Được Bác Hồ “dạy đạo làm tướng”
Tháng 4-1940, đồng chí Hoàng Văn Thụ - Bí thư Xứ ủy Bắc kỳ thông báo quyết định của Đảng cử hai đồng chí Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp đến Côn Minh (tỉnh Vân Nam, Trung Quốc) gặp lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc để nhận nhiệm vụ. Tại đây, Võ Nguyên Giáp đã được Người căn dặn “Phải tranh thủ học tập về quân sự” để phục vụ cách mạng.
Sau khi được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương (tháng 6-1940), dưới sự hướng dẫn của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, Võ Nguyên Giáp đã từng bước trưởng thành cả về chính trị, quân sự và hoạt động tích cực, sôi nổi trong phong trào cách mạng, nhất là công tác đào tạo, huấn luyện cán bộ chính trị, quân sự để chuẩn bị cho Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Cuộc gặp lịch sử với lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã gắn cuộc đời của Đại tướng Võ Nguyên Giáp với Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Từ việc sớm nhận định: Cách mạng Đông Dương phải thực hiện bằng một cuộc khởi nghĩa vũ trang mới giành thắng lợi, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra sự cần thiết phải tập hợp những cán bộ, chiến sĩ anh dũng nhất, tổ chức ra một đội vũ trang tập trung, một đội quân chủ lực để hoạt động. Người đã giao cho đồng chí Võ Nguyên Giáp phụ trách việc thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân (22-12-1944) - tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam. Từ đây, Võ Nguyên Giáp được Hồ Chí Minh rèn luyện, dạy “đạo làm tướng”.
Trong suốt quá trình hoạt động cách mạng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp được sống và làm việc bên cạnh Chủ tịch Hồ Chí Minh, được Người trao nhiều trọng trách trên các lĩnh vực quân sự, chính trị, ngoại giao. Đặc biệt, có những thời điểm quyết định, Đại tướng được Chủ tịch Hồ Chí Minh giao nhiệm vụ “Tướng quân tại ngoại, toàn quyền quyết định”.
Thấm nhuần lời dạy của người thầy vĩ đại Hồ Chí Minh về nhiệm vụ của người làm tướng là phải “trí, dũng, nhân, tín, liêm, trung”, những phẩm chất ấy đã được Đại tướng Võ Nguyên Giáp học tập, rèn luyện, trải nghiệm qua cuộc trường chinh 30 năm chiến đấu và chiến thắng quân đội của những nước đế quốc lớn nhất trên thế giới ở thế kỷ XX và trở thành vị Đại tướng của nhân dân, “Người anh cả” của Quân đội nhân dân Việt Nam.
Suốt đời học tập tư tưởng Hồ Chí Minh
Cuộc đời hoạt động cách mạng của Đại tướng luôn gắn liền với sự nghiệp cách mạng của Đảng, dân tộc và Quân đội ta, luôn gần gũi, ghi nhớ, noi gương và thực hành lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Làm cách mạng phải “Dĩ công vi thượng”, “Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng nhân dân”… Ở Đại tướng luôn sáng ngời những phẩm chất, nhân cách của nhà văn hóa lớn, một tấm gương mẫu mực về đạo đức cách mạng: Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Đại tướng là tấm gương sáng về sự liêm khiết, giản dị, khoan dung, nhân hậu, khiêm tốn, ham học hỏi, đoàn kết, sống có tình nghĩa, hết lòng thương yêu đồng chí, đồng bào. Tình thương yêu con người của Đại tướng hòa quyện với tình yêu quê hương, đất nước và để lại trong lòng nhân dân Việt Nam cùng bạn bè quốc tế hình ảnh về một nhà lãnh đạo đức độ, tài năng, một nhà hoạt động thực tiễn xuất sắc, một chiến sĩ cách mạng kiên trung, suốt đời tận tụy hy sinh phấn đấu phục vụ Đảng, phục vụ nhân dân, phục vụ đất nước.
Không chỉ thấm nhuần, noi gương Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp còn là một trong những người sớm nghiên cứu, tổng kết tư tưởng Hồ Chí Minh một cách cơ bản, toàn diện, hệ thống. Nổi bật là ba cuốn sách: “Tư tưởng Hồ Chí Minh và con đường cách mạng Việt Nam”, “Tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh”, “Thế giới còn đổi thay nhưng tư tưởng Hồ Chí Minh sống mãi”… Qua đó, Đại tướng đã góp phần đưa tư tưởng Hồ Chí Minh vào cuộc sống, trở thành nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta trong thời kỳ mới.
Giờ đây, cả Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp - hai người con kiệt xuất của dân tộc ta đều đã “về với thế giới người hiền” nhưng với lịch sử của đất nước và dân tộc, với toàn thể đồng bào và chiến sĩ cả nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp mãi mãi là tấm gương sáng ngời để khắc ghi, kính trọng, học tập và noi theo.
Theo Hanoimoi.com.vn