Vượt mục tiêu giảm 10% biên chế
Báo cáo của ngành Nội vụ và Tổ chức xây dựng đảng mới đây cho biết: Lần đầu tiên cả nước đã hoàn thành, vượt mục tiêu tinh giản biên chế (10%) mà Bộ Chính trị đề ra tại Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 07/4/2015.
Tính đến hết năm 2021, biên chế công chức giảm 10,01%; biên chế sự nghiệp giảm 11,67%; cán bộ, công chức cấp xã giảm 8,94%; số người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố giảm 49,25% so với năm 2015.
Cả hệ thống chính trị hiện có hơn 2,8 triệu biên chế, giảm hơn 762.800 biên chế (tương đương 20,9%) so với thời điểm ngày 30/4/2015.
Từ nhiệm kỳ Đại hội XII đến nay, Đảng đã ban hành một số nghị quyết quan trọng về tổ chức của hệ thống chính trị như Nghị quyết 39 (năm 2015) về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; Nghị quyết 18 (năm 2017) về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; Nghị quyết 19 (năm 2017) về nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập; Nghị quyết 26 (năm 2018) về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ... làm cơ sở để thực hiện mục tiêu nâng cao hiệu lực, hiệu quả của hệ thống chính trị, đồng thời, tiến hành thí điểm một số mô hình tổ chức mới và kiêm nhiệm chức danh.
Báo cáo tổng kết công tác tổ chức xây dựng Đảng năm 2021 do Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tổ chức Trung ương Mai Văn Chính trình bày sáng 13/1 cho biết, việc kiện toàn, sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, xây dựng vị trí việc làm gắn với nâng cao chất lượng, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đạt nhiều kết quả quan trọng. Trong đó, tinh giản biên chế của toàn hệ thống chính trị đã đạt và vượt mục tiêu đề ra, khắc phục được tình trạng tăng biên chế trong nhiều nhiệm kỳ.
Đạt được kết quả này là nhờ có chủ trương, đường lối đúng đắn của Đảng; sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, thường xuyên của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, cấp ủy các cấp và sự phối hợp chặt chẽ, có hiệu quả của các cơ quan, ban, bộ, ngành, các cấp ủy, tổ chức đảng trong cả nước.
Một số địa phương đã chủ động, sắp xếp tổ chức bộ máy như: Cao Bằng, Bình Phước, Ninh Thuận, Cà Mau, Lạng Sơn, Long An, Kiên Giang, Vĩnh Phúc, An Giang, Gia Lai... Một số địa phương đã ban hành văn bản kiện toàn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các Sở như: Bắc Giang, Đắk Lắk, Bình Định, Tiền Giang, Quãng Ngãi, Vĩnh Phúc, Nam Định, Quảng Trị, Quảng Ninh, Vĩnh Long, Lào Cai, Hải Dương...
Tại Hà Nội, với sự vào cuộc quyết liệt của các ngành chức năng, đến nay Hà Nội đã sắp xếp giảm 280/2.780 đơn vị sự nghiệp công lập so với năm 2015 (tỷ lệ 10,1%); giảm 280 cấp trưởng, 560 cấp phó; giảm 840 người làm việc tại các vị trí việc làm dùng chung và vị trí việc làm chuyên môn cần tinh gọn; nhiều trụ sở sau sắp xếp được thu hồi và có phương án sử dụng hiệu quả hơn.
Nhiều cách làm hay được Trung ương ghi nhận và cụ thể hóa tại Nghị quyết số 19-NQ/TW như: sáp nhập 3 đơn vị Trung tâm văn hóa, Trung tâm thể thao, Đài truyền thanh cấp huyện; sáp nhập 2 đơn vị Trung tâm Y tế và Trung tâm Dân số - Kế hoạch hóa gia đình cấp huyện; sáp nhập 2 đơn vị Ban bồi thường giải phóng mặt bằng và Trung tâm phát triển quỹ đất cấp huyện và giao UBND cấp huyện quản lý.
Chia sẻ về kết quả đạt được trong công tác sắp xếp vị trí việc làm, tinh giản biên chế của địa phương, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến cho biết, Hà Nội thực hiện cơ chế tự chủ tài chính đối với các đơn vị sự nghiệp công lập; rà soát, sắp xếp các cơ quan, đơn vị thuộc TP Hà Nội; sắp xếp các trường ĐH, cao đẳng, học nghề trên địa bàn thành phố; rà soát chức năng, nhiệm vụ các sở, ban, ngành thuộc UBND TP Hà Nội; chỉ đạo các cơ quan rà xoát, xây dựng vị trí việc làm bảo đảm chặt chẽ, khoa học theo đúng trình tự 6 bước theo hướng dẫn của Ban Tổ chức Trung ương. Đối với các cơ quan MTTQ, các đoàn thể đã có tổng số 46 đơn vị sự nghiệp được sắp xếp.
“Cơ bản đến nay các đơn vị chủ động xây dựng vị trí việc làm, trình Ban thường vụ Thành ủy phê duyệt và các cấp có thẩm quyền làm căn cứ bố trí sắp xếp, tuyển dụng viên chức, người lao động theo chức danh nhiệm vụ chuyên môn, theo vị trí việc làm. Tiếp tục sắp xếp cán bộ không chuyên trách tại các cơ sở” – bà Tuyến cho biết.
Bộ Tài chính cũng là một trong những đơn vị đạt được những kết quả nổi bật trong quá trình triển khai Nghị quyết 39 về tinh giản biên chế.
Tại hội nghị tổng kết ngành tổ chức xây dựng Đảng ngày 13/1, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, Bộ Tài chính là bộ đa ngành, với 34 đơn vị trực thuộc, 5 Tổng cục, 4 trường đại học, 5 đơn vị sự nghiệp, 20 cục, vụ... với tổng số cán bộ, công chức hơn 74.000 người vào năm 2016.
Sau quá trình thực hiện Nghị quyết về tinh giản biên chế, Bộ Tài chính đã chủ động rà soát chức năng, nhiệm vụ và thực hiện phân cấp, phân quyền, tinh giản biên chế. Qua thời gian thực hiện, Bộ đã giảm được số phòng trong vụ, chỉ giữ lại những phòng có nhiệm vụ lớn, đa chức năng và tổ chức lại các chi cục thuế quận, huyện, thị xã thành chi cục thuế khu vực, sắp xếp tổ chức bộ máy kho bạc theo mô hình kho bạc khu vực....
“Kết quả đã giảm 4.200 đầu mối đơn vị hành chính, trong đó giảm 292 phòng, giảm 390 chi cục, giảm 10 đơn vị sự nghiệp trực thuộc Bộ; giảm hơn 7.400 biên chế, tức là giảm trên 10%. Đơn vị sự nghiệp giảm hơn 2.000 người không hưởng lương ngân sách Nhà nước, tiết kiệm được 31,7% ngân sách Nhà nước” – ông Hồ Đức Phớc cho biết.
Bộ Chính trị sẽ quyết định tổng biên chế của hệ thống chính trị
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị tổng kết công tác tổ chức xây dựng Đảng năm 2021, triển khai nhiệm vụ năm 2022, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai cho biết sẽ sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết 18 và một số mô hình thí điểm theo Nghị quyết 18; một số cơ chế, chính sách theo Kết luận 21 như thí điểm một số chủ trương: người đứng đầu lựa chọn, giới thiệu cán bộ trong quy hoạch để bầu cử, bổ nhiệm làm cấp phó; bí thư cấp ủy giới thiệu ủy viên thường vụ để bầu; giao quyền cho người đứng đầu bổ nhiệm cán bộ trong quy hoạch.
Đặc biệt, Bộ Chính trị lần đầu tiên sẽ xem xét, quyết định tổng biên chế của hệ thống chính trị giai đoạn 2022 - 2026 và quy định về quản lý biên chế.
Để thực hiện nhiệm vụ tham mưu về vấn đề này, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương cho biết, 2 năm qua, trên cơ sở các nghị quyết quan trọng của Đảng có liên quan, Ban Tổ chức Trung ương đã nghiên cứu, hướng dẫn các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị tiến hành rà soát chức năng, nhiệm vụ, khắc phục sự chồng chéo, trùng lắp; xây dựng vị trí việc làm, làm cơ sở để đề xuất số lượng biên chế phù hợp với từng đơn vị trong hệ thống chính trị. Sau khi quyết định tổng biên chế của hệ thống chính trị, Bộ Chính trị sẽ ban hành quy chế quản lý biên chế để tăng cường phân cấp quản lý biên chế gắn với nêu cao trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, đơn vị, cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị.
Mục tiêu đặt ra cho năm 2022 là tiếp tục thực hiện có hiệu quả việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã; đẩy mạnh thẩm định thành lập các đơn vị hành chính đô thị, thúc đẩy tốc độ đô thị hóa tại các địa phương; quan tâm, phối hợp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong hoạt động của mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội, thành phố Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh; xây dựng và hoàn thiện Đề án “Mô hình tổ chức chính quyền đô thị trực thuộc cấp tỉnh”.
Một mục tiêu nữa của năm 2022 là phấn đấu hoàn thành việc sắp xếp tổ chức bộ máy bên trong các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ bảo đảm tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả gắn với hoàn thiện quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ. Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền về quản lý nhà nước gắn với cá thể hóa trách nhiệm người đứng đầu và tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát quyền lực./.
Kim Anh/VOV.VN