Các động lực tăng trưởng đang trên đà hồi phục
Năm 2023 là một năm đầy khó khăn, thách thức với kinh tế Việt Nam. Ngoại trừ đầu tư công, các động lực tăng trưởng chính hầu hết phải trải qua những giai đoạn ảm đạm. Thậm chí, do khó khăn từ sự suy giảm nhu cầu của thị trường thế giới nên xuất khẩu nước ta có mức tăng trưởng âm lần đầu tiên kể từ năm 2009. Theo thống kê, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa năm 2023 nước ta ước đạt 683 tỷ USD, giảm 6,6% so với năm 2022. Trong đó, xuất khẩu giảm 4,4%, nhập khẩu giảm 8,9%.
Tuy nhiên, tình hình xuất, nhập khẩu của nước ta trong hai tháng đầu năm 2024 đã phục hồi tăng trưởng tương đối tốt. Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 1 ước đạt 33,57 tỷ USD, tăng 6,7% so với tháng trước và tăng tới 42% so với cùng kỳ năm 2023. Tính chung hai tháng đầu năm 2024, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 113,96 tỷ USD, tăng 18,6% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu tăng 19,2%; nhập khẩu tăng 18%. Cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu 4,72 tỷ USD. Giám đốc Phòng Phân tích kinh tế vĩ mô và Nghiên cứu thị trường của Tập đoàn VinaCapital Michael Kokalari phân tích, do lượng hàng tồn kho quá lớn nên các doanh nghiệp Mỹ đã cắt giảm đơn đặt hàng "made in Vietnam" trong năm 2023, nhưng xu hướng cắt giảm này sắp kết thúc do lượng hàng tồn kho của doanh nghiệp Mỹ đã giảm "nhanh nhất trong hơn 10 năm". "VinaCapital kỳ vọng số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trong các tháng tới nhờ sự phục hồi của nền kinh tế Mỹ, được thể hiện qua niềm tin của người tiêu dùng Mỹ đạt mức cao nhất kể từ sự bùng nổ sau khi mở cửa hậu Covid-19", ông Michael Kokalari nêu quan điểm.
Hoạt động sản xuất tại Khu công nghiệp Liên Hà Thái (tỉnh Thái Bình). |
Cùng với sự phục hồi của các đơn hàng xuất khẩu, lượng hàng tồn kho của Việt Nam cũng giảm mạnh trong tháng 1-2024, chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) lần đầu trở lại ngưỡng hơn 50 điểm sau 4 tháng liên tiếp (tháng 1-2024 đạt 50,3 điểm) đã trở thành động lực quan trọng thúc đẩy ngành sản xuất nước ta tăng trưởng. Số liệu thống kê cho thấy, tháng 1-2024, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) của nước ta tăng 18,3% so với cùng kỳ năm trước. Sang tháng 2, do là tháng có thời gian nghỉ Tết Nguyên đán nên IIP giảm so với tháng trước. Tuy nhiên, tính chung hai tháng đầu năm 2024, IIP ước tính tăng 5,7% so với cùng kỳ năm 2023 (cùng kỳ năm 2023 giảm 2,9% so với cùng kỳ năm 2022).
Sản xuất tăng đồng nghĩa với việc thu nhập của người lao động tăng, hỗ trợ mạnh cho tăng trưởng tiêu dùng. Tiêu dùng tăng tiếp tục trở thành động lực cho tăng trưởng các khu vực sản xuất hàng hóa, kinh doanh, dịch vụ... Số liệu báo cáo của Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho thấy, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 1-2024 ước đạt 524,1 nghìn tỷ đồng, tăng 1,6% so với tháng trước và tăng 8,1% so với cùng kỳ năm 2023. Hai tháng đầu năm 2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành ước đạt 1.031,5 nghìn tỷ đồng, tăng 8,1% so với cùng kỳ năm trước, nếu loại trừ yếu tố giá thì tăng 5% so với cùng kỳ năm trước.
Đặc biệt, xuất khẩu, sản xuất, tiêu dùng tăng có tác động tốt tới thị trường chứng khoán. Trong bối cảnh Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã tiến hành tới 4 lần giảm lãi suất điều hành trong năm 2023, các ngân hàng, tổ chức tín dụng đang duy trì mức lãi suất huy động ở mức thấp nhất trong lịch sử, dẫn tới kênh gửi tiền tiết kiệm không còn hấp dẫn người dân như thời gian trước. Người dân sẽ tìm các kênh đầu tư hiệu quả hơn, thị trường chứng khoán sẽ là một trong những kênh hút vốn mạnh mẽ nhất. Như vậy, xuất khẩu và sản xuất phục hồi đà tăng trưởng đang là dấu hiệu tốt cho việc đả thông vòng tuần hoàn, tăng cường sức khỏe của nền kinh tế.
Thi công đường cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu đoạn qua tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. |
Bên cạnh đó, số vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam trong hai tháng đầu năm 2024 tiếp tục tăng, cho thấy nhà đầu tư nước ngoài có niềm tin rất lớn vào tiềm năng nền kinh tế Việt Nam. Tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam tính đến ngày 20-2 (bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài) đạt gần 4,29 tỷ USD, tăng 38,6% so với cùng kỳ năm trước. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam hai tháng đầu năm 2024 ước đạt 2,8 tỷ USD, tăng 9,8% so với cùng kỳ năm trước.
Cần sự chung sức, đồng lòng từ doanh nghiệp, nhân dân
Tuy nhiên, cũng cần nhấn mạnh rằng, tình hình trong nước và thế giới năm 2024 sẽ tiếp tục xuất hiện nhiều khó khăn, thậm chí không kém hơn so với năm 2023. Việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) quyết định giữ nguyên mức lãi suất cao trong phiên họp vừa qua cho thấy, tình hình lạm phát tại Mỹ vẫn chưa được kiểm soát hoàn toàn. Nhiều chuyên gia kinh tế thế giới có chung nhận định FED sẽ chỉ bắt đầu cắt giảm lãi suất từ tháng 6-2024, sau khi kiểm soát lạm phát thành công ở mức dưới 2%. Xu hướng điều hành lãi suất của Mỹ thực tế có ảnh hưởng rất lớn tới tình hình kinh tế thế giới nói chung. Như vậy, thời gian tới, bên cạnh những thuận lợi theo phân tích của ông Michael Kokalari, xuất khẩu của doanh nghiệp nước ta cũng có thể tiếp tục phải đối mặt với những khó khăn như các năm trước, khi sức cầu tiêu thụ hàng hóa thế giới có thể tiếp tục ở mức thấp do lạm phát vẫn ở mức cao.
Năm 2024 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu của cả nhiệm kỳ theo Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và các nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, trong đó có các mục tiêu, chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế.
Mới đây, phát biểu khi làm việc tại Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã nhấn mạnh quan điểm, để đạt mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội năm 2024, tạo đà tăng trưởng và hoàn thành mục tiêu của giai đoạn 2021-2025 là thách thức rất lớn, cần sự chung sức, đồng lòng của Chính phủ, doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân. Trong đó, vai trò của ngành ngân hàng là hết sức quan trọng. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị ngành ngân hàng tăng cường năng lực phân tích dự báo, theo dõi sát diễn biến tình hình kinh tế, giá cả, lạm phát thế giới, khu vực, nhất là diễn biến giá năng lượng để hoạch định, điều hành chính sách tiền tệ phù hợp; cân đối hài hòa giữa việc giảm lãi suất và ổn định tỷ giá. Ngành ngân hàng cần tăng cường kiểm tra, giám sát, bảo đảm ổn định thị trường tiền tệ, tín dụng, tiếp tục phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất cho vay trong bối cảnh lãi suất huy động đã giảm tối đa; tăng cường đơn giản hóa thủ tục hành chính để tăng khả năng tiếp cận, hấp thụ vốn tín dụng, quan trọng là không hạ chuẩn tín dụng nhưng vẫn đưa được vốn vào sản xuất, kinh doanh.
Trong bối cảnh khó khăn cũ chưa hoàn toàn được giải quyết, khó khăn mới có thể vẫn xuất hiện do tình hình thế giới tiếp tục có những diễn biến rất khó lường, việc các ngân hàng, tổ chức tín dụng tối đa hóa hiệu quả hoạt động, tiếp tục giảm lãi suất cho vay sẽ là một động lực rất quan trọng để tiếp sức cho người dân, doanh nghiệp, từ đó thúc đẩy kinh tế nước ta phát triển.
Hy vọng và tin rằng, với sự chung sức, đồng lòng của cả hệ thống chính trị, người dân và doanh nghiệp-đặc biệt là hệ thống ngân hàng và các tổ chức tín dụng, năm 2024 kinh tế nước ta sẽ lấy lại nhịp độ tăng trưởng cao, từ đó bứt phá để về đích theo các chỉ tiêu phát triển kinh tế mà Đại hội XIII của Đảng đề ra.
Nguồn QĐND