Một trong những chỉ số đáng chú ý khác là tình hình đăng ký doanh nghiệp: 8 tháng, cả nước có gần 150.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động, tăng hơn 30% so với cùng kỳ năm trước; bình quân mỗi tháng có 18.700 doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động. Tuy nhiên, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường là 104.300 doanh nghiệp, tăng 22%; bình quân một tháng có 13.000 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.
Các chuyên gia cho rằng, bên cạnh tốc độ tăng trưởng tích cực nói chung, cần phân tích rõ, nhìn nhận sâu xa vấn đề này. Việc nhiều doanh nghiệp bắt buộc phải rút lui khỏi thị trường do không đáp ứng được yêu cầu của nền kinh tế hoặc là không chịu đựng được những khó khăn đã trải qua kể từ khi có đại dịch cho thấy nhịp phục hồi tăng trưởng chưa bền vững, đặc biệt trong bối cảnh mới.
“Chúng ta hình dung khu vực doanh nghiệp, dịch vụ sự phát triển của nó chiếm khoảng 40 % vào tăng trưởng của GDP hàng năm. Nếu chúng ta không giải được bài toán hỗ trợ cho khu vực này thì dẫn đến rủi ro trong đảm bảo tăng trưởng GDP. Bên cạnh các chỉ tiêu phát triển rất là tốt, có một đánh giá đồng nhất giữa số liệu của Tổng cục Thống kê cũng như World Bank về sự phục hồi tốt của kinh tế Việt Nam: một số các vấn đề còn phải tiếp tục quan tâm đấy là câu chuyện về nợ xấu ngân hàng, đó là câu chuyện nó liên quan đến tỷ lệ chậm giải ngân đầu tư công, thế rồi chỉ số tiêu dùng tăng… Đây là về thứ hai của câu chuyện tăng trưởng” - PGS.TS Phan Chí Anh – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Quản trị Kinh doanh (CBAS), Trường Đại học Kinh tế – Đại học Quốc gia Hà Nội nêu quan điểm.
“Vế thứ hai của câu chuyện tăng trưởng” PGS.TS Phan Chí Anh nói tới chính là chiều ngược lại - là những bất cập, tồn tại cần nhận diện. Ví dụ, đó là những thách thức khi Ngân hàng Trung ương ECB, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) điều chỉnh nâng lãi suất cơ bản… Chính sách thắt chặt tiền tệ này ảnh hưởng đến nhu cầu hàng hóa, từ đó tác động tới các nước xuất khẩu trong đó có Việt Nam - ảnh hưởng tăng trưởng kinh tế nước ta.
Các chuyên gia khẳng định” “Áp lực lạm phát từ nay đến cuối năm vẫn rất lớn. Độ trễ của lạm phát sẽ tập trung quý còn lại trong năm và cả năm sau. Điều hành chính sách tài khoá, tiền tệ, trong đó, đặc biệt quan tâm điều hành giá xăng, dầu tiếp tục là yêu cầu từ thực tiễn”.
Ngoài ra, trên bình diện chung, các chuyên gia lưu ý tất cả những thay đổi trong thị trường lao động hoặc thay đổi hành vi của người tiêu dùng… đều cần được theo dõi để đảm bảo hoạt động tăng trưởng duy trì nhịp độ cao - không ảnh hưởng đến những cân đối lớn của nền kinh tế. Khi kinh tế vĩ mô ổn định trong những tháng cuối năm sẽ là tiền đề tăng trưởng mạnh mẽ, bền vững của toàn nền kinh tế vào năm 2023. Tất cả điều này, đòi hỏi cấp vĩ mô có những chủ trương chính sách nhanh nhạy, linh hoạt hơn nữa – tiếp tục cải cách ngay cả trong tiến trình phục hồi kinh tế; và đòi hỏi từng thành phần kinh tế, từng người dân cùng nỗ lực trong không khí nỗ lực chung của khối doanh nhân - doanh nghiệp./.
Thu Trang/VOV1