Nhiều nền kinh tế trên thế giới đã có dấu hiệu tăng trưởng trở lại, song khó có thể tăng tốc khi Covid-19 chưa được khống chế hoàn toàn, phải mất thời gian dài để hàn gắn những tổn thương sâu sắc từ đại dịch.
Các chuyên gia kinh tế nhận định, cú sốc mà Covid-19 gây ra lớn gấp mấy lần so với thời kỳ khủng hoảng tài chính cách đây hơn chục năm. Châu Âu và các thị trường mới nổi chịu tác động rất nặng nề về khía cạnh kinh tế, trong khi Trung Quốc đã bắt đầu có dấu hiệu thoát ra khỏi suy thoái.
Theo chia sẻ của chuyên gia kinh tê trưởng của hãng tư vấn IHS Markit, ông Nariman Behravesh, những khó khăn thách thức lớn nhất vẫn chưa hiện hữu, và một nền kinh tế xanh có thể sẽ xuất hiện sau đại dịch.
“Covid-19 đã đẩy nền kinh tế thế giới vào một cuộc suy thoái rất sâu nhưng đó chỉ là một cuộc suy thoái ngắn. Mọi người đều bị tổn thương. Nhiều người cho rằng việc hạn chế đi lại và giãn cách xã hội đã tạo ra suy thoái, nhưng tôi không nghĩ đó là một đánh giá công bằng. Chẳng hạn như Thụy Điển, mặc dù họ không thực hiện việc đóng cửa nhưng nền kinh tế của họ vẫn bị ảnh hưởng khá nghiêm trọng. Chính nỗi sợ lây nhiễm Covid-19 đang khiến người tiêu dùng không dám đến những nơi họ thường đến, và điều đó đang gây tổn hại cho nền kinh tế”, chuyên gia Nariman Behravesh nhận định.
Chuyên gia kinh tê trưởng của hãng tư vấn IHS Markit đánh giá, những ảnh hưởng mà Covid-19 gây ra tồi tệ gấp 3 lần so với cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 về mức độ suy giảm GDP hàng năm. “Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 không hoàn toàn tồi tệ như cuộc Đại suy thoái vào những năm 1930 khi sản lượng sụt giảm liên tục trong khoảng thời gian từ 3 – 4 năm, và tỷ lệ thất nghiệp lên tới 25% ở Mỹ”, ông Nariman Behravesh cho hay.
Dù vậy, nhà kinh tế học Nariman Behravesh tin tưởng, sự tăng trưởng toàn cầu sẽ quay trở lại trong quý 4/2020 và năm 2021. Tốc độ tăng trưởng có mạnh hay không phần lớn sẽ phụ thuộc vào vắc-xin ngừa Covid-19. Vắc-xin càng sớm được cung cấp và phân phối rộng rãi thì cơ hội phát triển càng tốt.
Đã có một số mô hình phục hồi kinh tế toàn cầu được đưa ra, trong đó có mô hình chữ U (phục hồi theo dài hạn với cái đáy dài và phẳng, thể hiện sự tăng trưởng yếu ớt); hình chữ W (phục hồi 2 lần: kinh tế tăng tốc rồi xuống dốc trở lại, sau đó lại tăng tốc); hình chữ V (kịch bản phục hồi lạc quan nhất: sau khi tăng trưởng bị sụt giảm mạnh vì đại dịch thì sẽ như chiếc lò xo bị nén, nền kinh tế toàn cầu sẽ bật tăng mạnh mẽ, nhanh chóng); hình chữ L (triển vọng phục hồi xấu nhất: quá trình phục hồi diễn ra rất chậm do tác động kép từ đại dịch).
Mới đây nhất, mô hình phục hồi kinh tế hình chữ K được đưa ra và nhận được sự quan tâm, đồng tình của nhiều chuyên gia phân tích. Theo kịch bản mới này, sự giảm tốc của các nền kinh tế diễn ra theo chiều thẳng đứng, giống như những gì thị trường chứng khoán và dầu mỏ đã chứng kiến trong tháng 3 và tháng 4 vừa qua, và nối tiếp sau đó là 2 mô hình phục hồi đối lập, gồm một bên phục hồi tích cực và một bên suy giảm mạnh.
Mô hình chữ K thể hiện sự phân hóa trong nền kinh tế với những nhóm ngành được hưởng lợi sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh trong đại dịch, trong khi phần còn lại vẫn chìm trong suy thoái.
Thực tế diễn biến kinh tế thế giới những tháng vừa qua cho thấy kịch bản hình chữ K đang diễn ra với kinh tế thế giới. Đa số các nền kinh tế lớn đã sụt giảm tăng trưởng mạnh theo chiều thẳng đứng ở mức khoảng 10%, vượt mọi dự đoán trước đó. Số nền kinh tế được dự báo tăng trưởng dương trong năm nay hiện chỉ đếm trên đầu ngón tay, như Trung Quốc, Việt Nam...
Mô hình phục hồi hình chữ K cũng có thể được nhìn thấy ngay trong từng nền kinh tế với những diễn biến trái chiều. Chẳng hạn, ở nền kinh tế số 1 thế giới là Mỹ, thị trường chứng khoán đã phục hồi nhanh chóng, thậm chí vươn tới mức cao nhất mọi thời đại, với chỉ số S&P 500 lấy lại tất cả những gì đã đánh mất hồi tháng 3 năm nay và được dự báo tiếp tục bùng nổ hơn nữa. Đây là nét vẽ đi lên của chữ K. Trong khi đó, nhiều chỉ số khác lại đang vận động theo chiều hướng ngược lại: sản lượng có xu hướng giảm, thất nghiệp tăng lên và các số liệu thống kê về phá sản và nợ nần đều rất tiêu cực. Đó chính là biểu hiện suy thoái kinh tế tượng trưng cho nét đi xuống của chữ K.
Theo ước tính của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), các nước phát triển cần phân bổ tới 20% GDP cho các biện pháp duy trì hoạt động kinh tế để vượt qua khủng hoảng. Trong khi đó, các nước đang phát triển chỉ có thể chi không quá 5% GDP cho những biện pháp này. Do vậy, sự phối hợp toàn cầu để chống đại dịch, chống suy thoái kinh tế là vô cùng quan trọng. Trong bối cảnh nêu trên, để kéo dài “nét vẽ đi lên” của chữ K trong mô hình phục hồi kinh tế toàn cầu, các chính phủ phải nhìn rõ hơn các thách thức, có giải pháp chống dịch và phục hồi kinh tế quyết liệt hơn.
Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) đưa ra nhận định khá lạc quan rằng nền kinh tế thế giới có thể sẽ tăng trưởng 4,5%, không quá thấp so với mức 6% được dự báo từ trước đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, trong năm 2021, nếu dịch bệnh còn diễn biến phức tạp và các biện pháp mạnh chưa phát huy hiệu quả thì tăng trưởng toàn cầu có thể sụt giảm 2 - 3 điểm phần trăm, OECD cảnh báo./.
Trần Ngọc/VOV.VN