Lúa chín rục ngoài đồng chờ thu hoạch
Hiện hàng trăm nghìn hecta lúa chín rục ngoài đồng, nhưng chưa thể thu hoạch ngay. Đó là sự sốt ruột của cả người nông dân, thương lái, doanh nghiệp, trong tình cảnh là nhân lực, máy móc đang phải hạn chế trong bối cảnh phòng, chống dịch COVID-19.
Theo Cục Trồng trọt, lúa chưa thu hoạch trên đồng ruộng ở các địa phương còn nhiều, nhất là lúa vụ Hè Thu, đến nay mới thu hoạch hơn một nửa trên tổng số gần 1,6 triệu ha gieo cấy.
Nông dân thu hoạch lúa Hè Thu năm 2021 tại huyện Châu Thành A, Hậu Giang. (Ảnh: TTXVN)
Trong khi đó, thu mua lúa gạo đang ách tắc, sản lượng thu mua sụt giảm từ 20 - 30% so với cùng kỳ năm ngoái. Lượng hàng còn tồn kho trong doanh nghiệp ảnh hưởng lớn đến tổ chức ký kết mới các hợp đồng thu mua lúa gạo cho nông dân. Giá lúa gạo nhìn chung đang thấp hơn so với cùng kỳ năm trước khoảng 500 - 600 đồng/kg.
Trà Vinh hỗ trợ nông dân thu hoạch, tiêu thụ lúa
Như tại tỉnh Trà Vinh, thời điểm này hàng chục ngàn ha diện tích lúa Hè Thu của tỉnh Trà Vinh cũng đang bước vào chính vụ thu hoạch. Việc ra ngoài đồng lúc này cũng phải cân nhắc với người nông dân. Làm thế nào để hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại của bà con là bài toán đặt ra đối với địa phương.
5 công lúa của bà Soi (xã Ngãi Xuyên, Trà Cú, Trà Vinh) đã chín rục nhiều ngày qua, nhưng chưa có phương tiện thu hoạch. Người phụ nữ này vô cùng lo lắng, vì tiếp tục kéo dài, lúa sẽ giảm chất lượng và năng suất. Thua lỗ là điều khó tránh, bởi diện tích lúa này gia đình bà thuê với giá 7,5 triệu đồng để canh tác.
Toàn tỉnh Trà Vinh hiện có hơn 60.000 ha lúa Hè Thu đang bước vào thu hoạch. Lao động thủ công khan hiếm, trong khi máy gặt đập liên hợp thiếu trầm trọng.
Chỉ tính riêng 15.000 ha lúa tại huyện Trà Cú, cần đến 200 máy gặt đập liên hợp, nhưng phương tiện tại chỗ chỉ đáp ứng được 1/3 nhu cầu.
Thương lái - nông dân - doanh nghiệp là một mắt xích quan trọng trong ngành sản xuất lúa, gạo. (Ảnh minh họa: TTXVN)
Ngành Nông nghiệp tỉnh Trà Vinh đang kêu gọi và tạo điều kiện thuận lợi cho các phương tiện máy gặt đập liên hợp, các thương lái thu mua nông sản từ nơi khác đến địa bàn hoạt động trên tinh thần tuân thủ các quy định phòng chống dịch.
Các sở ban ngành, địa phương trong tỉnh phải tạo mọi điều kiện để các thương lái, doanh nghiệp đến địa bàn thu mua, vận chuyển nông sản hàng hóa; tăng cường liên kết với các địa phương trong khu vực trao đổi, tiêu thụ nông sản, hạn chế đến mức thấp nhất những thiệt hại, thua lỗ cho người dân.
Kế hoạch canh tác lúa ở Đồng bằng sông Cửu Long có tính chất đặc thù. Từ nay đến cuối năm ĐBSCL sẽ là một dòng chảy liên tục của 3 vụ lúa:
- Vụ lúa Hè Thu thu hoạch được hơn một nửa; dự kiến cuối tháng 8, đầu tháng 9 sẽ thu hoạch xong.
- Trong khi vụ lúa Thu Đông đã gieo sạ được hơn một nửa diện tích và dự kiến cuối tháng 9, tháng 10 sẽ thu hoạch.
- Tiếp sau đó sẽ là vụ lúa Đông Xuân quan trọng nhất của năm, vào cuối năm tháng 12 sẽ thu hoạch.
Như vậy, chỉ cần 1 vụ đứt gãy sẽ ảnh hưởng đến các vụ sau và ảnh hưởng lớn đến an ninh lương thực và kế hoạch xuất khẩu.
Giá lúa đang xuống thấp, bà con đang ngại xuống giống vụ tiếp theo. Nếu không có chính sách kích cầu thị trường lúa Hè Thu kịp thời, thì sẽ ảnh hưởng đến sản lượng lúa cả năm.
Thương lái - nông dân - doanh nghiệp là một mắt xích quan trọng trong ngành sản xuất lúa, gạo. Đầu ra hạt lúa của nông dân vẫn đang trông chờ vào doanh nghiệp, thương mại. Giải pháp cần nhất là hỗ trợ các doanh nghiệp trong vùng mở rộng năng lực hoạt động, sản xuất, để doanh nghiệp, thương lái tăng cường thu mua lúa sớm cho người dân. Lúc này, để lương thực tồn là điều không thể.
Nguồn VTV