Để bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa chúng ta cần nhận diện, thấy trước những nguy cơ, thách thức, đe dọa đến chủ quyền đất nước và lợi ích quốc gia dân tộc. Đồng thời có tâm thế chủ động, chuẩn bị đất nước ngay trong thời bình. Do đó, Đảng ta chủ trương phát triển kinh tế, xã hội gắn liền với củng cố quốc phòng, an ninh. Thực hiện mục tiêu kép, vừa xây dựng, phát triển đất nước giàu mạnh vừa sẵn sàng chuyển vào trạng thái quốc phòng, khi có tình huống chiến tranh. Vậy, bài toán gắn kết kinh tế với quốc phòng đã được triển khai như thế nào? VOV giới thiệu bài viết thứ hai trong loạt bài “Bảo vệ Tổ quốc, giữ nước từ sớm, từ xa” với nhan đề “Kinh tế, quốc phòng - Song hành gắn kết”.
Gắn kết doanh nghiệp với nhiệm vụ quốc phòng
Công ty Giang Sơn là đơn vị chuyên về khai thác đá, sản xuất xi măng và pha trộn bê tông. Hơn 20 năm hoạt động trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn, công ty luôn ưu tiên và tạo điều kiện cho bộ đội xuất ngũ vào làm việc. Với lợi thế có nhiều máy móc lớn và hiện đại, công ty phối hợp của Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Lạng Sơn hoàn toàn có thể đáp ứng được yêu cầu về động viên công nghiệp. Thực tế trong thời gian qua, công ty đã huy động công nhân, người lao động và các phương tiện máy xúc, máy ủi vào các cuộc diễn tập khu vực phòng thủ của địa phương.
Ông Hoàng Văn Hưng, Phó Giám đốc Công ty Giang Sơn cho biết, là đơn vị sản xuất kinh doanh, mục tiêu hàng đầu của công ty là phải bảo đảm doanh thu, lợi nhuận để chi trả tiền công cho người lao động. Nhưng công ty cũng luôn sẵn sàng cắt cử lực lượng, phương tiện tham gia vào các công việc quốc phòng của địa phương.
“Thực hiện trách nhiệm của doanh nghiệp đứng chân trên địa bàn, ngoài tạo việc làm cho người lao động và tạo sự ổn định về an sinh xã hội tại địa phương, doanh nghiệp chúng tôi cũng đã xây dựng phương án để huy động nhân lực, vật lực trong tình huống có thiên tai bão lũ xảy ra, trong các công tác tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ và một số hoạt động liên quan đến quốc phòng khi có yêu cầu của địa phương”- Phó Giám đốc Công ty Giang Sơn cho hay.
Gắn kết các doanh nghiệp để họ có ý thức và trách nhiệm với nhiệm vụ quốc phòng. Đó cũng là phương châm mà Thành phố Đà Nẵng thực hiện nhiều năm nay. Hiện nay, Thành phố Đà Nẵng là đầu tầu kinh tế của khu vực miền Trung. Trên địa bàn Thành phố hiện có 37.000 doanh nghiệp lớn nhỏ đang hoạt động. Những khu công nghiệp đã tạo việc làm cho hàng chục nghìn lao động, đóng góp to lớn vào ngân sách Nhà nước. Các dự án phát triển kinh tế, các khu công nghiệp trên địa bàn của Thành phố đã phát huy hiệu quả, vừa thúc đẩy phát triển kinh tế, tạo nguồn thu, tăng cường tiềm lực cho đất nước, vừa phục vụ có hiệu quả cho nhiệm vụ quốc phòng.
Đại tá Nguyễn Văn Hòa, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự Thành phố Đà Nẵng khẳng định, các doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố đều có sự đồng thuận rất lớn, sẵn sàng chuyển đổi công năng sản xuất, phục vụ cho quốc phòng.
“Trên địa bàn thành phố có rất nhiều doanh nghiệp. Khi chúng ta chuyển vào các trạng thái quốc phòng, các doanh nghiệp này sẽ chuyển một phần hoạt động của họ sang sản xuất cho quốc phòng. Ví dụ như nhà máy sản xuất lốp ô tô của Đà Nẵng, rồi các khu chế biến, chúng tôi chuyển từ sản xuất tiêu dùng sang phục vụ sản xuất hàng hóa cho quân đội, như may mặc, hàng thực phẩm phục vụ cho nhu cầu quốc phòng”- Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự Thành phố Đà Nẵng cho biết.
Quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội gắn với thế phòng thủ trên từng địa bàn
Quán triệt, cụ thể hóa quan điểm phương châm, phát triển kinh tế gắn với củng cố quốc phòng, vừa qua, Bộ Chính trị đã ban hành một loạt các nghị quyết về định hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng an ninh trên các địa bàn chiến lược của cả nước. Đặc biệt, trên địa bàn Tây Nam Bộ, Nghị quyết số 24 của Bộ Chính tri nêu rõ, cần tiếp tục tăng cường quốc phòng, an ninh kết hợp với phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội theo các quy hoạch, đề án, đảm bảo có tính khả thi cao.
Theo Thiếu tướng Nguyễn Minh Triều, Phó Tư lệnh Quân khu 9, địa bàn 12 tỉnh Tây Nam Bộ có hơn 900 km đường biên giới trên bộ và trên biển, giữ vị trí chiến lược, trọng yếu về quốc phòng, an ninh. Vì vậy, cơ quan quân sự các cấp đã chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương chỉ đạo việc quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội gắn với thế phòng thủ trên từng địa bàn. Tất cả các dự án phát triển kinh tế, xã hội đều được thẩm định kỹ lưỡng về quốc phòng.
“Các cụm, khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp, Tiền Giang, thành phố Cần Thơ; các công trình dự án điện gió tuyến ven biển Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng và các dự án điện mặt trời ở tỉnh An Giang, Kiên Giang, công trình cảng biển, công trình ngăn mặn…. đều đáp ứng được yêu cầu, tiêu chí về kinh tế, xã hội và quốc phòng, an ninh. Đường bộ và đường thủy đã có sự quan tâm đầu tư và phát triển khá mạnh. Điều này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, bảo đảm cơ động lực lượng được nhanh chóng, khắc phục sự cô lập. Nhờ hệ thống giao thông như vậy, các địa phương có thể chi viện, hỗ trợ cho nhau trong tác chiến”- Thiếu tướng Nguyễn Minh Triều cho hay.
Tính đến năm 2020, cả nước có gần 1.200 km đường bộ cao tốc. Chính phủ cũng đề ra mục tiêu phấn đấu đến 2025, sẽ có khoảng 2.500 km cao tốc đưa vào sử dụng. Điều này sẽ góp phần quan trọng, làm thay đổi diện mạo của đất nước. Đại tá Nguyễn Ra, Phó Chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Ngãi cho rằng, những công trình dân sinh như đường giao thông, hệ thống thoát nước, các tòa nhà cao tầng khi được xây dựng và quy hoạch trong thế trận khu vực phòng thủ sẽ có giá trị rất lớn về mặt quốc phòng, tạo điều kiện thuận lợi rất lớn cho lực lượng vũ trang và các địa phương cơ động lực lượng, sơ tán nhân dân khi có tình huống chiến tranh.
Đại tá Nguyễn Ra cho biết: “Những công trình dân sinh mang tính lưỡng dụng cho nhiệm vụ quốc phòng. Ví dụ như hệ thống thoát nước, khi thời bình là hệ thống thoát nước, nhưng khi có chiến sự xảy ra đây là những công trình hầm ngầm, trú ẩn trong thành phố. Đặc biệt là hệ thống công trình giao thông, thời bình là phục vụ cho dân sinh. Nhưng thời chiến thì là những con đường để cơ động lực lượng, vận chuyển vũ khí”.
Phát triển kinh tế và củng cố quốc phòng
Để phát triển kinh tế, tăng cường tiềm lực quốc phòng trên địa bàn biên giới, hiện nay, toàn quân đã triển khai xây dựng được nhiều khu kinh tế - quốc phòng, trải dài trên các nẻo đường biên cương Tổ quốc. Các khu kinh tế - quốc phòng đã góp phần rất lớn vào phát triển kinh tế - xã hội ở các vùng dự án, cải thiện và nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Đồng thời, xây dựng thế trận quốc phòng, an ninh vững chắc. Trên địa bàn Tây Nguyên, Binh đoàn 15 hiện đang quản lý hơn 44.000 ha cao su, gần 400 ha cà phê. Theo Thiếu tướng Hoàng Văn Sỹ, Tư lệnh Binh đoàn 15, những cây cao su, cà phê mà Binh đoàn đang quản lý, không chỉ có ý nghĩa về phát triển kinh tế, tạo việc làm cho hơn 10.000 bà con, nhân dân trên địa bàn, mà nó còn có ý nghĩa rất lớn về quốc phòng, an ninh.
Thiếu tướng Hoàng Văn Sỹ cho biết: “Tất cả các loại cây nông nghiệp chưa có loại cây nào gắn bó với đời sống của đồng bào như cây cao su. Về an ninh, quốc phòng, nó có tác dụng che chắn khu vực phòng thủ, giữ bí mật, bảo đảm an ninh, ngoài ra nó tạo ra môi trường để cho người dân lao động và chính thức trở thành cột mốc sống trên biên giới”.
Như vậy, phát triển kinh tế gắn liền với củng cố quốc phòng đã và đang được chúng ta hiện thực hóa trong mỗi tiến trình phát triển của đất nước. Chủ trương này của Đảng là sự kế thừa, vận dụng kinh nghiệm dựng nước đi đôi với giữ nước của cha ông ta. Đồng thời, cũng xuất phát từ chính đòi hỏi của thực tiễn.
Trong bất kỳ thời kỳ, giai đoạn nào, quốc phòng có vững, quân đội có mạnh thì mới tạo được môi trường hòa bình, ổn định cho nhân dân yên tâm, lao động sản xuất. Như vậy, mới có thể thu hút được bạn bè quốc tế đến đầu tư, thu hút được khách du lịch, mang về nguồn thu cho đất nước. Phát triển kinh tế và củng cố quốc phòng là hai nhiệm vụ song hành, luôn gắn kết chặt chẽ. Có như vậy, mới bảo đảm cho đất nước phát triển bền vững./.
Trường Giang/Phát thanh Quân đội