Cụ thể hơn, đó có thể là từ những khiếu nại của cán bộ, quần chúng trong cơ quan, địa phương không được giải quyết kịp thời, thỏa đáng dẫn đến đơn thư vượt cấp; hay những vấn đề rộng lớn như khúc mắc trong công tác giải phóng mặt bằng phục vụ các dự án phát triển kinh tế - xã hội không được xử lý dứt điểm từ gốc, từ đó tạo nên những điểm “nóng” về an ninh trật tự.
Theo thống kê của các cơ quan chức năng, khoảng 70% khiếu kiện hiện nay là về thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Ngoài chính sách đất đai còn nhiều bất cập, cần phải sửa đổi thì một nguyên nhân không kém phần quan trọng là việc giải quyết những mâu thuẫn từ cơ sở chưa được cấp ủy Đảng, chính quyền quan tâm đúng mức, dẫn đến khiếu nại, tố cáo tập thể. Nhiều đảng viên thoái hóa, biến chất dưới sự kích động của các thế lực thù địch, bất mãn chính trị đã góp phần đẩy những mâu thuẫn tranh chấp đất đai thành “điểm nóng” như đã từng xảy ra ở Tiên Lãng (Hải Phòng), Văn Giang (Hưng Yên)… Ngay ở Hà Nội, vụ việc xảy ra ở xã Đồng Tâm (huyện Mỹ Đức) âm ỉ qua nhiều năm không được giải quyết dứt điểm đã gây bất ổn cho địa phương này trong thời gian dài. Tính đến hết tháng 6-2021, Hà Nội còn có ít nhất 10 vụ việc khiếu nại đông người cần tập trung giải quyết dứt điểm cũng cho thấy chính quyền cơ sở đã không giải quyết tốt vấn đề ngay từ ban đầu, khiến người dân bức xúc.
Làm sâu sắc và hiệu quả hơn tinh thần của Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII), Kết luận số 21-KL/TƯ ngày 25-10-2021 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XIII) về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" đã yêu cầu phải chú trọng công tác tự kiểm tra, tự giám sát của cấp ủy, tổ chức Đảng và các tổ chức trong hệ thống chính trị, kịp thời phát hiện từ nội bộ để chấn chỉnh ngay những vi phạm khi mới phát sinh, không để vi phạm nhỏ tích tụ thành khuyết điểm, sai phạm lớn. Muốn làm tốt công tác này đòi hỏi phải tiếp tục nâng cao trách nhiệm của cấp ủy Đảng, chính quyền và người đứng đầu các cấp sao cho thực chất, hiệu quả hơn nữa.
2. Để tạo ổn định ngay từ cơ sở, cấp ủy Đảng, chính quyền và cán bộ, đảng viên cần thực hiện triệt để tinh thần Quy định số 22-QĐ/TƯ ngày 28-7-2021 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XIII) về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng với tinh thần chủ động phát hiện sớm để phòng ngừa, ngăn chặn, khắc phục khuyết điểm, vi phạm của tổ chức Đảng và đảng viên ngay từ khi còn mới manh nha, không để vi phạm nhỏ tích tụ thành sai phạm lớn, kéo dài và lan rộng. Khi các vụ việc vi phạm được phát hiện, phải cương quyết xử lý kỷ luật nghiêm minh, kịp thời để răn đe và giáo dục.
Trước yêu cầu này, lãnh đạo chủ chốt ở các cấp phải có thái độ cầu thị, thẳng thắn, dám nhận khuyết điểm để sửa chữa. Cùng với đó, cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp cần tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả công tác phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực tại địa phương, cơ sở; trong đó, cần tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát từ cấp chi bộ. Ủy ban kiểm tra các cấp thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao, kịp thời phát hiện, làm rõ, xử lý kiên quyết, nghiêm minh đối với cán bộ, đảng viên suy thoái, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" ngay tại cơ sở, không để kéo dài hoặc "đùn đẩy" lên cấp trên.
Với cấp ủy, chính quyền các cấp của Đảng bộ thành phố Hà Nội, phải thực hiện nghiêm hơn nữa Nghị quyết số 15-NQ/TU ngày 4-7-2017 của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về “Xây dựng tổ chức cơ sở Đảng trong sạch, vững mạnh, củng cố cơ sở Đảng yếu kém; giải quyết các vấn đề phức tạp về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn xã, phường, thị trấn thuộc thành phố Hà Nội” và Chỉ thị số 15-CT/TU ngày 16-12-2016 của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về “Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng đối với công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo trên địa bàn thành phố Hà Nội”. Trong đó, cần phân công, gắn trách nhiệm giải quyết các vụ việc phức tạp cho các Ủy viên Ban Thường vụ cấp ủy phụ trách địa bàn. Đặc biệt, ngay từ cấp xã, phường, thị trấn phải nắm chắc những vấn đề tiềm ẩn nguy cơ phức tạp và có giải pháp tháo gỡ kịp thời.
Với địa phương đang xảy ra những vụ việc phức tạp, cấp ủy Đảng, người đứng đầu phải tăng cường tiếp xúc, đối thoại với nhân dân nhằm xử lý triệt để, tận gốc, tạo sự đồng thuận. Tạo điều kiện thuận lợi để tiếp nhận thông tin từ dư luận xã hội, xác định hướng xử lý “từ sớm, từ xa”. Bên cạnh đó, đội ngũ cán bộ phải thường xuyên được kiểm tra, giám sát, kịp thời thay thế những trường hợp hạn chế về năng lực, đạo đức.
Đặc biệt, mỗi cán bộ, đảng viên phải nghiêm túc có tinh thần “tự soi, tự sửa”, vừa nhằm hoàn thiện chính mình, vừa góp phần xây dựng từng chi bộ trong sạch, vững mạnh, làm hạt nhân lan tỏa ra đơn vị, cộng đồng.
Con đê to lớn có thể sụp đổ chỉ bởi những tổ mối rất nhỏ, do đó, ngăn chặn từng vi phạm nhỏ, giải quyết từ gốc mọi vướng mắc, không để "cái sảy nảy cái ung" chính là cách thức hiệu quả nhất nhằm chủ động bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ.
Theo Hanoimoi.com.vn