Tuần qua, câu chuyện xử lý hai cán bộ cấp sở ở Bình Định đi chơi golf trong thời gian giãn cách xã hội bằng hình thức tạm đình chỉ công tác dường như chưa làm dư luận yên lòng. Nếu không “dính” đến ca F0, liệu rằng, Giám đốc Sở Du lịch và Phó cục trưởng Cục Thuế tỉnh Bình Định có bị điểm mặt, chỉ tên hay không?
Và còn bao nhiêu vị cán bộ nữa, trong tình huống “nước sôi, lửa bỏng”, thay vì lao tâm khổ tứ, thay vì chia sẻ và cảm thông với nhân dân, lại sẵn sàng tiêu khiển bằng những thú vui xa xỉ. Nếu những trường hợp như vậy không xử lý nghiêm thì câu chuyện “nêu gương” theo các quy định của Đảng có còn tác dụng?
Những thông tin về sự quá tải của bệnh viện, về số người chết và số người nhiễm mới không ngừng tăng cao. Tất cả những thông tin buồn đau ấy đã làm rơi nước mắt của biết bao người trên khắp mọi miền đất nước. Tục ngữ Việt Nam có câu: “Một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ”. Truyện Kiều của Nguyễn Du cũng viết: “Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”. Hành vi phản cảm của hai vị quan chức trên không chỉ vi phạm pháp luật (quy định về giãn cách xã hội) và vi phạm cả đạo đức tối thiểu của một con người.
Một người bạn nói với tôi rằng, vợ anh là bác sĩ, dù không phải ở nơi tuyến đầu nhưng cũng đầy vất vả. Để bảo đảm an toàn cho gia đình có cha mẹ già và các con nhỏ, chị chấp nhận thuê phòng trọ ở bên ngoài. Có hôm nhớ con quay quắt, anh nói với chị về nhà đứng dưới đất rồi con đứng trên lầu nói chuyện nhưng chị cũng không dám. Anh bảo suốt nửa tháng trời, hết ăn bí xanh rồi chuyển sang ăn bí đỏ và có trái vì để lâu đã bắt đầu hư hoại. Thế nhưng công đoàn đơn vị anh hỗ trợ rau xanh, lương thực, anh không nhận. Lý do mà anh đưa ra là để giúp đỡ những người khó khăn hơn mình bởi gia đình anh vẫn tự lo liệu được, anh muốn chia sẻ nỗi khó khăn, khổ đau với mọi người.
Người bình thường còn nghĩ vậy, huống chi quan chức phải nằm lòng bài học “Lo trước cái lo của thiên hạ, vui sau cái vui của thiên hạ”.
Ngay từ cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên khi nước nhà độc lập (1946), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cảnh báo dân chúng về những ông “quan cách mạng”, kêu gọi cử tri không bầu cho những người đó. Tại một hội nghị về công tác dân vận vào tháng 5/2016, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thẳng thắn gọi tên các ông “quan cách mạng" thời nay: “Trong khi ở nhiều nơi, đời sống nhân dân còn khó khăn, nhiều nhu cầu thiết yếu của quần chúng chưa được đảm bảo thì lại có những cán bộ đảng viên chỉ lo vun vén cá nhân, xoay xở làm giàu, ăn uống chè chén bê tha, thậm chí có người vô trách nhiệm với dân, vô cảm trước những khó khăn, đau khổ của quần chúng”.
Hơn 20 năm trước, trong một bài báo nổi tiếng với tiêu đề “Nỗi thèm khát nóng bỏng”, nhà báo lão thành Trần Bạch Đằng đã viết “Không biết từ khi nào, vua chúa bỗng nhảy bổ vào chúng ta, những người cộng sản”.
Nhà văn Phạm Duy Tốn trong truyện ngắn “Sống chết mặc bay” từ năm 1918 đã vẽ ra chân dung của một quan phụ mẫu vô trách nhiệm, mất nhân tính - đại diện cho giai cấp thống trị lúc bấy giờ. Trong nguy cơ đê bị vỡ, nhân dân ai nấy đều lo lắng sợ hãi, kẻ cuốc, người thuổng tất bật ngược xuối. Những tưởng quan phụ mẫu được cử đi hộ đê sẽ cùng dân bươn bả vượt qua cơn nguy khốn. Thế nhưng, trong bối cảnh ấy, quan phụ mẫu vẫn điềm nhiên chơi tam cúc, để “sống chết mặc bay”.
Nhưng tôi vẫn tin rằng, hai vị quan chức ở tỉnh Bình Định chỉ là số ít, là trường hợp cá biệt. Dịch bệnh đã “có mặt” ở khắp các tỉnh, thành. Hơn 500 ngày qua, cán bộ từ cấp xã, phường đến Trung ương đã phải xoay sở trăm bề để đối phó với những khó khăn “chưa có tiền lệ”. Thực tiễn khắc nghiệt đó cũng giúp nhiều cán bộ thể hiện tài năng, bản lĩnh. Thực tiễn khắc nghiệt đó cũng đào thải nhiều vị cán bộ ham chơi, lơ là chống dịch, thờ ơ với nỗi đau của dân.
Tổng thống Mỹ Abraham Lincoln trong bức thư gửi thầy hiệu trưởng ngôi trường nơi con trai ông theo học, từng viết: “xin thầy hãy dạy cho cháu biết cứ mỗi một kẻ vô lại ta gặp trên đường phố thì ở đâu đó sẽ có những con người chính trực; cứ mỗi một chính trị gia ích kỷ, ta sẽ có một nhà lãnh đạo tận tâm”.
Quy định nêu gương đã có, 27 biểu hiện suy thoái cũng đã được truyền đạt đến cấp ủy cơ sở. Nếu chỉ dừng ở việc khiển trách hay cảnh cáo, e rằng, công cuộc chống dịch sẽ còn xuất hiện thêm những vị “quan cách mạng” vui trước thiên hạ, lo sau thiên hạ./.
Theo VOV.VN