Nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) luôn là vấn đề khó khăn, phức tạp liên quan đến nhiều ban, ngành, địa phương. Mới đây, Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố đã chủ động xây dựng, quán triệt, thực hiện chuyên đề “Triển khai các giải pháp cải thiện, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của thành phố và công tác hỗ trợ doanh nghiệp”.
Theo đó, Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu cho UBND thành phố ban hành bộ tiêu chí đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành, quận, huyện và TP Thủ Đức. Bộ tiêu chí này đã giúp các sở, ban, ngành và UBND các địa phương liên tục đổi mới công tác lập kế hoạch, giám sát triển khai, tăng cường đối thoại với doanh nghiệp, chủ động tiếp cận và hỗ trợ giải quyết những tồn tại, thách thức về thể chế, khung pháp lý, môi trường khởi nghiệp...
Từ đòi hỏi của thực tiễn, các cơ quan phải nỗ lực vươn lên chính mình, tích cực học hỏi, cạnh tranh với các đơn vị khác thông qua những sáng chế đặc thù từng ngành. Qua đó, thành phố cũng khắc phục tư tưởng “cha chung không ai khóc” và các biểu hiện làm việc cầm chừng, thiếu nhạy bén, né tránh, đùn đẩy công việc hoặc không dám làm của một số cơ quan, cán bộ, nhân viên; tạo động lực khơi thông nguồn lực cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao chỉ số PCI cấp tỉnh của thành phố. Năm 2022, Sở Kế hoạch và Đầu tư được UBND thành phố tặng bằng khen.
Công chức quận Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh hỗ trợ người dân giải quyết thủ tục hành chính. |
Thời gian qua, quận 7 thực hiện mô hình “Tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện nâng cấp, mở rộng hẻm”. Kết quả từ năm 2020 đến nay, địa phương vận động người dân hiến được hơn 3.000m2 đất, nâng cấp, mở rộng 26 tuyến hẻm đạt độ rộng hơn 4m. Tổng kinh phí xây dựng hơn 30 tỷ đồng, trong đó, cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và nhân dân tự nguyện đóng góp hơn 12 tỷ đồng. Đạt được kết quả này, trước hết, cấp ủy, hệ thống chính trị phải đồng thuận, thống nhất cao về tư tưởng và hành động.
Từng khu phố tổ chức quán triệt, vận động đến đâu thực hiện ngay đến đó, giúp người dân thấy được ngay lợi ích chung của cộng đồng gắn với lợi ích riêng của từng gia đình nên mọi người tích cực tham gia. Quá trình thực hiện, người dân được tham gia quyết định quy mô thực hiện, giá trị xây dựng cũng như việc giám sát thi công; đồng thời hỗ trợ các gia đình thực hiện tốt thủ tục cấp giấy phép xây dựng, sửa chữa nhà, cấp số nhà, bảo đảm hài hòa lợi ích của cá nhân và tập thể.
Còn tại quận Gò Vấp, thực hiện theo chuyên đề “Ứng dụng thanh toán điện tử trong giải quyết thủ tục hành chính”; khối các trường đại học có mô hình “Thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo”; Sở Y tế có chuyên đề “Đối thoại, lắng nghe ý kiến người dân về cung ứng và dịch vụ sức khỏe”...
Theo đồng chí Nguyễn Hồ Hải, Phó bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh, các chuyên đề tập trung giải quyết kịp thời những việc khó, bức xúc, vướng mắc của người dân và doanh nghiệp cũng như triển khai hiệu quả các chủ trương mới của Đảng. Các chuyên đề vừa mang tính tiêu biểu vừa mang tính phổ biến, tạo sức lan tỏa sâu rộng, khơi dậy tính năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm của cán bộ, đảng viên, công chức, đưa ra nhiều giải pháp, sáng kiến thiết thực, hiệu quả nhằm hoàn thành nhiệm vụ của mỗi cơ quan, đơn vị, góp phần hoàn thành các chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội của thành phố.
Nguồn QĐND