Tham dự hội nghị có Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh; các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng, bộ trưởng các bộ, ngành; đại diện lãnh đạo các cơ quan của Trung ương Đảng, Quốc hội và Bộ Tư pháp.
Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tuyến đến điểm cầu 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Thủ tướng Phạm Minh Chính, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long và các thứ trưởng Bộ Tư pháp đồng chủ trì hội nghị tại điểm cầu Trung ương.
Dự tại điểm cầu thành phố Hà Nội có Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hà Nội Lê Hồng Sơn.
Rà soát 29.955 văn bản quy phạm pháp luật
Báo cáo kết quả công tác Tư pháp năm 2021 cho biết, trong công tác xây dựng pháp luật, toàn ngành Tư pháp đã tập trung rà soát được 29.955 văn bản quy phạm pháp luật, giảm 9% so với năm 2020, kiến nghị sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ hoặc ban hành mới đối với 5.581 văn bản (tăng 15,9% so với năm 2020).
Mặc dù dịch Covid-19 gây trở ngại trên nhiều mặt cho việc thực hiện quyền yêu cầu thi hành án của người dân, doanh nghiệp và tác nghiệp tại cơ sở của Chấp hành viên, nhưng các cơ quan thi hành án dân sự đã nỗ lực thi hành xong 493.971 việc với hơn 45.705 tỷ đồng, trong đó có hơn 4.000 tỷ đồng từ các vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo trung ương về Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi.
Năm 2022, ngành Tư pháp sẽ tập trung tham mưu thể chế hóa những định hướng chính sách lớn, then chốt trong văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Đồng thời, tham mưu thực hiện hiệu quả, bảo đảm tiến độ, chất lượng định hướng xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV và Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022 của Quốc hội. Tập trung tham mưu về công tác thể chế và giải quyết các vấn đề pháp lý bảo đảm thực hiện Chiến lược phòng, chống dịch bệnh Covid-19 và Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19”.
Ngành Tư pháp cũng tổ chức thi hành hiệu quả văn bản quy phạm pháp luật, nhất là các luật, pháp lệnh, nghị quyết mới được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua và “chùm” nghị định quy định chi tiết Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính.
Tổ chức thực hiện hiệu quả các nội dung sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự khi được Quốc hội thông qua. Phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu thi hành án dân sự được Quốc hội giao năm 2022; bảo đảm 100% bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của tòa án về vụ án hành chính được theo dõi thi hành theo quy định của Luật Tố tụng hành chính.
Tại hội nghị, lãnh đạo một số đơn vị, địa phương đã thảo luận về công tác Tư pháp năm qua, đồng thời, đề xuất, kiến nghị nâng cao hiệu quả công tác năm 2022.
Phát biểu thảo luận tại hội nghị, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long khẳng định, thời gian qua, ngành Tư pháp đã có nhiều nỗ lực trong công tác xây dựng pháp luật, từ đó tạo hành lang pháp lý vững chắc để triển khai công tác phòng, chống dịch Covid-19.
“Bộ Y tế đang tham mưu Chính phủ trình Quốc hội sửa đổi một số luật liên quan đến lĩnh vực y tế, hình thành hệ thống pháp luật cho sự đổi mới của ngành cũng như nâng cao hiệu quả công tác khám, chữa bệnh, bảo vệ sức khỏe nhân dân”, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nói.
Về ban hành các chính sách hỗ trợ người lao động gặp khó khăn trong đại dịch Covid-19, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, những chính sách hỗ trợ trong thời gian qua là chưa có tiền lệ nhưng đều được xây dựng khẩn trương, bảo đảm tuân thủ các quy định về ban hành văn bản quy phạm pháp luật với nội dung dễ hiểu, dễ áp dụng trong thực tế; từ đó, nâng cao hiệu quả hỗ trợ người dân, doanh nghiệp vượt qua khó khăn, phục hồi, phát triển kinh tế.
Môi trường pháp lý phải hỗ trợ cho phát triển
Phát biểu chỉ đạo và kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính biểu dương, đánh giá cao những kết quả ngành Tư pháp đã đạt được trong năm 2021. Thủ tướng cũng chỉ ra các nguyên nhân cơ bản để có được những kết quả: Chấp hành nghiêm sự lãnh đạo của Đảng, Chính phủ trong cụ thể hóa đường lối, chủ trương; toàn ngành đã đoàn kết, thống nhất, nỗ lực cố gắng vươn lên, với sự gương mẫu của người đứng đầu và có sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa các bộ, ngành, địa phương.
Chỉ ra một số hạn chế, bất cập trong công tác tư pháp năm 2021, đồng thời nhận định, năm 2022, khó khăn, thách thức nhiều hơn thuận lợi, là năm bản lề quan trọng thực hiện Nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025, Thủ tướng Chính phủ lưu ý, đòi hỏi của nhân dân, của thực tiễn về môi trường pháp lý ngày càng cao hơn.
“Môi trường pháp lý phải hỗ trợ cho sự phát triển, khắc phục những hạn chế, bất cập mà chúng ta đã gặp phải, giải quyết những khó khăn do diễn biến tình hình mới có thể phát sinh”, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh.
Từ đó, Thủ tướng đề nghị ngành Tư pháp phải nâng cao nhận thức, vai trò, vị trí, tầm quan trọng của công tác xây dựng thể chế để có môi trường pháp lý thuận lợi, phù hợp với tình hình đất nước, xu thế của thời đại, giải quyết được những vướng mắc trong thực tiễn.
Nhấn mạnh quyền con người phải được thực thi trong môi trường pháp lý, môi trường dân chủ, môi trường Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, Thủ tướng cho rằng, phải thấm nhuần quan điểm của Đảng về phát huy giá trị con người Việt Nam, lấy người dân, doanh nghiệp làm chủ thể, làm trung tâm trong xây dựng và thực thi pháp luật.
Thủ tướng cũng yêu cầu, ngành Tư pháp nhanh chóng thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng trên cơ sở bám sát thực tiễn, bảo đảm tính khả thi, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của đất nước, từ đó tháo gỡ được những “nút thắt” về mặt thể chế.
“Đa số đồng tình ủng hộ thì luật hóa, cái gì thực tiễn còn băn khoăn, vướng mắc chưa rõ, chưa "chín" thì mạnh dạn làm thí điểm, vừa làm vừa hoàn thiện dần, không cầu toàn, không nóng vội”, đồng chí Phạm Minh Chính nhấn mạnh.
Thủ tướng cũng đề nghị, cần tăng cường hơn nữa sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng và thực thi của các cấp chính quyền, tranh thủ sự ủng hộ của người dân và doanh nghiệp trong xây dựng, phổ biến, thực thi và giám sát pháp luật. Đồng thời, đầu tư hơn nữa cho công tác xây dựng thể chế, xem việc đầu tư xây dựng thể chế như đầu tư phát triển, đặc biệt là đầu tư nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, bảo đảm cơ sở vật chất, chế độ, chính sách tương xứng cho đội ngũ cán bộ ngành Tư pháp, từ đó sẽ khắc phục hai vấn đề còn tồn tại là chất lượng và tiến độ xây dựng thể chế.
Bên cạnh đó, Bộ Tư pháp cũng cần tăng cường tiến độ, chất lượng thi hành án dân sự, thu hồi tài sản theo chỉ đạo của Ban Bí thư Trung ương Đảng; tăng cường xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở Đảng và đảng viên; xây dựng bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả gắn với cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của ngành Tư pháp.
Thủ tướng yêu cầu ngành Tư pháp tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, cắt giảm thủ tục hành chính để giải phóng nguồn lực, phục vụ người dân, doanh nghiệp; phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm ngay từ công tác xây dựng thể chế; tăng cường phân cấp, phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm đi đôi với phân bổ nguồn lực hợp lý và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
“Bộ Tư pháp cần nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, tranh thủ trí tuệ của các nhà khoa học, chuyên gia, các hội, tổ chức chính trị - xã hội, tham khảo kinh nghiệm quốc tế trong xây dựng pháp luật”, Thủ tướng nói.
Nhân dịp này, thừa ủy quyền của Chủ tịch nước, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã trao tặng Huân chương Lao động các hạng và Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho các tập thể, cá nhân có thành tích trong công tác tư pháp thời gian qua.
Theo Hanoimoi.com.vn