Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã ra Thông cáo đặc biệt:
Đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Quân uỷ Trung ương, sinh ngày 14 tháng 4 năm 1944; quê quán tại xã Đông Hội, huyện Đông Anh, Thành phố Hà Nội, thường trú tại nhà số 5, phố Thiền Quang, phường Nguyễn Du, quận Hai Bà Trưng, Thành phố Hà Nội, tham gia công tác từ năm 1967; vào Đảng Cộng sản Việt Nam ngày 19 tháng 12 năm 1967. Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng các khoá VII, VIII, IX, X, XI, XII, XIII; Uỷ viên Bộ Chính trị các khoá VIII, IX, X, XI, XII, XIII; tham gia Thường trực Bộ Chính trị khoá VIII; Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá XI, XII; Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam các khoá XI, XII, XIII; Chủ tịch nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam nhiệm kỳ 2016 - 2021, Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng và An ninh; Bí thư Quân uỷ Trung ương; Uỷ viên Ban Thường vụ Đảng uỷ Công an Trung ương; Trưởng ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Đại biểu Quốc hội các khoá XI, XII, XIII, XIV, XV đã từ trần.
Để tỏ lòng tiếc thương và tưởng nhớ đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Chủ tịch nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Chính phủ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quyết định tổ chức tang lễ đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với nghi thức Quốc tang.
Linh cữu đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được quàn tại Nhà tang lễ Quốc gia số 5 Trần Thánh Tông, Thành phố Hà Nội. Lễ viếng được tổ chức tại Nhà tang lễ Quốc gia số 5 Trần Thánh Tông, Thành phố Hà Nội, bắt đầu từ 7 giờ đến 22 giờ ngày 25 tháng 7 năm 2024 và từ 7 giờ đến 13 giờ ngày 26 tháng 7 năm 2024. Lễ truy điệu đồng chí Nguyễn Phú Trọng được tổ chức lúc 13 giờ ngày 26 tháng 7 năm 2024 tại Nhà tang lễ Quốc gia số 5 Trần Thánh Tông, Thành phố Hà Nội. Lễ an táng lúc 15 giờ cùng ngày tại Nghĩa trang Mai Dịch, Thành phố Hà Nội.
Lễ viếng, Lễ truy điệu đồng chí Nguyễn Phú Trọng được tổ chức cùng thời gian trên tại Hội trường Thống Nhất, Thành phố Hồ Chí Minh và tại quê nhà xã Đông Hội, huyện Đông Anh, Thành phố Hà Nội. Đài Truyền hình Việt Nam và Đài Tiếng nói Việt Nam sẽ tường thuật trực tiếp Lễ viếng, Lễ truy điệu và Lễ an táng đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh. Trong hai ngày Quốc tang (25/7/2024 và 26/7/2024), các cơ quan, công sở, nơi công cộng treo cờ rủ, không tổ chức các hoạt động vui chơi giải trí công cộng.
Nhận được tin đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam từ trần, nhiều quốc gia và các nhà lãnh đạo trên thế giới đã gửi điện, thư chia buồn sâu sắc.
Ngày 19/7, Chủ tịch Cuba Miguel Díaz-Canel đã tuyên bố quốc tang và để tang tưởng niệm Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ 6 giờ ngày 20/7 (giờ địa phương) tới 24 giờ ngày 21/7, nghi thức quốc tang sẽ diễn ra trong ngày 22/7; đồng thời bày tỏ tiếc thương sâu sắc Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, người mà ông coi là người đồng chí thân yêu và người bạn chân thành của Cuba.
Chiều 20/7/2024 tại Đại sứ quán Việt Nam ở Bắc Kinh, Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cùng Đoàn lãnh đạo cấp cao Trung Quốc đã đến viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và ghi dòng chữ trong Sổ tang: "Vô cùng thương tiếc đồng chí Nguyễn Phú Trọng, lãnh tụ kiệt xuất của nhân dân Việt Nam, người bạn vĩ đại của nhân dân Trung Quốc".
Ngày 21/7/2024, Tổng thống Cộng hòa Ấn Độ Droupadi Murmu và Thủ tướng Cộng hòa Ấn Độ Narendra Modi đã gửi điện chia buồn về sự ra đi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và khẳng định sẽ sát cánh cùng lãnh đạo và nhân dân Việt Nam, bày tỏ tình đoàn kết mạnh mẽ với người dân Việt Nam và với giới lãnh đạo Việt Nam trong giờ phút đau buồn này.
Lãnh đạo nhiều đảng cộng sản, cánh tả trên thế giới cũng đã bày tỏ lời chia buồn sâu sắc tới Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam khi biết tin Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần, đồng thời đánh giá cao vai trò, đóng góp của Tổng Bí thư đối với Việt Nam cũng như đối với phong trào cộng sản, tiến bộ trên toàn thế giới…
Thực hiện “5 quyết tâm”, “5 bảo đảm” trong giải ngân đầu tư công
Trong tuần qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì Hội nghị thúc đẩy đầu tư công năm 2024. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, năm 2024 có ý nghĩa cực kỳ quan trọng, là năm tăng tốc, bứt phá để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ của Đại hội XIII của Đảng và Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2021 – 2025. Do vậy, cần phải ưu tiên cho đầu tư công để dẫn dắt, kích hoạt mọi nguồn lực của xã hội, thúc đẩy phát triển hạ tầng, với mục tiêu đến năm 2025 hoàn thành 3.000 km đường cao tốc, để tăng liên kết lưu thông, giảm chi phí logistic, nâng cao năng lực cạnh tranh địa phương, vùng và quốc gia, tạo ra không gian phát triển mới, kích hoạt các lĩnh vực khác cùng phát triển.
Trong 6 tháng đầu năm, mặc dù giải ngân đầu tư công có nhiều nỗ lực, song vẫn chưa đạt tiến độ so với yêu cầu. Bên cạnh một số bộ, cơ quan, địa phương, dự án giải ngân vốn đầu tư công tốt như: Dự án đường dây tải điện 500kV mạch 3; đến nay vẫn còn tới 61/107 bộ, ngành, địa phương có mức giải ngân đầu tư công dưới mức trung bình cả nước. Tổng hợp đến ngày 10/7/2024, các bộ, ngành, địa phương đã giao vốn đầu tư công chi tiết cho các nhiệm vụ, dự án là 639.400 tỷ đồng, đạt trên 95% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Ước thanh toán vốn đầu tư công từ đầu năm đến ngày 30/6/2024 là 196.700 tỷ đồng, đạt hơn 29% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (cùng kỳ năm 2023 đạt 30,49%).
Để đảm bảo hoàn thành 95% kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công năm 2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu các bộ, ngành, địa phương thực hiện “5 quyết tâm”: Quyết tâm giữ vững kỷ luật, kỷ cương, đẩy lùi tiêu cực; quyết tâm làm tốt công tác giải phóng mặt bằng; quyết tâm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn khi phát sinh trên thực tế; quyết tâm đổi mới phương pháp, cách làm, ứng dụng giải pháp công nghệ mới, hiện đại, tăng cường chuyển đổi số; quyết tâm bám sát thực tiễn, tháo gỡ thể chế, vướng mắc, khắc phục bằng được tình trạng đùn đẩy, né trách, sợ sai, sợ trách nhiệm.
Cùng với đó, thực hiện “5 bảo đảm”: Bảo đảm đủ nguyên vật liệu phục vụ các dự án; bảo đảm nhân lực đủ năng lực, đủ tâm, đủ tầm cho công tác giải ngân đầu tư công, cụ thể là các dự án lớn, mang tầm quốc gia; bảo đảm hài hòa lợi ích giữa nhà nước, nhà đầu tư và người dân tổ chức tái định cư, tạo sinh kế cho người dân; bảo đảm quản lý đúng quy định, không kéo dài, đội vốn, gây thất thoát vốn; bảo đảm tiến độ, chất lượng, an toàn, vệ sinh môi trường dự án theo mục tiêu, kế hoạch đề ra.
10 nhóm đối tượng được Nhà nước đóng BHYT mở rộng diện bao phủ
Theo đề xuất của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trong dự thảo Thông tư hướng dẫn lập danh sách đối tượng tham gia bảo hiểm y tế, trong đó đề xuất 10 nhóm đối tượng do ngân sách Nhà nước đóng bảo hiểm y tế, gồm: Người có công với cách mạng theo quy định tại Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng; thân nhân của người có công với cách mạng; người phục vụ người có công với cách mạng; cựu chiến binh; người tham gia kháng chiến và bảo vệ Tổ quốc; người từ đủ 80 tuổi trở lên đang hưởng trợ cấp tuất hằng tháng theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội; người thuộc diện hưởng trợ cấp, trợ giúp xã hội hằng tháng theo quy định của pháp luật về người cao tuổi, người khuyết tật và trợ giúp xã hội; trẻ em dưới 6 tuổi; người thuộc hộ gia đình nghèo; người được phong tặng danh hiệu nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú thuộc hộ gia đình có mức thu nhập bình quân đầu người hằng tháng thấp hơn mức lương cơ sở, theo quy định tại Nghị định số 109/2015/NĐ-CP.
Bên cạnh đó, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cũng đề xuất thêm một số nhóm đối tượng được ngân sách Nhà nước hỗ trợ mức đóng, gồm: Người thuộc hộ gia đình cận nghèo theo chuẩn hộ cận nghèo giai đoạn 2022-2025 quy định tại Nghị định số 07/2021/NĐ-CP; người thuộc hộ nghèo đa chiều; người thuộc hộ gia đình làm nông lâm ngư diêm nghiệp, có mức sống trung bình giai đoạn 2022 - 2025 quy định tại Nghị định số 07/2021/NĐ-CP; người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại địa bàn các xã khu vực II, khu vực III, thôn đặc biệt khó khăn thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2016 - 2020.
Công bố điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2024
Từ 8 giờ ngày 17/7, Bộ Giáo dục và Đào tạo, các hội đồng thi trên cả nước đã công bố kết quả thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông năm 2024. Việc công bố điểm thi thuận lợi, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã cùng 63 Hội đồng thi trên cả nước chuẩn hóa cơ sở dữ liệu điểm thi bảo đảm chính xác, bảo mật. Bộ đã đề nghị các địa phương chuẩn bị hạ tầng kỹ thuật, công nghệ thông tin phục vụ cho hoạt động tra cứu điểm thi của thí sinh; tránh để xảy ra các sự cố về kỹ thuật trong quá trình tra cứu điểm thi.
Thí sinh có thể tra cứu kết quả thi bằng 3 cách: Tra cứu điểm thi qua website của Sở Giáo dục và Đào tạo các tỉnh, thành phố; tra cứu điểm thi tại hệ thống quản lý Kỳ thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông của Bộ Giáo dục và Đào tạo; tra cứu điểm thi qua website báo chí. Điểm xét tốt nghiệp Trung học Phổ thông gồm điểm các bài thi thí sinh dự thi để xét công nhận tốt nghiệp và điểm trung bình cả năm lớp 12 cùng điểm ưu tiên, khuyến khích (nếu có).
Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 được Bộ Giáo dục và Đào tạo đánh giá là kỳ thi nghiêm túc, chất lượng, phản ánh học vấn cấp phổ thông đã được coi trọng và không có độ lệch lớn. Điều này chứng tỏ, trong quá trình tổ chức dạy học ở các địa phương, các thầy cô giáo đã quan tâm đến nền tảng căn cốt của học vấn phổ thông, tạo nền cho học sinh bước vào đời một cách chắc chắn và tạo cơ hội để các em tiếp tục tham gia giáo dục sau phổ thông. Bên cạnh đó, phổ điểm của kỳ thi năm nay khá tốt, thể hiện được cả quá trình tổ chức kỳ thi và đánh giá sát được chất lượng dạy, học của Chương trình giáo dục phổ thông 2006, làm cơ sở tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 với Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Nguồn TTXVN