Trải qua hơn nửa thế kỷ, tượng Bác Hồ hướng ra Biển Đông luôn có một vị trí đặc biệt trong trái tim của những người con huyện đảo tiền tiêu Đông Bắc của Tổ quốc nói riêng và cả nước nói chung. Năm nay, kỷ niệm 60 năm ngày Bác Hồ ra thăm quân và dân đảo Cô Tô.
Mùa này, biển trời Cô Tô trong xanh. Những con đường trên đảo hoa sim nở tím. Bà Trần Thị Trác (79 tuổi, sinh sống tại khu 4, thị trấn Cô Tô) vẫn nhớ như in kỷ niệm tròn 60 năm về trước. Khi ấy bà mới 19 tuổi, là nữ dân quân cùng với bộ đội trên đảo được giao nhiệm vụ bảo vệ an ninh trật tự cho buổi đón Bác về thăm quân và dân huyện đảo ngày 9/5/1961. Sáng ngày 9/5, máy bay trực thăng chở Bác đáp đúng vị trí bãi đất trống mà lực lượng dân quân đã đánh dấu bằng những ụ khói rơm xung quanh. Giản dị cùng bộ quần áo sờn vai, Bác vẫy tay chào quân dân huyện đảo.
Bà Trác kể: "Ngày Bác về trông Bác đẹp lắm! Phải có đến hàng nghìn người từ các đảo Thanh Lân, Cô tô về đây cả và mỗi người trên tay cầm một lá cờ sao đỏ để vẫy chào Bác. Lúc đó tháng 5, chưa đến ngày dỡ khoai, mà khi Bác đi thăm ruộng khoai và cầm một dây khoai lên thì được một củ nặng hơn cân. Sau này có dỡ chúng tôi cũng không tìm thấy củ nào to như thế. Rồi Bác ra đồng Muối, ngồi lên guồng đạp và Bác đi thăm chiến sỹ biên phòng.
Bác đi bắt tay các đồng chí cán bộ lãnh đạo của tỉnh, huyện, xã, lãnh đạo các đơn vị lực lượng vũ trang trên đảo, ân cần thăm hỏi sức khỏe các cụ già, hỏi chuyện phụ nữ, chia kẹo cho các cháu thiếu nhi. Bác căn dặn các cán bộ, chiến sĩ và đồng bào Cô Tô rất nhiều, từ việc tăng gia sản xuất, củng cố hợp tác xã đến việc phát triển văn hóa, giữ vững trật tự trị an… Người căn dặn bà con trên đảo: “Thủ đô Hà Nội tuy cách xa các đảo, nhưng Đảng và Chính phủ luôn luôn quan tâm đến đồng bào các đảo và mong đồng bào đoàn kết cố gắng và tiến bộ”.
Với lòng kính trọng dành cho Bác, quân và dân Cô Tô đã xin được dựng tượng Người trên đảo để ngày nào cũng được ngắm nhìn hình ảnh của Bác. Nguyện vọng của người dân trên đảo đã được Bác Hồ đồng ý. Năm 1968, Tượng đài Bác Hồ được nhà điêu khắc Nguyễn Văn Quế cùng các đồng nghiệp bắt tay thực hiện. Đây cũng là nơi duy nhất được Bác Hồ cho dựng tượng khi Người còn sống.
Nơi Bác Hồ gặp gỡ cán bộ nhân dân trên đảo nay đã trở thành Nhà lưu niệm. Nhà lưu niệm Hồ Chủ tịch, nơi Bác từng gặp gỡ cán bộ Cô Tô năm xưa, nay vẫn còn lưu giữ hầu như nguyên vẹn những kỷ vật về Người. Đó là bộ bàn ghế Bác từng ngồi, chiếc tủ đựng đồ đạc của Bác, bộ quần áo Người từng mặc, đôi dép Bác từng đi, chiếc giường đơn sơ Bác từng nghỉ trưa, những hình ảnh Bác ra thăm đảo…
Chị Nguyễn Thị Mến, người dân đảo Cô Tô cho biết: “Không chỉ có ngày lễ, tết hay những chuyến đi biển xa mà những ngày đặc biệt của gia đình như lập gia đình, học hành có thành quả ... chúng tôi đều đến thắp nén hương thơm để báo công người, cầu mong bác phù hộ cho quốc thái dân an, cho mọi việc được thuận lợi. Tượng Bác trên đảo Cô Tô không chỉ là nơi tâm linh, che chở, độ trì cho người dân mà có ý nghĩa đặc biệt, thân thương với người dân huyện đảo. Niềm tự hào lớn nhất của người dân Cô Tô là ngày ngày có bác ở trên đảo.”
Khắc ghi lời Bác, người dân huyện đảo Cô Tô vững vàng bám trụ và xây dựng đảo tiền tiêu. Năm 2013, khi điện lưới quốc gia vượt gần 60 km biển cả với mênh mông bể đá, chính thức thắp sáng huyện đảo tiền tiêu đã đánh dấu bước ngoặt mới trên đảo. Là một trong những thầy giáo đầu tiên ra đảo năm 1982 và gắn bó đến giờ, ông Lê Minh Tân (82 tuổi), sinh sống tại khu 1, thị trấn Cô Tô không khỏi xúc động khi chứng kiến những giờ phút lịch sử.
Ông Lê Minh Tân cho biết: "Lột xác của Cô Tô phải kể đến phát triển kinh tế. Cô Tô hiện không còn người nghèo, có điện, đường, trường, trạm, có đầy đủ cơ sở vật chất và đặc biệt là sự đoàn kết của người dân Cô Tô, những người đã lăn lộn với cuộc sống khó khăn, họ có nhau. Khi có điện tôi viết bài thơ “Cô Tô bừng sáng” để cảm ơn những người Quảng Ninh và đồng bào cả nước đã ủng hộ và yêu thương Cô Tô.”
Có điện lưới, Cô Tô đã giải quyết được 3 bài toán căn cơ để huyện phát triển, đặc biệt là phát triển dịch vụ du lịch. Cứ 3 tiếng có một chuyến tàu cao tốc ra Cô Tô; nguồn nước được xử lý đảm bảo, hạ tầng giao thông được đầu tư, phát triển, y tế, giáo dục được quan tâm phát triển... Những yếu tố này, đã rút ngắn khoảng cách với đất liền đặc biệt là mời gọi được người dân, doanh nghiệp ra làm kinh tế và xây dựng cuộc sống mới.
Chị Hà Thị Thu, một trong những doanh nghiệp đầu tư khách sạn đầu tiên trên đảo cho biết: “Từ khi huyện đảo có điện lưới, hoạt động kinh doanh phát triển hơn. Trước đây chủ yếu là Homestay và nhà nghỉ. Khi có điện tôi quyết định mua lại một nhà nghỉ để đầu tư thành khách sạn 3 sao ngay trung tâm thị trấn. Có điện khách du lịch ra đảo Cô Tô nhiều hơn. Khách năm sau nhiều hơn khách năm trước. Với chúng tôi, Cô Tô giờ như quê hương thứ 2”.
Huyện đảo Cô Tô, từ mảnh đất hoang sơ, nghèo nàn đến nay đã từng bước thay da đổi thịt, là huyện đảo đầu tiên trong cả nước được Chính phủ công nhận là huyện nông thôn mới. Năm 2020, thu nhập bình quân đầu người lên tới 5.000 USD; cơ cấu kinh tế chuyển từ nông nghiệp sang dịch vụ. Phố xá khang trang, những khách sạn, nhà hàng san sát với nhiều loại hình dịch vụ. Cô Tô đang vạm vỡ từng ngày xứng với lời căn dặn lúc Người về thăm.
Trải qua 60 năm, tượng của Bác vẫn đứng hiên ngang trước nắng, gió nơi đảo nhỏ thân yêu, tay Bác luôn vẫn chào hướng ra Biển Đông rộng lớn. Những kỷ niệm về Bác vẫn được quân dân trên đảo trân trọng gìn giữ bằng tất cả tình cảm của mình. Cô Tô hôm nay đang ngày càng phát triển về mọi mặt, xứng đáng với những lời căn dặn của Bác, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân huyện Cô Tô quyết tâm đồng lòng, đoàn kết góp phần đưa Cô Tô trở thành “Hòn ngọc sáng” nơi tiền tiêu Đông Bắc của Tổ quốc./.
Vũ Miền/VOV-Đông Bắc