Ngày 21/9/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 26/CT-TTg về việc thúc đẩy sản xuất, lưu thông, tiêu thụ và xuất khẩu nông sản trong bối cảnh phòng, chống dịch bệnh COVID-19.
Theo đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo các cơ quan liên quan bảo đảm hệ thống giao thông vận tải thông suốt trên toàn quốc, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho việc vận chuyển nông sản, vật tư đầu vào phục vụ sản xuất nông nghiệp và tiêu thụ, xuất khẩu nông sản. Kiểm tra, hướng dẫn lưu thông thống nhất tại các địa phương; rà soát, yêu cầu bãi bỏ các văn bản của địa phương trái với quy định của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ về lưu thông hàng hóa, tuyệt đối không để ách tắc, các địa phương không được ban hành các giấy phép con.
Thực tế, sau thời gian tập trung toàn lực cho công tác phòng, chống dịch COVID-19 bằng biện pháp giãn cách theo tinh thần Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, một số địa phương cũng đã thực hiện nới lỏng, mở lại một số hoạt động kinh doanh và dịch vụ, kết hợp với việc yêu cầu thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19.
Trong đó, một số tỉnh như Lào Cai, Tiền Giang, Long An, Lâm Đồng,… cũng đã thực hiện các biện pháp nới lỏng, chuẩn bị cho giai đoạn “bình thường mới”, một số địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19 như Đồng Nai, Bình Dương cũng bắt đầu thí điểm từng bước nới lỏng giãn cách xã hội.
Cần nhất quán giữa các địa phương để tạo điều kiện cho doanh nghiệp sau nới lỏng, khơi thông các "huyết mạch" kinh tế. Ảnh minh họa: Internet.
Ngày 21/9, Hà Nội cũng thực hiện điều chỉnh các biện pháp phòng, chống dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn theo Chỉ thị số 15/CT-TTg và một số biện pháp cao hơn phù hợp với tình hình thực tế cho đến khi hoàn thành việc tiêm chủng mũi 2 cho toàn bộ người dân trong độ tuổi tiêm chủng và có thông báo mới. Tiếp tục hướng tới từng bước khôi phục dần các hoạt động vận tải hành khách đường bộ, đường thủy.
Đặc biệt, cũng từ 21/9, tỉnh Quảng Ninh cho phép các hoạt động du lịch nội tỉnh được hoạt động trở lại nhưng phải đảm bảo an toàn phòng, chống dịch COVID-19, tuân thủ quy định 5K của Bộ Y tế.
Động thái trên không chỉ cho thấy những tín hiệu tích cực trong công tác phòng, chống dịch, việc nới lỏng, khơi thông các “huyết mạch” kinh tế còn mang lại nhiều kỳ vọng cho hoạt động sản xuất cho các doanh nghiệp, tuy nhiên, theo các chuyên gia, cần thực thi chính sách một cách nhất quán giữa các địa phương để tạo điều kiện cho doanh nghiệp.
Theo chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh, đã đến lúc nên thí điểm mở cửa dần các hoạt động kinh tế theo địa bàn, tuy nhiên, ông Thịnh cũng cho rằng, kịch bản mở cửa trở lại nền kinh tế cần phải chuẩn bị kỹ lưỡng, thực hiện cẩn trọng từng bước, hài hòa với các điều kiện an toàn về phòng, chống dịch. Đồng thời, cần có sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng để giảm bớt thủ tục hành chính, thời gian, chi phí…, giúp doanh nghiệp nhanh chóng hồi phục và phát triển sau khi mở cửa lại hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Thông tin với báo chí, ông Bùi Danh Liên - Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội cũng cho rằng, việc nới lỏng giãn cách tại Hà Nội và các địa phương, chỉ đạo đẩy mạnh lưu thông hàng hóa của Chính phủ là điều đáng mừng.
Tuy nhiên, theo ông Liên, vận tải hành khách vẫn chưa trở lại hoạt động trong khi đây cũng là nhu cầu thiết yếu của người dân và nền kinh tế, do đó, cần tiếp tục tính đến các phương án mở lại hoạt động vận tải hành khách một cách an toàn và hiệu quả.
“Vấn đề rất quan trọng trong thực thi các chính sách nới lỏng giãn cách và lưu thông hiện nay là cần thống nhất áp dụng các giấy tờ, thủ tục hành chính giữa các địa phương, nếu không, một bên mở một bên đóng thì doanh nghiệp sẽ rất khó tính toán các phương án kinh doanh”, ông Liên nhấn mạnh.
Còn theo ông Tô Hoài Nam - Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, cần thêm thời gian kiểm nghiệm để đánh giá hiệu quả của các giải pháp nới lỏng giãn cách. Với Hà Nội, việc nới lỏng giãn cách một cách cẩn trọng từ 21/9 là cách làm có tính chủ động và kịp thời đáp ứng nhu cầu của cộng đồng doanh nghiệp và người dân trên địa bàn, điểm tích cực là không kiểm tra giấy tờ đi lại của người dân, không đưa thêm quy định để giảm tải thủ tục hành chính với người dân và doanh nghiệp.
Tuy nhiên, ông Nam cho rằng, hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp thường không có ranh giới hành chính mà luôn có sự lưu thông, liên kết giữa các địa phương. Do đó, Thành phố cần quan tâm hơn nữa hoạt động đi lại, vận chuyển hàng hóa giữa Thủ đô và các tỉnh, thành trên cả nước, mặt khác, không nên kiểm tra 100% phương tiện lưu thông mà chỉ kiểm tra một phần và xử lý nghiêm trường hợp vi phạm để mang tính cảnh báo.
“Hơn nữa, các địa phương, cơ quan chức năng cần căn cứ theo định hướng, chỉ đạo của Chính phủ, cùng ngồi lại với nhau và đưa ra cách làm phù hợp để tạo điều kiện cho doanh nghiệp và người dân khôi phục sản xuất, kinh doanh trong trạng thái bình thường mới, đồng thời đảm bảo công tác phòng, chống dịch”, ông Nam chia sẻ./.
Theo Diễn đàn doanh nghiệp