Dự Hội nghị có PGS,TS Hoàng Phúc Lâm, Phó Giám đốc Học viện; đồng chí Bùi Trường Giang, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; đại diện Ban Tổ chức Trung ương, Bộ Nội vụ; lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.
PGS,TS Nguyễn Duy Bắc, Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Giám đốc Học viện dự và chủ trì Hội nghị.
Quá trình xây dựng tiêu chí trường chính trị chuẩn
Báo cáo về kết quả triển khai xây dựng Dự thảo Quy định về tiêu chí trường chính trị chuẩn và quy trình công nhận trường chính trị chuẩn, TS Nguyễn Thị Thanh Nhàn, Vụ trưởng Vụ các trường chính trị cho biết:
Năm 2014, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đã giao cho Vụ Các trường chính trị nghiên cứu đề tài cấp bộ: “Cơ sở lý luận và thực tiễn xây dựng mô hình chuẩn trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương” để làm cơ cở cho việc xây dựng các tiêu chí trường chính trị chuẩn. Từ kết quả nghiên cứu của đề tài, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh có Công văn số 736/HVCTQG-TCT ngày 23/6/2017 gửi các trường chính trị cấp tỉnh về việc “lấy ý kiến đóng góp dự thảo Quyết định về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; bộ tiêu chí trường chuẩn và quy trình công nhận trường chính trị chuẩn”.
Sau khi tiếp thu ý kiến của các trường chính trị cấp tỉnh, ngày 24/7/2017, Học viện có Tờ trình số 268/TTr-HVCTQG trình Ban Bí thư dự thảo Quy định tiêu chí trường chính trị chuẩn và quy trình công nhận trường chính trị chuẩn. Tuy nhiên, khi đó đang tiến hành tổng kết 10 năm thực hiện Quyết định số 184-QĐ/TW ngày 3/9/2008 về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nên việc xây dựng tiêu chí trường chính trị chuẩn phải chờ quy định chính thức. Ngày 13/11/2018, Ban Bí thư ban hành Quy định số 09-QĐi/TW về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thay thế Quyết định số 184-QĐ/TW.
Ngày 15/9/2019, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp với Tỉnh ủy Thanh Hóa tổ chức Hội thảo khoa học cấp Bộ tại Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa với chủ đề “Xây dựng trường chính trị chuẩn đáp ứng yêu cầu đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và nghiên cứu khoa học trong giai đoạn hiện nay". Hội thảo có sự tham gia của 63/63 trường chính trị cấp tỉnh.
Từ các ý kiến của Hội thảo, Học viện xây dựng dự thảo các tiêu chí trường chính trị chuẩn. Ngày 23/12/2019, Học viện có Tờ trình số 1076-TTr/HVCTQG trình Ban Bí thư dự thảo Quy định tiêu chí trường chính trị chuẩn và quy trình công nhận trường chính trị chuẩn. Dự thảo đã được Văn phòng Trung ương lấy ý kiến các cơ quan liên quan, như: Ban Tổ chức Trung ương, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Nội vụ (ý kiến lần thứ nhất và lần thứ hai).
Tiếp thu ý kiến góp ý của các ban Đảng Trung ương, Học viện đã hoàn thiện dự thảo các tiêu chí trường chính trị chuẩn và trình Ban Bí thư xin chủ trương về việc xây dựng Quy định tiêu chí trường chính trị chuẩn và quy trình công nhận trường chính trị chuẩn (tại Công văn số 1111-CV/HVCTQG).
Ngày 15/9/2020 Văn phòng Trung ương Đảng có Công văn số 13210-CV/VPTW thông báo ý kiến của đồng chí Thường trực Ban Bí thư đồng ý về chủ trương để Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh xây dựng Quy định tiêu chí trường chính trị chuẩn và quy trình công nhận trường chính trị chuẩn.
Triển khai chủ trương của Ban Bí thư, ngày 26/11/2020, Học viện đã ban hành Đề án số 406-ĐA/HVCTQG xây dựng Quy định tiêu chí trường chính trị chuẩn và quy trình công nhận trường chính trị chuẩn.
Đại biểu tham luận tại Hội nghị
Xây dựng các trường chính trị chuẩn đáp ứng yêu cầu đổi mới
Định mức tính của các chỉ số trong tiêu chí của trường chính trị chuẩn được xác định trên cơ sở khảo sát 63 trường chính trị về đội ngũ cán bộ, giảng viên, viên chức; đội ngũ ban giám hiệu; đội ngũ trưởng, phó trưởng khoa; đội ngũ trưởng, phó trưởng phòng; đội ngũ giảng viên không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý; hoạt động đào tạo, bồi dưỡng từ 2015 đến nay; hoạt động nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn từ 2015 đến nay; cơ sở vật chất - kỹ thuật, tài chính... vừa bảo đảm phù hợp với điều kiện thực tế của các trường chính trị, vừa phù hợp với các quy định hiện hành nhằm tạo mục tiêu, động lực để các trường phấn đấu. Đối với nội dung Tiêu chí trường chính trị chuẩn trong dự thảo Quy định có 02 mức: tiêu chí đánh giá trường chính trị chuẩn mức 1 và 2.
Phát biểu tại hội nghị, các đại biểu đánh giá cao sự công phu, tính khoa học trong soạn thảo và xây dựng dự thảo Quy định về tiêu chí trường chính trị chuẩn; và dành nhiều thời gian tham luận, góp ý nội dung dự thảo, góp ý cụ thể về các tiêu chí, tiêu chuẩn và số lượng, nội dung công tác đào tạo, bồi dưỡng và nghiên cứu khoa học, tính khả thi của các tiêu chí trên thực tế...
Đối với các tiêu chí về đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, Ban Tổ chức Trung ương đề nghị bổ sung quy định tiêu chí về đội ngũ cán bộ, viên chức làm công tác tham mưu, phục vụ; các tiêu chí phải đảm bảo tính khả thi và phù hợp với đặc thù đối tượng, vị trí việc làm.
Đối với thời hạn triển khai, ý kiến đến từ Ban Tuyên giáo Trung ương đề nghị Ban soạn thảo cần nghiên cứu bổ sung thời hạn các trường phải đạt chuẩn để các tỉnh, thành ủy và các trường làm căn cứ xây dựng kế hoạch tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, kế hoạch nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn, đầu tư cơ sở vật chất, v.v.. Ý kiến đến từ Bộ Nội vụ đề nghị Ban soạn thảo bổ sung Bộ Nội vụ vào quy trình tham gia thẩm định trường chính trị chuẩn theo đúng vị trí, chức năng.
Ghi nhận, đánh giá cao các ý kiến trao đổi, góp ý tại Hội nghị, phát biểu kết luận, PGS,TS Nguyễn Duy Bắc, Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Giám đốc Học viện cho biết, dự thảo Quy định về tiêu chí và quy trình công nhận trường chính trị đạt chuẩn được xây dựng công phu, khoa học, đảm bảo tính thực tiễn trên cơ sở khảo sát 63 trường chính trị trên cả nước. PGS,TS Nguyễn Duy Bắc yêu cầu Ban soạn thảo nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến góp ý tại Hội nghị hôm nay để hoàn thiện và tiếp tục xin ý kiến các ban, bộ, ngành Trung ương, các tỉnh ủy, thành ủy trước khi trình Ban Bí thư ban hành./.