Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Tuyên truyền là đem một việc gì nói cho dân hiểu, dân nhớ, dân theo, dân làm. Nếu không đạt được mục đích đó, là tuyên truyền thất bại”. Người cũng khẳng định, trong khi tuyên truyền cán bộ tuyên truyền cần xác định rõ ràng nội dung, đối tượng, mục đích và phương pháp như: “Tuyên truyền cái gì? Tuyên truyền cho ai? Tuyên truyền để làm gì? Tuyên truyền cách thế nào?”. Trong phòng, chống đại dịch Covid-19 hiện nay, bài học này rất cần được nhắc lại.
Kể từ khi dịch Covid-19 được phát hiện ở Việt Nam, việc tuyên truyền về cách phòng, chống dịch đã được triển khai bằng nhiều hình thức khác nhau. Có những bài hát về cách phòng dịch đã được các hãng truyền thông lớn của quốc tế nhắc tới. Có lẽ vì vậy mà những quy định về “5K” đã được người dân hiểu và thực hiện khá hiệu quả.
Hình ảnh bà con miền Tây tiếp sức cho TP. Hồ Chí Minh chống dịch trên báo Tuổi trẻ
Trong đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 - đợt dịch diễn biến phức tạp nhất từ trước đến nay ở Việt Nam, công tác tuyên truyền về phòng, chống dịch bệnh đã phát huy tác dụng rõ nét. Những ngày Thành phố Hồ Chí Minh căng mình chống dịch, các cơ quan truyền thông cũng như mạng xã hội liên tục đăng tải thông tin về sự chung sức, đồng lòng, tinh thần đoàn kết của Nhân dân cả nước với đồng bào thành phố.
Hình ảnh những bác sĩ, nhân viên y tế, các chiến sĩ Công an, Quân đội ở tuyến đầu chống dịch xuất hiện đầy cảm động trên các kênh thông tin truyền thông, mạng xã hội gây xúc động mạnh mẽ trong cộng đồng. Hình ảnh những “ATM gạo”, “Gian hàng 0 đồng”, các nhóm thiện nguyện hoạt động không ngừng nghỉ trong những ngày khó khăn giúp mọi người xích lại gần nhau hơn, yêu thương nhau hơn, nhân hậu hơn, bao dung hơn. Những câu chuyện đẹp, những hình ảnh cảm động được chia sẻ trên mạng xã hội là những minh chứng rõ nét của tình người trong mùa dịch.
Thông tin về đường dây nóng tiếp nhận phản ánh của người dân đã được Mặt trận Tổ quốc, Sở Thông tin - Truyền thông thiết lập và công bố công khai. Trên màn hình điện thoại di động thông minh sử dụng ứng dụng Zalo xuất hiện dòng chữ: “Bạn đang ở vùng dịch và cần giúp đỡ? Gửi thông tin và cập nhật tình hình của bạn lên Zalo ngay”. Các thông tin về dịch bệnh như số ca khỏi bệnh, số mắc mới ở các tỉnh, thành, số người tử vong, vaccine… liên tục được cập nhật. Những thông tin đó không chỉ giúp người dân hình dung đầy đủ hơn về dịch bệnh mà còn mình chứng rằng các cơ quan, đoàn thể, chính quyền thành phố đang từng giờ, từng phút đồng hành cùng nhân dân.
Triển lãm tranh, ảnh mặt tiền Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ góp phần lan tỏa tinh thần lạc quan chống dịch đến mọi người. Ảnh: Nguyễn Thị Thắm - Giám đốc Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ
Tuy nhiên, trong lúc này, cũng cần phải nói về mặt trái của mạng xã hội. Trong khi cả hệ thống, cả xã hội đang vừa căng mình chống dịch, vừa đẩy mạnh tuyên truyền để người dân hiểu về dịch bệnh thì vẫn còn đâu đó những thông tin bị bóp méo, xuyên tạc. Xuất hiện nhiều “chuyên gia dịch tễ online”, “bác sĩ online”, “chuyên gia y tế” tự xưng là “biết tuốt” với những bài thuốc điều trị Covid-19 nhưng thực ra lại chẳng khác mấy so với “thần y Võ Hoàng Yên”. Những ngày đầu khi Thành phố bước vào đợt cao điểm chống làn sóng đại dịch lần thứ 4, tài khoản của một số người nổi tiếng trên mạng (KOLs) còn đưa ra những bình luận gây tâm lý chủ quan cho một bộ phận cư dân mạng, kích động tâm lý chia rẽ vùng miền, khiến cộng đồng mạng phẫn nộ.
Tất nhiên, các tin giả, tin xấu nói trên đã nhanh chóng được Bộ Y tế, Ban Tuyên giáo Thành ủy và Sở Thông tin và Truyền thông Thành phố Hồ Chí Minh khẳng định là thất thiệt, sai sự thật, xuyên tạc. Thông tin chính thống cũng đã được các cơ quan chức năng công bố kịp thời trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Những cá nhân đưa tin sai sự thật đã bị xử phạt thích đáng, phải tự gỡ bỏ thông tin. Cách xử lý kịp thời, nghiêm khắc của các cơ quan có trách nhiệm đối với “đại dịch” tin giả đã giúp người dân hiểu rõ hơn, tin tưởng hơn vào các chủ trương, chính sách, biện pháp chống dịch của chính quyền các cấp hiện nay.
Công cuộc phòng, chống đại dịch Covid-19 ở Việt Nam nói chung và Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng sẽ còn tiếp tục. Trong cuộc chiến này, bất luận thế nào thì tuyên truyền vẫn sẽ có vai trò quan trọng đối với hiệu quả phòng, chống dịch bệnh. Trong bối cảnh chống dịch cam go hiện nay, ngoài việc xử lý kịp thời, nghiêm minh những người đưa tin sai lệch, xuyên tạc về công tác phòng, chống dịch thì mỗi người dân, nhất là cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên cũng cần tự ý thức trách nhiệm của mình khi đăng tải, bình luận, chia sẻ thông tin. Trước khi nhấn “Enter” cho mỗi lần post, comment, share, hãy nghĩ đến hình ảnh của những người nơi tuyến đầu chống dịch. Hãy cùng lan tỏa những gì tốt đẹp, không nên phát tán những thông tin chưa được kiểm chứng, thông tin xuyên tạc. Đây chính là những đóng góp thiết thực cho công tác phòng, chống đại dịch Covid 19 của thành phố và cả nước./.
Hồng Phúc