Vua Bảo Đại trao ấn, kiếm
9h sáng ngày 21/8/1945, một sự kiện làm nức lòng nhân dân Huế đó là lá cờ đỏ sao vàng tung bay trên Kỳ đài trước cổng Ngọ Môn kinh thành Huế thay cho cờ quẻ ly của Triều đình Nhà Nguyễn. Ông Đặng Văn Việt và ông Nguyễn Thế Lương là hai người nhận nhiệm vụ thiêng liêng kéo cờ Tổ quốc trên kỳ đài Ngọ Môn, đánh dấu một trang sử mới.
Hai ngày sau, ngày 23/8/1945, Cách mạng tháng Tám bùng nổ và thành công ở Huế, Ủy ban khởi nghĩa Trung Bộ và Thừa Thiên - Huế ra mắt trong một cuộc mít tinh lớn. Một tuần sau, ngày 30/8/1945, tại Ngọ Môn Huế, Vua Bảo Đại tuyên bố thoái vị và nộp ấn tín, trao kiếm báu cho đoàn đại biểu Chính phủ trung ương do ông Trần Huy Liệu dẫn đầu.
Hình ảnh lá cờ đỏ sao vàng tung bay trên Kỳ đài Ngọ Môn ở Huế ghi vào sử sách về một mùa Thu cách mạng trên đất Cố đô, đánh dấu sự chấm hết của triều đại cuối cùng của nhà Nguyễn. Sự kiện này tiếp thêm sức mạnh cuộc khởi nghĩa giành chính quyền thành công ở Huế, đóng vai trò rất quan trọng trong Cách mạng tháng Tám, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà.
PGS.TS Đỗ Bang, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam nhìn nhận: “Sự kiện trao ấn kiếm tại Huế là hành động mang tính chất pháp lý quốc tế. Ngày 30/8/1945, khi vua Bảo Đại trao ấn kiếm ở Huế thì đến ngày 2/9, chúng ta mới có đầy đủ cơ sở pháp lý tuyên bố độc lập được. Nếu không có sự kiện 30/8 năm ấy thì rõ ràng về mặt pháp lý quốc tế không thừa nhận”.
Lễ thoái vị của vua Bảo Đại đánh dấu sự chấm dứt của triều đại phong kiến cuối cùng trong lịch sử Việt Nam. Trong chiếu thoái vị vua Bảo Đại có ghi: "Trong 20 năm ở ngôi, Trẫm đã trải qua bao nhiêu cay đắng. Trẫm muốn được làm dân một nước tự do, hơn làm Vua một nước bị trị”.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Hoa cho rằng: “Sau Lễ thoái vị, Vua Bảo Đạo trở thành công dân Vĩnh Thuỵ. Và hơn thế, người công dân Vĩnh Thuỵ còn được Chủ tịch Hồ Chí Minh mời ra Hà Nội làm cố vấn cho Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Điều đó có sức cảm hoá rất lớn đối với những người trong Hoàng tộc nhà Nguyễn. Trên thực tế, sau Cách mạng Tháng Tám, rất nhiều người trong Hoàng tộc nhà Nguyễn đã tin theo Bác Hồ, đi theo Cách mạng và cống hiến sức mình cho quê hương, đất nước”.
Lan tỏa tinh thần Mùa Thu cách mạng trên đất Cố đô
Gần 8 thập kỷ qua, lá cờ đỏ sao vàng phấp phới tung bay trên đỉnh Kỳ đài cố đô Huế là biểu tượng thiêng liêng gắn liền với lịch sử đấu tranh, giữ vững nền độc lập dân tộc và công cuộc đổi mới phát triển của đất nước. Di tích Kỳ đài nằm vị trí trung tâm thành phố Huế, là biểu tượng của mảnh đất Cố đô, chứng kiến bao sự đổi thay của đất nước qua từng giai đoạn lịch sử. Kỳ Đài, Ngọ Môn Huế hiện là điểm thu hút du khách mỗi khi tham quan Quần thể di tích Cố đô.
Chị Nguyễn Thị Thanh Nhàn, du khách Thái Bình bày tỏ cảm xúc: “Khi tham quan Đại nội Huế, chúng tôi được giới thiệu, hiểu thêm về khu di tích này. Con đường 23/8, Kỳ đài, cổng Ngọ Môn… và nhiều di tích ở Huế gắn liền với sự kiện lịch sử vua Bảo Đại, vị vua cuối cùng của Triều Nguyễn thoái vị trao ấn kiếm cho chính quyền Cách mạng”.
Ông Nguyễn Đức Lộc, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết: Đơn vị hiện sưu tầm, lưu giữ khoảng 600 tư liệu, hình ảnh, hiện vật liên quan đến Cách mạng Tháng Tám ở Thừa Thiên Huế. Hàng năm, Bảo tàng Lịch sử tỉnh Thừa Thiên Huế tiếp tục tổ chức các đợt sưu tầm tư liệu liên quan trong nhân dân, các vị lão thành cách mạng, các địa phương…
Những tư liệu, hiện vật được bảo quản, phân loại, trưng bày, triển lãm phục vụ công chúng vào dịp lễ Cách mạng Tháng Tám hàng năm.
“Trong mỗi dịp Cách mạng Tháng Tám, việc tuyên truyền đến cơ sở luôn được chúng tôi chú trọng. Thời gian tới đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin để phục vụ công tác tuyên truyền. Đơn vị có những biện pháp triển khai cụ thể tại trang thông tin điện tử của bảo tàng, fanpage của Facebook. Chúng tôi xây dựng những câu hỏi, tư liệu hình ảnh sinh động để tuyên truyền trên trang fanpgae của bảo tàng, thông qua các kênh thông tin mạng xã hội khác” - ông Nguyễn Đức Lộc cho biết.
Vinh Thông/VOV-Miền Trung