Áp lực lạm phát gia tăng, cùng với đó là việc đẩy mạnh phát triển hạ tầng ở nhiều địa phương đã nhen nhóm những cơn sốt đất từ miền xuôi đến miền ngược. Ảnh: Diễn đàn doanh nghiệp
Mới đây, Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII bế mạc, sau 6 ngày làm việc tại Hà Nội. Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết, Trung ương dành nhiều thời gian nghiên cứu, thảo luận, thống nhất cao ban hành nghị quyết mới về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất; tạo động lực đưa Việt Nam trở thành nước phát triển có thu nhập cao.
Trung ương tiếp tục khẳng định, đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước là đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý. Nhà nước thu hồi đất để sử dụng vào các mục đích quốc phòng, an ninh, phục vụ lợi ích quốc gia, công cộng và các dự án phát triển kinh tế - xã hội theo luật định, bảo đảm công bằng, công khai, minh bạch.
Quản lý và sử dụng đất phải bảo đảm lợi ích chung của toàn dân; nhân dân được tạo điều kiện tiếp cận, sử dụng đất công bằng, hiệu quả, bền vững. Nhà nước thống nhất quản lý đất đai theo lãnh thổ quốc gia, cả về diện tích, chất lượng, giá trị kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, môi trường; phân công hợp lý giữa các cơ quan quản lý Trung ương, phân cấp, phân quyền phù hợp, hiệu quả với địa phương.
"Thể chế, chính sách về đất đai phải được hoàn thiện đồng bộ và phù hợp với thể chế phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Kiên quyết khắc phục tình trạng đầu cơ đất, sử dụng đất không đúng mục đích, lãng phí, tham nhũng, tiêu cực, gây khiếu kiện, bức xúc trong nhân dân", Tổng bí thư nhấn mạnh.
Nhiều địa phương ra tay ngăn chặn sơn sốt đất. Ảnh: Diễn đàn doanh nghiệp
GS, TSKH Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường bày tỏ quan điểm: Quy định đất đai thuộc sở hữu toàn dân, Nhà nước đại diện chủ sở hữu toàn dân về đất đai và thống nhất quản lý, đồng thời trao đầy đủ quyền sử dụng đất cho tổ chức, cá nhân, cơ sở tôn giáo... như hiện nay là phù hợp, nếu sửa đổi chỉ một câu về sở hữu thôi, cũng sẽ rất phiền phức.
Cụ thể, Hiến pháp năm 2013 đã quy định, đất đai là tài sản công, thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý. Như vậy, nếu đa sở hữu đất đai thì phải sửa Hiến pháp, mất rất nhiều thời gian, công sức và sẽ phải sửa đổi, bổ sung rất nhiều luật hiện hành, vô cùng phức tạp.
Ngoài ra, việc coi đất đai là sở hữu toàn dân cũng không có gì vướng mắc, vì Hiến pháp đã quy định, tổ chức, cá nhân được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng. Quyền sử dụng đất được pháp luật bảo hộ và người sử dụng đất được chuyển quyền sử dụng.
Cũng theo GS Võ, hệ lụy của việc tăng giá bất động sản là không hề nhỏ đối với nền kinh tế. Một nền kinh tế mà chi phí cho đất đai quá lớn thì nền kinh tế đó sẽ đứng không vững. Một trong những điều kiện để phát triển tốt kinh tế là chi phí cho đất đai phải giảm, hay nói cách khác là ở mức phù hợp. Nhưng chi phí này ở Việt Nam hiện nay đã quá cao. Giá bán cao khiến giá cho thuê cao, việc sản xuất kinh doanh bị đội chi phí, ngày càng khó khăn. Người nghèo muốn an cư lập ngiệp khó lại càng khó.
“Tôi cho rằng, đánh thuế luỹ tiến bất động sản là giải pháp duy nhất làm bình ổn thị trường bất động sản hiện nay, và tôi vẫn hãy dùng cụm từ “cải cách thuế tài sản bất động sản”. Đây là giải pháp căn cơ nhất và hiệu quả nhất giúp chặn sốt đất, ngăn ngừa đầu cơ, tích trữ bất động sản (bao gồm cả đất đai) dưới dạng để hoang hóa, giữ đất hoặc đầu tư cầm chừng, sử dụng đất không hiệu quả” – GS Võ bày tỏ quan điểm.
Để khắc phục tình trạng lãng phí đất đai, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam Đào Ngọc Nghiêm cho rằng, quy hoạch cần phải đi trước, có tầm nhìn xa hơn và phải gắn chặt với kế hoạch sử dụng đất dài hạn.
Để khai thác hiệu quả nguồn lực đất đai, chủ đầu tư các dự án phải có trách nhiệm thực hiện dự án theo đúng mục đích, thời hạn đã được duyệt. Nếu dự án quá hạn theo quy định của pháp luật, các cơ quan chức năng cần mạnh tay thu hồi, thậm chí phải xử phạt chủ đầu tư cố tình chậm đưa đất đai vào khai thác.
"Cùng với đó, phải đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch gắn với nâng cao chất lượng quy hoạch và quy hoạch phải thật sự trở thành định hướng, động lực cho phát triển bền vững. Đồng thời rà soát lại các quy hoạch để điều chỉnh cho phù hợp điều kiện phát triển kinh tế, xã hội, cân đối được các nguồn lực theo từng giai đoạn cụ thể" - ông Nghiêm nhấn mạnh./.
Theo Diễn đàn doanh nghiệp