Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn, trong buổi sáng cùng ngày dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chính phủ đã họp thường kỳ tập trung thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội tháng 8 và 8 tháng năm 2022, tình hình thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, tình hình phân bổ, giải ngân vốn ngân sách nhà nước, các khó khăn, vướng mắc và giải pháp đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công trong những tháng còn lại của năm 2022, tình hình triển khai 3 Chương trình mục tiêu quốc gia.
Các ý kiến tại phiên họp thống nhất đánh giá, tình hình kinh tế-xã hội tháng 8 và 8 tháng đầu năm tiếp tục ổn định và khởi sắc trên hầu hết các lĩnh vực.
Tại phiên họp Chính phủ, Thủ tướng nêu rõ 12 kết quả nổi bật trong 8 tháng vừa qua, đó là tiếp tục làm tốt công tác kiểm soát dịch bệnh, bảo vệ, chăm lo sức khỏe nhân dân dù dịch bệnh đang tiếp tục diễn biến phức tạp.
Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, thúc đẩy tăng trưởng, tăng trưởng GDP quý III có thể đạt cao hơn quý II nếu không có những biến động lớn. Kết hợp chặt chẽ, linh hoạt, hiệu quả giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa.
Năm cân đối lớn được bảo đảm tốt, gồm thu - chi ngân sách (thu ngân sách 8 tháng ước đạt 85,6% dự toán, tăng 19,4% so với cùng kỳ năm 2021); xuất - nhập khẩu (xuất nhập khẩu 8 tháng đạt gần 498 tỷ USD, tăng 15,5%, xuất siêu 3,96 tỷ USD); lương thực - thực phẩm (xuất khẩu nông sản khoảng 36,3 tỷ USD, trong đó có khoảng 5 triệu tấn gạo); bảo đảm đủ điện, năng lượng dù sản xuất tăng cao; doanh nghiệp phát triển nhưng cung-cầu lao động bảo đảm, thị trường lao động phục hồi tốt.
Nền kinh tế tiếp tục phục hồi, sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản ổn định và có tăng trưởng. Sản xuất công nghiệp phục hồi nhanh. Chỉ số IIP tháng 8 tăng 2,9% so tháng trước, tăng 15,6% so cùng kỳ và 8 tháng tăng 9,4%. Thương mại, dịch vụ sôi động, phục hồi nhanh ở tất cả các ngành: Tổng mức bán lẻ hàng hóa, doanh thu dịch vụ 8 tháng đạt gần 3,68 triệu tỷ đồng, tăng 19,3% so với cùng kỳ. Khách quốc tế tháng 8 đạt trên 486.000 lượt, tăng 38% so với tháng trước.
Vốn đầu tư toàn xã hội tiếp tục xu hướng tăng; vốn đầu tư thực hiện từ ngân sách nhà nước 8 tháng đạt trên 285,4 nghìn tỷ, bằng 51% kế hoạch, tăng 16,9% so với cùng kỳ. Vốn FDI thực hiện 8 tháng đạt 12,8 tỷ USD tăng 10,5%, cao nhất từ năm 2018 đến nay.
Phát triển doanh nghiệp đạt kết quả tích cực; số doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động 8 tháng là gần 150.000 doanh nghiệp (gấp 1,43 lần số doanh nghiệp rời khỏi thị trường). Tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong 8 tháng là gần 3,64 triệu tỷ đồng, tăng 36,1% so với cùng kỳ.
Các lĩnh vực văn hóa, xã hội được chú trọng, đời sống người dân được cải thiện. Các hoạt động chăm lo đối tượng chính sách, người nghèo, người lao động được triển khai tích cực, hiệu quả. Các hoạt động kỷ niệm 77 năm Cách mạng Tháng Tám, Quốc khánh 2/9 và khai giảng năm học mới được tổ chức trang trọng, ý nghĩa, an toàn, thiết thực. Theo điều tra sơ bộ, tỉ lệ hộ có thu nhập không đổi và tăng lên là 82,2%. Số khách du lịch nội địa 8 tháng gần bằng cả năm 2019.
Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tiếp tục được đẩy mạnh; tiếp tục tập trung xây dựng hoàn thiện thể chế, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Tích cực rà soát, sắp xếp lại tổ chức bộ máy, cương quyết bỏ khâu trung gian, nhất là giảm cấp tổng cục.
Sau các hội nghị lớn của Chính phủ, các loại hình thị trường từng bước phục hồi, được kiểm soát, phát triển theo hướng an toàn, cạnh tranh lành mạnh, đúng pháp luật, đúng bản chất. Tỉ lệ nợ công, nợ Chính phủ tiếp tục xu hướng giảm. Tỉ lệ nợ công/GDP năm 2020 là 55,9%, năm 2021 là 43,1%, năm 2022 dự kiến 42-43%; tỉ lệ nợ Chính phủ/GDP năm 2020 là 49,9%, năm 2021 là 39,1%, năm 2022 khoảng 40-41%, dưới trần Quốc hội và Nghị quyết Đại hội Đảng XIII cho phép, tạo dư địa để thực hiện chính sách tiền tệ.
Quốc phòng, an ninh được tăng cường; trật tự an toàn xã hội được bảo đảm; đối ngoại, hội nhập quốc tế được đẩy mạnh, xử lý nhịp nhàng, đúng hướng, kịp thời, phù hợp các vấn đề phát sinh.
Những vấn đề cấp bách được xử lý kịp thời, hiệu quả như xăng dầu, tỉ giá, giá cả các nguyên liệu đầu vào cho sản xuất...
Các vấn đề khác và nhiều vấn đề tồn đọng kéo dài, dự án, doanh nghiệp kém hiệu quả được chỉ đạo giải quyết phù hợp, có kết quả, khơi thông nguồn lực cho nền kinh tế (như Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 đã hòa lưới điện Tổ máy số 2; xử lý, tháo gỡ vướng mắc đối với 3 Nhà máy đạm, Nhà máy Gang thép Thái Nguyên, Nhà máy Gang thép Lào Cai…).
Nhiều tổ chức, chuyên gia uy tín quốc tế đánh giá cao kết quả và triển vọng phát triển kinh tế, nâng hạng tín nhiệm và dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam. Chỉ số phục hồi COVID-19 của Nikkei xếp Việt Nam đứng thứ 2 trên thế giới. Mới nhất, Moody's ngày 6/9 đã nâng hạng tín nhiệm của Việt Nam.
Thủ tướng nhấn mạnh, nguyên nhân của những kết quả đạt được là nhờ nghiêm túc quán triệt, thực hiện đường lối lãnh đạo của Trung ương Đảng, trực tiếp, thường xuyên là Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đứng đầu là đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, các chính sách, pháp luật của Nhà nước, trong đó có các Nghị quyết của Quốc hội; sự nỗ lực, cố gắng, linh hoạt của các cấp, các ngành, các địa phương; sự phối hợp chặt chẽ giữa Chính phủ, Quốc hội, các cơ quan trong hệ thống chính trị. sự ủng hộ của cộng đồng doanh nghiệp, nhân dân, sự hỗ trợ của bạn bè quốc tế.
Tuy nhiên, tình hình còn nhiều khó khăn, thách thức do tình hình thế giới còn diễn biến phức tạp. Sức ép lạm phát rất cao. Giải ngân đầu tư công chậm được cải thiện, đây là vấn đề kéo dài nhiều năm nhưng chưa có giải pháp tích cực, nhưng nguyên nhân cơ bản dàn trải, manh mún, chia cắt, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương chưa thực sự tập trung chỉ đạo, thủ tục hành chính còn rườm rà. Thu hút vốn FDI chưa được như kỳ vọng, trong đó yếu tố rất quan trọng là thu hút vào đâu và giải ngân thế nào. Hoạt động sản xuất kinh doanh trong một số lĩnh vực còn khó khăn, số doanh nghiệp rút lui và giải thể còn cao. Đời sống một bộ phận người dân còn khó khăn, nhất là tại vùng sâu, xa, biên giới, hải đảo và những người yếu thế. Diễn biến dịch bệnh còn rất phức tạp, còn tâm lý chủ quan trong thực hiện tiêm vacccine. An ninh trật tự tiềm ẩn nhiều yếu tố rủi ro, trong đó có môi trường mạng; tai nạn giao thông, cháy nổ có xu hướng tăng...
Báo Tin tức