Chờ cải cách thị trường điện
Theo ông Minh, điều này đòi hỏi cần có những dự báo về lợi nhuận cho các nhà đầu tư, cũng như đảm bảo về giá cả, chính sách thuế, cơ chế thị trường, cùng những dự án điện tái tạo để thực hiện theo kế hoạch đã đề ra.
Chia sẻ tại chuỗi Triển lãm và Hội thảo quốc tế hàng đầu về Giải pháp Năng lượng và Điện (EPV), Hệ thống nhiệt, Thông gió, Điều hoà, Lọc khí và Hệ thống làm lạnh (HVACR) - Hàng hải (INMEX) tổ chức ở Tp.HCM vào ngày 7/9, Ts. Minh nhấn mạnh các chính sách cần phù hợp nhằm tạo sự đột phá trong thu hút đầu tư chuyển đổi nguồn điện ở Việt Nam, qua đó có thể giúp vượt qua các mục tiêu phát triển năng lượng tái tạo.
“Để thu hút đầu tư chuyển đổi năng lượng, quan trọng là chính sách giá điện phù hợp, bảo đảm có lãi hợp lý, các dự án điện tái tạo như điện gió, điện mặt trời sẽ đủ sức hấp dẫn các nhà đầu tư tư nhân. Ngay cả những nhà đầu tư thuộc khu vực Nhà nước cũng cần được hỗ trợ tiếp cận các nguồn tài chính xanh để thu xếp vốn cho các dự án điện tái tạo”, vị giám đốc khoa học của VIET lưu ý.
Cần nhắc thêm, trong chuyến thăm Việt Nam vào thượng tuần tháng 9/2022, ông John Kerry - Đặc phái viên của Tổng thống Hoa Kỳ về biến đổi khí hậu, có khuyến nghị Việt Nam cần đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng. Nhất là cần sản xuất nhiều điện gió và điện mặt trời hơn để giá thành dần giảm xuống. Việt Nam cũng cần xây dựng hệ thống truyền tải cho điện mặt trời và điện gió nhanh hơn.
Theo ông John Kerry, hiện nay 25% công suất của Việt Nam là năng lượng tái tạo, nhưng mới sử dụng khoảng 4%, nghĩa là vẫn còn lãng phí rất nhiều.
Trong thông cáo báo chí ngày 7/9, Tổng lãnh sự quán Hoa Kỳ tại Tp.HCM cho biết Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Đặc phái viên Kerry nhất trí hợp tác sâu rộng nhằm thúc đẩy chuyển đổi sang năng lượng sạch tại Việt Nam.
Đặc phái viên Kerry bày tỏ ý định của Hoa Kỳ trong việc thúc đẩy các nguồn hỗ trợ toàn cầu cho quá trình chuyển đổi năng lượng sạch tại Việt Nam, thông qua hỗ trợ kỹ thuật, và các nỗ lực nhằm huy động nguồn đầu tư công và tư nhân, trong đó bao gồm các khoản hỗ trợ và cho vay ưu đãi.
Cũng theo thông cáo báo chí nêu trên, Việt Nam bày tỏ quyết tâm sớm thông qua Quy hoạch Điện VIII (PDP-8) với lộ trình phát triển ngành điện quốc gia phù hợp với mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050, với các mục tiêu tham vọng về tăng trưởng năng lượng tái tạo; nỗ lực tối đa trong giảm dần điện than. Trong đó bao gồm phát triển thêm hàng chục Gigawatts điện năng lượng tái tạo với mức giá hợp lý từ năm 2030 và đảm bảo an ninh năng lượng.
Đổi mới cách tiếp cận đầu tư
Còn trong báo cáo cập nhật ngành điện tháng 8/2022 của bộ phận phân tích Công ty chứng khoán PSI có cho biết tính lũy kế 7 tháng đầu năm 2022, sản lượng điện năng lượng tái tạo được Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) huy động là khoảng 22.06 tỷ kWh, đứng thứ 3 trong số các nguồn điện huy động, chiếm 14% (tăng 3% so với cùng kỳ năm ngoái) trong tổng sản lượng điện sản xuất toàn hệ thống.
Theo chuyên gia phân tích Nguyễn Minh Quang của PSI, đối với những dự án điện năng lượng tái tạo chưa kịp COD (ngày vận hành thương mại) đúng hạn, các dự án này sẽ sử dụng cơ chế đấu thầu cạnh tranh hoặc sẽ có sự điều chỉnh giảm về giá FiT (biểu giá điện hỗ trợ).
Một đại diện của Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) cho biết tổng công suất đặt của Hệ thống điện Việt Nam là 78,682 MW, trong đó chiếm tỷ trọng cao nhất là nhiệt điện than (32.28%) và thủy điện (22.23%), theo sau là điện mặt trời và điện mặt trời mái nhà (lần lượt 11.28% và 9.86%).
Để xây dựng và chuyển đổi hệ thống lưới điện có tỷ trọng năng lượng tái tạo cao, vị đại diện của Cục Điều tiết điện lực cho rằng cần cân nhắc các vấn đề liên quan đến quá tải lưới điện và tổn thất công suất trong quá trình truyền tải, nguyên tắc huy động khi thừa nguồn, dự báo các nguồn năng lượng tái tạo, cũng như cơ chế phát triển hệ thống pin lưu trữ năng lượng (BESS) đi kèm với năng lượng tái tạo.
Trong việc chuyển đổi nguồn điện, giới chuyên gia quốc tế cho rằng một thách thức lớn của Việt Nam là hệ thống lưới điện cần được nâng cấp và tích hợp thêm giải pháp lưu trữ. Chính phủ Việt Nam cũng cần phải đổi mới cách tiếp cận đầu tư công để nhận được tài chính cho các dự án xanh.
Để Việt Nam trở thành một điểm đến hấp dẫn để đầu tư cho các dự án năng lượng tái tạo trong thời gian tới, giới chuyên gia khuyến nghị cần giữ nguyên biểu giá FIT đối với các dự án có quy mô vừa và nhỏ (ví dụ dưới 10 MW) nhằm hỗ trợ ngành năng lượng tái tạo quốc gia, thúc đẩy sự tạo ra giá trị trong nước, và bảo đảm tính đa dạng của thành phần tham gia. Vấn đề này cần hành động ngay lập tức trong 5 năm tới.
Ngoài ra, trong 5 năm tới cũng cần sử dụng hình thức đấu thầu đối với các dự án năng lượng tái tạo quy mô lớn (ví dụ trên 10 MW) để thu hút đầu tư từ các nhà phát triển dự án quốc tế.
Bên cạnh đó, trong khoảng thời gian 5 - 10 năm tới cần áp dụng hình thức đấu thầu đối với các công nghệ có chi phí đầu tư ít được biết đến và sự cạnh tranh có thể bị hạn chế như thủy điện tích năng, điện mặt trời nổi, điện rác, điện gió ngoài khơi, các hệ thống lưu trữ, hydro.