Người đảng viên cộng sản kiên cường
Đồng chí Lê Đức Thọ tên thật là Phan Đình Khải, sinh ngày 10-10-1911 tại xã Địch Lễ, huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định (nay là xã Nam Vân, thành phố Nam Định, tỉnh Nam Định). Đồng chí hoạt động cách mạng từ năm 1926, vào Đông Dương Cộng sản Đảng tháng 10-1929.
Thuộc lớp cán bộ tiền bối của Đảng, trong bất kỳ lĩnh vực công tác nào, đồng chí luôn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Trước hết là trong lĩnh vực công tác tổ chức, xây dựng Đảng, bởi đây là sự nghiệp gắn bó hầu như cả cuộc đời của đồng chí.
Từ những ngày bị bắt, hoạt động trong nhà tù đế quốc, thời gian trước và sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, trong thời kỳ tham gia chỉ đạo kháng chiến ở miền Nam, đến khi tham gia Bộ Chính trị, đồng chí Lê Đức Thọ luôn được Đảng tín nhiệm giao phụ trách công tác tổ chức - với cương vị cao nhất là Trưởng ban Tổ chức Trung ương. Trong đó, đồng chí là người trực tiếp tham gia cùng tập thể Ban Chấp hành Trung ương, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, phát động và lãnh đạo cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945 giành thắng lợi, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam), mở ra một kỷ nguyên mới trong lịch sử nước ta.
Trên cương vị Phó Bí thư Xứ ủy Nam Bộ và sau đó làm Trưởng ban Tổ chức Trung ương Cục miền Nam (1949-1954), đồng chí có công lớn trong xây dựng, kiện toàn bộ máy lãnh đạo của Đảng ở Nam Bộ. Nhờ đó, các hoạt động chỉ đạo của Đảng có sự thống nhất, thông suốt, chặt chẽ, hiệu quả, góp phần đưa cuộc kháng chiến của nhân dân Nam Bộ phát triển, giành được những chiến thắng vẻ vang, được Chủ tịch Hồ Chí Minh phong tặng danh hiệu "Nam Bộ thành đồng".
Sau Hội nghị Giơnevơ năm 1954, đồng chí Lê Đức Thọ được điều ra miền Bắc công tác và được bổ sung vào Bộ Chính trị (cuối năm 1955). Năm 1956, đồng chí được phân công làm Trưởng ban Tổ chức Trung ương và giữ chức vụ này qua hai nhiệm kỳ Đại hội III, IV của Đảng. Trên cương vị lãnh đạo cao nhất của Ban Tổ chức Trung ương, đồng chí luôn nhắc nhở và yêu cầu cán bộ làm công tác tổ chức phải đi sâu tìm hiểu, nghiên cứu từng cán bộ thuộc trách nhiệm quản lý, hiểu rõ trình độ, năng lực, phẩm chất để tham mưu cho lãnh đạo cất nhắc, điều động cán bộ cho đúng người, đúng việc.
Trên mặt trận đấu tranh ngoại giao thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đồng chí được Bác Hồ và Bộ Chính trị tín nhiệm, cử làm Cố vấn đặc biệt của phái đoàn Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Hội nghị Paris, trực tiếp đàm phán với Mỹ về việc chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam. Với bản lĩnh, tài trí của một nhà chính trị giàu kinh nghiệm, đồng chí đã thực hiện phương châm kiên trì đấu tranh, giành thắng lợi từng bước, tiến tới giành thắng lợi cuối cùng. Đồng chí là người góp phần to lớn vào việc buộc Hoa Kỳ phải ký kết Hiệp định Paris năm 1973, chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam.
Còn trên cương vị đại diện của Bộ Chính trị chỉ đạo cuộc Tổng tấn công, nổi dậy mùa Xuân năm 1975 và tham gia chỉ đạo Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, đồng chí đã góp phần quan trọng cùng quân và dân cả nước thực hiện trọn vẹn mong ước của Bác Hồ là giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh
Nhớ về đồng chí Lê Đức Thọ, chúng ta nhớ về một nhà lãnh đạo tài năng của Đảng với những phẩm chất nổi bật. Đó là sự kết hợp chặt chẽ giữa lãnh đạo đường lối với chỉ đạo và tổ chức cụ thể; giữa tính kiên định về nguyên tắc với tính sáng tạo và tinh thần đổi mới trong hành động; giữa lý luận với thực tiễn; giữa lời nói và việc làm. Đồng chí xứng đáng là một trong những người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh và xứng đáng với những "công trạng to lớn vì Đảng, vì dân" mà Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng đã tuyên dương.
Với 64 năm hoạt động cách mạng liên tục, đồng chí đã đem tâm sức, tài năng và trí tuệ của mình cống hiến cho sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và nhân dân ta. Tên tuổi, sự nghiệp của đồng chí gắn liền với những giai đoạn của cách mạng Việt Nam, gắn liền với những thành quả cách mạng vĩ đại của dân tộc, là một trong những đồng chí lãnh đạo có nhiều cống hiến lớn cho sự nghiệp cách mạng, để lại cho đồng bào, đồng chí những tình cảm vô cùng quý mến.
Không chỉ vậy, trong cuộc hành trình qua các thời kỳ lịch sử của cách mạng, dù rất bận rộn với công việc của Đảng, đồng chí Lê Đức Thọ vẫn dành thời gian làm thơ, ghi lại những suy nghĩ, cảm xúc của mình. Những sáng tác của đồng chí vừa giàu chất thực tế, có tính thời sự sâu sắc, vừa chứa chan tình cảm cách mạng, thiết tha yêu đời, yêu người. Trong đó, nhiều tác phẩm ẩn chứa tình cảm, suy nghĩ sâu sắc và chân thành của một nhà tư tưởng, một nhà hoạt động chính trị tài năng, nhà ngoại giao bản lĩnh, một chiến sĩ cộng sản kiên trung từng vào sinh ra tử trên khắp nẻo đường cách mạng.
Đồng chí Lê Đức Thọ đã đi xa, nhưng tấm gương người cộng sản kiên trung, hết lòng vì độc lập dân tộc, tự do, hạnh phúc của nhân dân vẫn còn mãi. Tấm gương kiên trung của đồng chí Lê Đức Thọ đã để lại cho các thế hệ người Việt Nam hôm nay và mai sau nhiều bài học quý báu. Đó chính là bài học về lựa chọn và cống hiến hết mình vì lý tưởng, mục tiêu đã lựa chọn; bài học về tinh thần làm việc, vượt qua mọi khó khăn, thử thách. Đó cũng là bài học về phương pháp, phong cách làm việc…, về sự nỗ lực rèn luyện không ngừng trên bước đường hoạt động cách mạng; bài học về nếp sống giản dị, gần gũi, gắn bó mật thiết với nhân dân.
Theo Hanoimoi.com.vn