Hơn 9,3 triệu con gà công nghiệp đã quá tuổi xuất chuồng nhưng vẫn đang bị tắc lại ở các trang trại chăn nuôi. Đây là con số của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa mới công bố.
Chúng ta có thể hình dung tâm trạng hiện nay của các chủ trại chăn nuôi đang khủng hoảng đến mức nào, vì gà chậm xuất chuồng một ngày là đồng nghĩa một ngày tốn kém, từ thức ăn, nhân công cho đến tiền lãi ngân hàng. Đó là chưa kể gà càng quá lứa thì giá càng giảm.
Số gà “tồn kho” kể trên là còn chưa tính đến con số còn đang kẹt lại ở các hộ chăn nuôi gia đình. Và nếu nhìn vào hiện trạng gần như tất cả nhà hàng, quán ăn, các tiệm bán hoa và trái cây… ở TPHCM vẫn đang phải đóng cửa, các khu chợ đầu mối và chợ truyền thống ở đây cũng chưa được hoạt động bình thường trở lại, có thể hình dung ra không chỉ những người nuôi gà, mà hàng triệu hộ nông dân, người chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản khác cũng đang lâm vào khủng hoảng nghiêm trọng khi đầu ra cho nông sản hàng hóa của họ hầu như bị kẹt cứng.
Thảm trạng trên cho thấy, không chỉ người dân đô thị ở TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai… mong sớm hết ngày phong tỏa để được trở lại làm việc và kinh doanh, mà hàng triệu hộ nông dân ở các tỉnh, thành phố khác cũng đang ngóng chờ. Có thể nói, nới lỏng dần giãn cách để khởi động lại các hoạt động kinh tế đang ngày càng trở nên cấp bách.
Để sống chung với dịch, mở cửa lại nền kinh tế, cần tăng cường phủ vắc-xin (Ảnh chỉ mang tính minh họa). Ảnh: TBKTSG
Dường như Việt Nam đã bắt đầu chấp nhận một thực tế là không thể chống dịch triệt để, mà phải sống chung với dịch, vì không thể phong tỏa hay giãn cách mãi. TPHCM đang xây dựng kế hoạch để khởi động lại các hoạt động kinh tế. Tất nhiên, đối với một trung tâm thương mại và dịch vụ lớn như thành phố, khởi động lại hoạt động kinh tế là bao gồm tất cả các lĩnh vực, từ sản xuất đến thương mại và dịch vụ.
Và hẳn nhiên là TPHCM không thể một mình “sống chung với dịch” trong khi các địa phương khác vẫn đang quyết liệt chống dịch. Vì vậy, để có thể sống chung với dịch, cần thiết phải có những nguyên tắc chung, với những tiêu chí rất cụ thể, để áp dụng thống nhất trong cả nước, tránh tình trạng mỗi địa phương làm một kiểu như trong hoạt động phòng chống dịch thời gian vừa qua. Đây là điều mà mỗi tỉnh, thành không thể làm được.
Cần lưu ý là việc thiết kế các tiêu chí để sống chung với dịch cần tránh tạo thêm gánh nặng về chi phí cũng như thủ tục hành chính cho người dân và doanh nghiệp. Trong đó, gánh nặng lớn nhất hiện nay là chi phí xét nghiệm, với tần suất theo yêu cầu là phải xét nghiệm cho cán bộ công nhân viên của doanh nghiệp 2-3 ngày/lần. Rất nhiều doanh nghiệp hiện nay đã như chỉ mành treo chuông, chỉ thêm một gánh nặng chi phí nữa, dù nhỏ, cũng có thể là dấu chấm hết.
Khi đất nước chuyển sang trạng thái sống chung với dịch, một yêu cầu quan trọng là phải củng cố và tăng cường năng lực cho hệ thống y tế. Trong trạng thái này, việc đếm số lượng F0 không còn quan trọng bằng vấn đề hạn chế số lượng bệnh nhân chuyển nặng và tử vong, nhất là khi số người được tiêm vaccine phòng dịch đang ngày càng nhiều lên.
Để hạn chế số ca F0 chuyển biến nặng cũng như số ca tử vong, thì phải cung cấp đầy đủ thuốc cho bệnh nhân ngay từ khi mới phát hiện bệnh, đồng thời các bệnh viện cũng cần được bổ sung nhân lực, trang bị đủ số giường bệnh cũng những phương tiện cần thiết để cấp cứu bệnh nhân nặng. Chính phủ và các địa phương nên mạnh tay chi cho nhu cầu đầu tư này và phải chi gấp, đầu tư gấp. Khoản đầu tư này sẽ rất tốn kém, nhưng chắc chắn là vẫn ít hơn nhiều so với thiệt hại về kinh tế do các biện pháp phong tỏa để chống dịch.
Một vấn đề hết sức quan trọng khác là cần nghiên cứu để giải đáp cho bằng được câu hỏi “Vì sao tỷ lệ tử vong ở TPHCM trong thời gian qua lại cao như vậy?”. Tìm ra được nguyên nhân chính xác dẫn đến thực trạng đau lòng này sẽ vô cùng có ích khi chúng ta phải chấp nhận sống chung với dịch.
Hiện nay, Việt Nam đang có nhiều cơ hội để hạn chế tỷ lệ bệnh nhân chuyển nặng và tỷ lệ tử vong, đó là số người được tiêm vaccine ngừa Covid-19 ngày càng nhiều và thế giới cũng đã ngày càng nghiên cứu ra nhiều loại thuốc đặc trị để điều trị cho bệnh nhân. Vấn đề còn lại chỉ là ngành y tế có chủ động để cung cấp thuốc đầy đủ và kịp thời cho các bệnh nhân hay không./.
Theo TBKTSG