Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế
Theo báo cáo thẩm tra về kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025, nền kinh tế đang ở thời điểm quan trọng khi nước ta đã chuyển sang giai đoạn thích ứng linh hoạt, an toàn phòng chống COVID-19 và dồn sức cho tăng trưởng kinh tế.
Như vậy, lúc này việc đánh giá khả năng, nguồn lực của nền kinh tế có vai trò quan trọng để đưa ra định hướng về mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế trong giai đoạn tới đây.
Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016 - 2020 đã hoàn thành 17/22 mục tiêu, đạt trên 77% tổng số mục tiêu đề ra. Trong đó 5 mục tiêu quan trọng hoàn thành vượt xa so với mục tiêu như: quy mô nợ công, quy mô nợ Chính phủ, tốc độ tăng năng suất lao động bình quân giai đoạn gần 5,8%, năng suất các nhân tố tổng hợp đóng góp vào tăng trưởng tăng trên 45% và dư nợ thị trường trái phiếu.
Cơ cấu đầu tư chuyển dịch tích cực, tỷ trọng đầu tư của khu vực nhà nước giảm, phù hợp với định hướng cơ cấu lại đầu tư công, giảm dần sở hữu nhà nước tại các doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế.
Bội chi ngân sách và tỷ trọng nợ công trên GDP được kiểm soát, giảm dần qua các năm.
Một số tập đoàn kinh tế tư nhân lớn đã hình thành ứng dụng khoa học, công nghệ, xây dựng được thương hiệu và năng lực cạnh tranh trong nước và quốc tế.
Những năm tới, kinh tế Việt Nam sẽ phải thực hiện nhiệm vụ kép vừa phục hồi, vừa tái cơ cấu. Ảnh minh họa - Ảnh: TTXVN.
Chuyển đổi kinh tế số - "chìa khóa" phục hồi hậu COVID-19
Trong tình hình mới, những biến đổi tác động từ bên ngoài khó lường sẽ cần phải chấp nhận những cái mới và cũng thích ưng với nó. Chuyển đổi số là một ví dụ.
Theo khảo sát mới đây của Ngân hàng Thế giới, 60% doanh nghiệp đã ứng ụng công nghệ và nền tảng trực tuyến. Chuyển đổi số đã giảm một nửa tác động tiêu cực từ đại dịch lên GDP. Để thích ứng với hoàn cảnh, nhiều lĩnh vực, ngành nghề đã nhanh chóng thay đổi phương thức hoạt động. Chuyển đổi số, phát triển kinh tế số chính là "chìa khóa" mở ra cơ hội phục hồi kinh tế hậu COVID-19.
Hiện Na Chi Lăng, Bưởi Phúc Trạch, nhãn lồng Hưng Yên và hàng loạt mặt hàng nông sản khác đã có mặt trên các sàn thương mại điện tử lớn. Chợ nông sản trực tuyến là một trong những giải pháp giúp đẩy mạnh việc tiêu thụ nông sản, hỗ trợ hiệu quả cho ngành nông nghiệp trong giai đoạn giãn cách xã hội do dịch bệnh COVID-19.
Không chỉ có nông nghiệp, COVID-19 đã làm thay đổi mạnh mẽ nhiều ngành kinh tế như: Y tế, giáo dục, tài chính ngân hàng... Cách làm truyền thống giờ đây được chuyển lên môi trường số.
Trong dịch bệnh, tốc độ tăng trưởng của thương mại điện tử bán lẻ năm 2020 ở mức 18%, doanh thu bán lẻ đạt 11,8 tỷ USD; doanh thu xuất khẩu phần mềm 6 tháng đầu năm 2021 tăng hơn 20% so với cùng kì năm ngoái. Nhiều doanh nghiệp đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa đã nhanh chóng chuyển đổi số để có thể thích ứng và tồn tại.
Dịch bệnh COVID-19 diễn biến nhanh, phức tạp và còn có thể kéo dài, tác động trực tiếp tới các trung tâm kinh tế, đô thị lớn, gây đình trệ sản xuất, đứt gãy chuỗi cung ứng, tác động đến việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội của đất nước. Trước bối cảnh đó, kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế cần được thực hiện quyết liệt hơn nhằm đẩy nhanh quá trình phục hồi của nền kinh tế, tận dụng cơ hội và tạo đà bứt phá cho giai đoạn tới.
Vậy bài toán đặt ra là gì để tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025? Trọng tâm đặt vào đâu?Và trong bối cảnh hiện nay khi tái cơ cấu lại nền kinh tế sẽ gắn với câu chuyện chuyển đổi số thế nào?
Xung quanh những nội dung trên, chương trình Vấn đề hôm nay với sự tham gia của GS.TS. Hoàng Văn Cường - Đại biểu Quốc hội khóa XIV, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân đã có những phân tích, bình luận chi tiết.
Nguồn VTV