Bản mà các sản phẩm xoài loại 2, loại 3 của Đồng Tháp cũng được nhiều doanh nghiệp (DN) thu mua để chế biến đa dạng các sản phẩm như: xoài sấy dẻo, xoài đông lạnh, rượu xoài, bánh phồng xoài, dưa xoài... Để đạt được những kết quả của hiện tại, thời gian qua, Đồng Tháp đã thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ để ngành hàng này phát triển theo chiều sâu.
Ứng dụng khoa học công nghệ giúp ngành hàng hoa kiểng Đồng Tháp tăng trưởng mạnh trong những năm gần đây. Ảnh: Báo Đồng Tháp
Thời điểm năm 2012 - 2013, khi Đề án TCCNN chỉ mới bắt đầu manh nha, sản phẩm xoài của Đồng Tháp được nhiều DN đánh giá là ngon và chất lượng, tuy nhiên “điểm nghẽn” lớn nhất của ngành hàng này thời điểm đó chính là chất lượng sản phẩm không đồng nhất, sản lượng chỉ tập trung theo mùa... Đây là những “nút thắt” khiến DN khó kết nối được với nông dân trồng xoài của tỉnh nhà.
Để tháo gỡ khó khăn, Đồng Tháp đã có những chương trình hợp tác với các viện, trường để thực hiện những dự án và đề tài nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ trong chuỗi sản xuất của ngành hàng xoài như: triển khai và nhân rộng mô hình rải vụ trên xoài, áp dụng kỹ thuật bao trái nhằm nâng cao chất lượng cho trái cũng như giảm tỉ lệ hao hụt trong sản xuất, nhân rộng nhiều diện tích được chứng nhận VietGAP, GlobalGAP...
Bên cạnh việc áp dụng các ứng dụng khoa học kỹ thuật mới vào chuỗi giá trị của ngành hàng xoài, tỉnh còn thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ khác như đăng ký cấp chứng nhận nhãn hiệu hàng hóa cho xoài Cao Lãnh và xoài cát chu Cao Lãnh; thực hiện bảo hộ chỉ dẫn địa lý “Cao Lãnh” cho sản phẩm xoài; ứng dụng công nghệ Blockchain trong truy xuất nguồn gốc, đăng ký mã vùng trồng được quan tâm thực hiện... Từng giải pháp cụ thể được Đồng Tháp thực hiện liên tục đã góp phần giúp cho ngành hàng xoài dần giải quyết được những “điểm nghẽn” trong chuỗi sản xuất, sản phẩm đạt chuẩn và được nhiều thị trường ưa chuộng...
Cũng như ngành hàng xoài, ngành hàng hoa kiểng được đánh giá có nhiều tiềm năng phát triển, song trước đây hầu như nông dân chỉ sản xuất hoa kiểng phục vụ thị trường Tết Nguyên đán; sản phẩm hoa kiểng thiếu sự đa dạng về chủng loại, chỉ sản xuất tập trung theo mùa nên khó tạo được lợi thế cạnh tranh... Để giải quyết hạn chế này, năm 2014, UBND tỉnh Đồng Tháp thành lập Trung tâm Ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao Đồng Tháp (ƯDNNCNC) tọa lạc ngay tại Làng hoa Sa Đéc. Từ những nền tảng sẵn có của địa phương đi kèm với việc thực hiện nhiều chương trình hợp tác quốc tế trong lĩnh vực phát triển và ứng dụng các kỹ thuật mới về sản xuất hoa kiểng (với các nước tiên tiến như Hà Lan), từng bước Trung tâm ƯDNNCNC đã tìm kiếm và lai tạo, nhân giống các giống hoa kiểng mới, có triển vọng kinh tế, phù hợp với điều kiện tự nhiên ở làng hoa.
Từ năm 2016 đến nay, Trung tâm ƯDNNCNC đã thực hiện nhiều công trình nghiên cứu khoa học, nhân giống thành công nhiều loại hoa kiểng có giá trị kinh tế cao, được thị trường ưa chuộng như: hoa đồng tiền, hoa chuông, lan ý, cúc, dạ yến thảo... chuyển giao cho nông dân Sa Đéc. Từ những chuyển biến tích cực của ngành hàng hoa kiểng đã góp phần giúp người dân địa phương nâng cao thu nhập và cũng là tiền đề quan trọng để Đồng Tháp tiếp tục triển khai thành công Đề án phát triển du lịch của địa phương.
Nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm nông nghiệp
Bên cạnh quan tâm nâng chất cho sản phẩm nông nghiệp phục vụ thị trường xuất khẩu, Đồng Tháp còn rất chú trọng đến việc ứng dụng KHCN đẩy mạnh phát triển sản phẩm chế biến tinh đối với các mặt hàng nông sản thế mạnh của địa phương. Thời gian qua, địa phương đã thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ và thúc đẩy DN thực hiện đổi mới sáng tạo, tăng cường áp dụng các thành tựu KHCN để khai thác một cách tốt nhất những giá trị của các tài nguyên bản địa.
Một trong những DN sớm quan tâm đến việc đưa KHCN vào khai thác chuỗi giá trị cá tra tại Đồng Tháp là Công ty Cổ phần Vĩnh Hoàn. Là DN xuất khẩu cá tra phi lê nổi tiếng cả nước, những năm qua, Công ty Cổ phần Vĩnh Hoàn được quan tâm nhiều hơn khi sản xuất thành công các sản phẩm bằng công nghệ cao như: collagen và gelatin được chiết xuất từ da cá tra. Hai sản phẩm mới giúp DN gia tăng giá trị gấp nhiều lần cho chuỗi sản xuất cá tra, đây cũng là giải pháp giúp DN tận dụng được hiệu quả những nguồn nguyên liệu dồi dào, tiết kiệm chi phí sản xuất, giảm thiểu được ô nhiễm môi trường... góp phần mang lại giá trị nhiều hơn cho nông dân sản xuất cá tra.
Ngoài ngành hàng cá tra, nhiều mặt hàng nông sản của địa phương cũng được các DN trên địa bàn tỉnh quan tâm ứng dụng KHCN trong chế biến sâu. Cụ thể, Công ty TNHH MTV Cỏ May Essential ứng dụng công nghệ hiện đại trong lĩnh vực trích ly, chiết xuất và điều chế các tinh chất chọn lọc từ các sản phẩm nông nghiệp như: trích ly dầu cám gạo, trích ly tinh dầu hoa hồng, tinh dầu gấc, tinh dầu xả... Ứng dụng này hướng đến việc phát triển các sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế cung cấp cho các ngành công nghiệp thực phẩm chức năng, dược phẩm, mỹ phẩm và các lĩnh vực khác... Các sản phẩm chế biến sâu không chỉ mang lại giá trị tăng thêm gấp nhiều lần cho sản phẩm nông nghiệp bản địa mà còn là nền tảng để Đồng Tháp thúc đẩy các ngành nghề và lĩnh vực mới phát triển tại địa phương, góp phần mang lại việc làm và thu nhập cho người dân nông thôn.
Nhận định về việc cần thiết trong việc đẩy mạnh đưa hàm lượng KHCN vào lĩnh vực chế biến nông sản hiện nay, tại hội nghị toàn quốc về thúc đẩy công tác chế biến và phát triển thị trường nông sản năm 2021 do Bộ NN&PTNT phối hợp với Bộ KHCN tổ chức tại TP.Cần Thơ vào cuối tháng 4 vừa qua, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho rằng, thời gian qua phần lớn nông sản trong nước chỉ dừng lại ở bán sản phẩm thô và chưa có nhiều sản phẩm chế biến sâu có hàm lượng KHCN cao. Trong chuỗi giá trị nếu chỉ dừng lại ở xuất khẩu nông sản thô thì giá trị mà chúng ta nhận lại sẽ rất thấp... Khi đẩy mạnh chế biến và chế biến sâu chúng ta sẽ giải được bài toán cung vượt cầu, giảm áp lực cho nông dân thường gặp cảnh trúng mùa rớt giá. Mục tiêu mà ngành nông nghiệp hướng đến trong thời gian tới là ngành tập trung đẩy mạnh phát triển các sản phẩm nông nghiệp chế biến sau thu hoạch với việc tích hợp nhiều hàm lượng tri thức và khoa học vào sản phẩm. Khi đó chúng ta sẽ bán giá trị của sản phẩm cho người tiêu dùng chứ không còn là bán giá cả nữa...
Có thể nói, KHCN không chỉ giúp chuỗi giá trị nông nghiệp bổ khuyết những mặt còn hạn chế mà còn giúp gia tăng giá trị cao gấp nhiều lần cho các sản phẩm nông nghiệp bản địa. Hoàn thiện chuỗi sản xuất để nông sản có thể vươn xa hơn ở thị trường xuất khẩu là cần thiết, song để tạo ra giá trị nhiều hơn mang lại nguồn thu nhiều hơn cho DN và người nông dân thì chỉ có chế biến và chế biến sâu. Để làm được điều này thì rất cần có sự xắn tay vào cuộc của cả người nông dân và đặc biệt là cộng đồng doanh nghiệp Đồng Tháp./.
Theo Báo Đồng Tháp