Trong bối cảnh này, việc nâng cao nhận thức, thiết kế và triển khai chương trình hành động cụ thể để giải quyết các vấn đề ứng phó với tình trạng hạn mặn cũng như giảm thiểu tác động tiêu cực đang rất cấp bách.
Dựa trên những dự báo sớm, dự báo chuyên ngành, ngay từ trước Tết Nguyên đán, nhiều địa phương vùng ĐBSCL đã tổ chức tuyên truyền để người dân tích trữ nước ngọt. Nhiều cống ngăn mặn trên địa bàn các tỉnh Bến Tre, Tiền Giang… được đóng kín từ đầu tháng 2; đồng thời vận hành các trạm bơm cấp nước ngọt phục vụ sản xuất.
Từ sự chủ động ngay trước mùa khô này mà người dân trong vùng đã chủ động trong việc chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, xuống giống vụ lúa đông xuân sớm, né hạn; chủ động hơn trong việc đào ao trữ nước phục vụ tưới tiêu. Chính vì thế, những thiệt hại do hạn mặn trong sản xuất ở toàn vùng đến thời điểm này ở mức thấp. Năm nay, với tinh thần vào cuộc sớm, mặc dù hạn mặn cao hơn trung bình nhiều năm, nhưng diện tích lúa đông xuân toàn vùng với hơn 1,5 triệu ha phần lớn đạt năng suất tốt.
Trước diễn biến phức tạp của hạn mặn ở khu vực ĐBSCL ngày càng gay gắt, mới đây, Thủ tướng Chính phủ vừa có Công điện số 19 chỉ đạo các bộ ngành, địa phương chủ động giải pháp ứng phó thiếu nước, xâm nhập mặn, đảm bảo kịp thời, hiệu quả. Trong đó, tập trung đảm bảo nước ngọt cho sinh hoạt và sản xuất của người dân; kiên quyết không để người dân bị thiếu nước sinh hoạt hoặc phải sử dụng nước sinh hoạt không bảo đảm chất lượng…
Ông Kiều Văn Công - Phó Giám đốc Ban Quản lý đầu tư và xây dựng thủy lợi 10, Bộ NN và PTNT cho biết hiện đơn vị đang cùng với các địa phương quyết liệt triển khai thi công các công trình phục vụ cho sản xuất, phòng chống hạn mặn. Giai đoạn 2016-2021, Bộ NN và PTNT đã có nhiều dự án, trong đó điển hình là đưa vào sử dụng cống âu thuyền Ninh Quới ở Bạc Liêu; hệ thống nam Mang Thít; đặc biệt là hệ thống thủy lợi Cái Lớn – Cái Bé.
Giai đoạn 2021-2025, Ban Quản lý đầu tư và xây dựng thủy lợi 10 phụ trách 8 dự án, trong đó có 2 dự án chuyển nước là cống Nguyễn Tấn Thành, Tiền Giang, đã kiểm soát được hai năm, phục vụ bảo vệ 41.000 ha và dự án hệ thống thủy lợi Nam Sông Hậu (Sóc Trăng, Hậu Giang) phục vụ 19.000 ha và tạo nguồn cho 36.000 ha, phục vụ đa mục tiêu, dự kiến mùa khô sau vận hành kiểm soát được mặn.
“Chúng tôi đã trình và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã duyệt một loạt dự án. Trong đó có dự án Nam quốc lộ 1A, thứ 2 là Tắc Thủ. Khi được đầu tư thì địa bàn Cà Mau tiếp tục được cải thiện. Hiện Chính phủ đã phê duyệt đầu tư WB11, trong đó có hợp phần chuyển nước từ lưu vực sông Cái Lớn và từ sông Hậu chuyển nước qua Chắc Băng về phía Cà Mau. Cùng với đó có một vài động tác nữa thì nguồn nước ở Cà Mau sẽ được cải thiện hơn bây giờ rất nhiều. Còn đối với dự án thủy lợi Nam Mang Thít khi hoàn thành cũng sẽ khép kín vùng Vĩnh Long, Trà Vinh” - ông Kiều Văn Công nói.
Theo phân tích của PGS.TS Trần Bá Hoằng - Viện trưởng Viện Khoa học thủy lợi miền Nam, những năm qua, các dự báo, đầu tư công trình, chỉ đạo quyết liệt của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các địa phương đã mang lại kết quả tốt, khi chủ động có dự báo sớm sẽ giảm rất nhiều tác động và thiệt hại.
Mùa khô năm nay, với tinh thần vào cuộc sớm, mặc dù hạn mặn cao hơn trung bình nhiều năm, có thời điểm vào sâu hơn cả năm 2016, nhưng đến thời điểm này, thiệt hại chỉ xảy ra ở một số nơi do canh tác ngoài khuyến cáo.
“Cần xem hạn mặn đã là thuộc tính của ĐBSCL. Hạn mặn xảy ra hằng năm, chỉ khác nhau là cao hay thấp. Cần quan tâm công tác dự báo. Nhiệm vụ này rất quan trọng để chủ động. Nếu dự báo tốt là đảm bảo được sản xuất, né được hạn mặn. Thứ 2 là chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, phù hợp điều kiện tự nhiên. Bên cạnh đó đầu tư các giải pháp công trình hỗ trợ, kiểm soát nguồn nước phục vụ nhu cầu chuyển đổi” - PGS.TS Trần Bá Hoằng nêu ý kiến.
Có thể thấy ngay từ tháng 9 đến tháng 10/2023 các nhận định về hạn mặn mùa khô năm nay của các cơ quan chức năng thuộc Bộ NN và PTNT và Bộ Tài nguyên Môi trường nghiêng về hạn mặn sẽ ở mức khắc nghiệt hơn trung bình nhiều năm nhưng không căng thẳng như các năm 2015-2016 và 2019-2020. Đến thời điểm hiện nay có thể khẳng định các nhận định dự báo trước đây phù hợp với diễn biến thực tế.
Ông Lê Ngọc Quyền – Giám đốc Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ (Tổng cục Khí tượng) cho biết: đơn vị đã cung cấp thông tin sớm nhất có thể để đến với người dân, chính quyền địa phương để có kế hoạch trong sản xuất. Nhờ đó, một số địa phương đã chủ động xuống giống sớm, né mặn, tích trữ nước.
“Năm nay như cây sầu riêng phần lớn không bị ảnh hưởng. Rồi năm nay là một năm mà người dân ĐBSCL trúng mùa lúa, được giá, cho nên bản thân chúng tôi rất vui và đã đóng góp một phần quan trọng trong công tác dự báo, cảnh báo sớm để người dân chủ động. Sắp tới, đơn vị chủ động để nâng cao chất lượng dự báo thông qua các ứng dụng các công nghệ mới liên quan đến ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo, chuyển đổi số để có được số liệu online kịp thời dự báo trước tình hình thiên tai” - ông Lê Ngọc Quyền nói.
Còn theo TS. Trần Hữu Hiệp, chuyên gia kinh tế vùng ĐBSCL, dựa trên số liệu thực tế, ông Hiệp khẳng định, năm 2024 là một trong ba mùa khô xảy ra hạn mặn dữ dội. nhịp độ hạn mặn ngày càng có tính chu kỳ, nhanh hơn. Vì vậy, đặt ra yêu cầu cần có sự thích ứng.
Từ đó, ông Hiệp đề xuất giải pháp cần tập trung “3 cần - 4 có”. “3 cần” đó là, cần có dự báo sớm, ngoài các kênh thông tin, mạng xã hội để tiếp cận đến mọi người dân; chủ động thích ứng và trở thành sợi chỉ đỏ xuyên suốt; xem hạn hán, mặn xâm nhập là đặc tính chu kỳ và có thể có đề xuất để xây dựng kịch bản kinh tế, tổ chức đời sống dân cư cho phù hợp và tăng cường liên kết vùng giữa các địa phương.
“Bốn có” theo TS. Trần Hữu Hiệp là công bố cập nhật thường xuyên bản đồ hạn mặn; chủ động điều tiết hệ thống thủy lợi theo cơ chế vận hành nghiêm ngặt. Bên cạnh những giải pháp cấp bách, xử lý tình huống thì cần giải pháp công trình, nhưng phải đặt ra yêu cầu nguyên tắc ‘không hối tiếc’; tăng cường hợp tác quốc tế, tận dụng định chế của Ủy hội sông Mekong...
“Tất nhiên, định chế của Ủy hội sông Mekong hiện nay vẫn còn một số vấn đề. Tuy nhiên, cái gì chúng ta tận dụng được và đối với những quốc gia có liên quan đến vấn đề nước xuyên biên giới để bảo vệ lợi ích quốc gia, để có thể chia sẻ dữ liệu cũng như là vừa hợp tác, vừa đấu tranh. Trước tiên mình phải lo chuyện nội vùng của mình nhưng lại bị ảnh hưởng ở đầu nguồn thì cũng vừa tăng cường hợp tác và đấu tranh để bảo vệ lợi ích này” - TS. Trần Hữu Hiệp nêu ý kiến.
ĐBSCL có vai trò đặc biệt quan trọng đối với an ninh lương thực quốc gia và quốc tế. Do vậy, bất kỳ một tác động bất lợi nào làm mất ổn định cho vùng này, mà điển hình hơn cả là tình trạng hạn hán, mặn xâm nhập ngày càng ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống kinh tế-xã hội của cả vùng rất cần được xem xét và kiểm soát.
Tính từ cuối năm 2015 đến nay, ở nhiều thời điểm trong mùa khô, cả 13 địa phương thuộc ĐBSCL đều đã bị nhiễm mặn, trong đó đã có 11/13 tỉnh/thành công bố tình trạng thiên tai hạn hán, mặn xâm nhập và đã gây ra những hậu quả hết sức nặng nề, ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt, sản xuất của cả vùng ĐBSCL. Chính vì thế, việc nâng cao nhận thức, thiết kế và triển khai chương trình hành động cụ thể để giải quyết các vấn đề ứng phó trước mắt và dài hạn với tình trạng hạn mặn cũng như giảm thiểu tác động tiêu cực đang rất cấp bách.
Bài viết cùng loạt bài: "ĐBSCL oằn mình trong hạn mặn bủa vây"
Bài 1: Miền Tây “khốn đốn” chống chọi hạn mặn
Bài 2: Vùng sông nước bao quanh, người dân chật vật tìm nước ngọt
Bài 3: Kiểm soát và thích ứng hạn mặn – Nhiệm vụ phải làm cho vựa lúa quốc gia