Hết tháng 7/2023, các ngân hàng thương mại mới thực hiện hỗ trợ lãi suất khoảng 681 tỷ đồng, tức giải ngân được khoảng 1,7% tổng quy mô gói hỗ trợ 40.000 tỷ đồng cho gần 2.100 khách hàng, rất chậm so với yêu cầu đề ra.
Một trong những lý do lớn nhất khiến DN không mặn mà với gói hỗ trợ này chính là tâm lý e ngại đối với các thủ tục hậu kiểm, thanh tra, kiểm toán của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Vì đây là hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước, nên việc bị thanh tra, kiểm tra là khó tránh.
Đặc biệt, tiêu chí đánh giá để hỗ trợ lãi suất là khách hàng phải "có khả năng phục hồi". Nhiều DN phản ánh, dù họ có khả năng trả nợ nhưng cũng không chắc chắn mình đáp ứng tiêu chí này hay không. Trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều bất ổn, ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN trong nước, nên việc đánh giá khả năng phục hồi của khách hàng là rất khó khăn. Do đó, cả ngân hàng thương mại và DN đều e ngại sẽ bị các cơ quan thanh tra, kiểm tra sau này đánh giá "trục lợi chính sách".
Bên cạnh đó, phạm vi đối tượng thụ hưởng chính sách hạn chế, chỉ có 11 ngành nghề mà đây là những ngành nghề đang gặp nhiều khó khăn, khả năng thu hồi vốn thấp. Do đó, cần rà soát lại các đối tượng và mở rộng lĩnh vực, ngành nghề được thụ hưởng chính sách hỗ trợ lãi suất.
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ước tính, nếu lũy kế đến hết năm nay, thì số tiền hỗ trợ cũng chỉ đạt khoảng 2.570 tỷ đồng, tương đương khoảng 6,5% tổng gói 40.000 tỷ đồng. Tức là còn hơn 90% ngân sách hỗ trợ vẫn nằm trên giấy, không thể đến tay DN.
NHNN cũng đã có văn bản gửi Bộ KH&ĐT về kết quả triển khai chương trình này để có cơ sở xây dựng phương án đề xuất cấp có thẩm quyền điều chỉnh nhiệm vụ chi hỗ trợ lãi suất không sử dụng hết sang hình thức, chính sách hỗ trợ khác có khả năng triển khai, còn dư địa.
Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam năm 2023 đánh giá, "nền kinh tế đang khô hạn, DN đang kiệt sức". Việc hỗ trợ lãi suất 2% có tác dụng thế nào, tác dụng đến đâu, nếu mà chúng ta thấy không tác dụng có thể chuyển hướng sang mục đích khác vì hiện nay lãi suất huy động, lãi suất cho vay đã giảm nhiều, trong khi thanh khoản hệ thống ngân hàng dư thừa. Chính vì vậy, cần chuyển đổi gói hỗ trợ, để nguồn lực này cho một chương trình khác, vẫn mang tính chất hỗ trợ DN.
Đơn cử như miễn giảm thuế, phí cho DN hoặc chuyển quỹ bảo lãnh cho DN nhỏ và vừa Việt Nam; hay dành nguồn lực cho thúc đẩy đầu tư công, hỗ trợ xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở công nhân… Tuy nhiên, dù chuyển sang bất kỳ chương trình hỗ trợ nào thì bài toán lớn nhất vẫn là một cơ chế tốt, thông thoáng, điều kiện thủ tục thuận lợi để DN có thể tiếp cận một cách nhanh nhất. Nếu không, DN lỡ cơ hội phục hồi mà nguồn lực ngân sách Nhà nước lại bị lãng phí./.
Theo Kinh tế và Đô thị