Từng bước khôi phục từ tháng 10/2021, đến sau Tết, Công ty TNHH Sản xuất - Dịch vụ - Thương mại Tiến Thịnh chính thức khôi phục 100% công suất như trước dịch. Thậm chí tình hình còn tích cực hơn khi sản lượng cho xuất khẩu cả gián tiếp lẫn trực tiếp năm 2022 dự kiến tăng 30% so với năm ngoái.
"Nhu cầu từ các nước châu Âu cũng như thị trường Mỹ đang tăng rất nhanh. Việt Nam mình là trung tâm sản xuất nên cũng gia tăng rất nhiều. Chúng tôi đã nhận được đơn hàng đến tháng 5 - 6/2022. Trước đó, chúng tôi chỉ nhận được khoảng 1 - 2 tháng đơn hàng", ông Nguyễn Ngọc Thịnh - Tổng Giám đốc, Công ty TNHH Sản xuất - Dịch vụ - Thương mại Tiến Thịnh, cho biết.
Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, trong 2 tháng đầu năm 2022, TP Hồ Chí Minh đã lấy lại vị trí quán quân về xuất khẩu từ Bắc Ninh, với kim ngạch xuất khẩu đạt gần 9 tỷ USD, tăng hơn 12% so với cùng kỳ năm ngoái.
Hai tháng đầu năm, TP Hồ Chí Minh dần lấy lại vị thế đầu tàu kinh tế về một số chỉ tiêu quan trọng. (Ảnh minh họa - Ảnh: PLO)
Có thông tin mở cửa du lịch quốc tế, Công ty Du lịch Liên Bang đã triển khai tuyển dụng trở lại 10 - 15% lượng nhân sự cũ để chuẩn bị cho kế hoạch. Dù thời gian qua du lịch nội địa phục hồi tích cực, nhưng vốn là công ty chuyên làm thị trường quốc tế, nên đơn vị vẫn chỉ đang hoạt động 1/10 công suất trước dịch.
"Chúng tôi đã liên lạc lại với tất cả đối tác nước ngoài, các lãnh sự quán về vấn đề thị thực để cho các tour du lịch quốc tế đi trong mùa lễ 30/4 - 1/5. Thị trường Đông Nam Á sẽ bùng nổ lại và là hướng cho các công ty du lịch lữ hành tập trung tổ chức trong thời gian tới", ông Từ Quý Thành, Giám đốc Công ty Du lịch Liên Bang, chia sẻ.
Theo chuyên gia, để TP Hồ Chí Minh khôi phục những thiệt hại kinh tế của năm 2021, năm nay mức tăng trưởng cần đạt được 6,5%. Mục tiêu này đang đứng trước thách thức giá nhiên liệu, xăng dầu tăng cao kỷ lục làm thêm nặng gánh chi phí logistics, giá cả đầu vào đã đội lên từ 5-10%.
Để hỗ trợ tiến trình phục hồi, chuyên gia khuyến nghị cần sớm có giải pháp điều tiết.
"Chính phủ có dư địa để can thiệp, đó là thuế xăng dầu. Khi được chi phí đầu vào rẻ hơn thì năng lực cạnh tranh của các sản phẩm xuất khẩu sẽ tốt hơn trên trường quốc tế. Thứ hai là tác động tích cực đến người tiêu dùng trong điều kiện kinh tế phục hồi", Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Bảo, Khoa Kinh tế, Đại học UEH, đánh giá.
Chi phí tăng sẽ khiến nhu cầu vốn lưu động của doanh nghiệp thêm cấp thiết. Do đó việc sớm triển khai gói hỗ trợ cấp bù lãi suất 2% cũng được đánh giá sẽ có tác động lớn, trợ lực nhanh chóng cho doanh nghiệp ngay trong năm nay.
Nguồn VTV