Các trường có thể tổ chức cho các em đi thực tế sau mỗi bài học lịch sử để các sự kiện, con số khô khan trở nên dễ hiểu, dễ nhớ
Nghỉ lễ 30.4 và 1.5 thay vì cho con đi du lịch thì chị tôi lại chọn đưa cả gia đình đến Bảo tàng tỉnh. Trước khi đến đây, chị cùng các con dành thời gian tìm hiểu về chiến thắng 30.4 nên khi xem các kỷ vật chiến tranh được trưng bày, các cháu khá thích thú. Theo quan điểm của chị, lịch sử là môn chính hay tự chọn không đáng lo ngại bằng việc các con chị không biết, không hiểu lịch sử. Chị cho rằng nếu không thích môn lịch sử thì dù có là môn bắt buộc các con cũng học theo kiểu đối phó; sợ và chán học môn này cũng dễ hiểu.
Điều mà chị tôi nói tới cũng là vấn đề mà nhiều người đang tranh luận hiện nay khi chương trình giáo dục phổ thông tổng thể mới được phê duyệt từ năm 2018 được áp dụng. Theo đó, từ lớp 10, học sinh chỉ học 7 môn và hoạt động bắt buộc gồm: ngữ văn, toán, ngoại ngữ 1, giáo dục thể chất, giáo dục quốc phòng - an ninh, hoạt động trải nghiệm - hướng nghiệp và giáo dục của địa phương.
Ngoài ra, học sinh lựa chọn 5 môn khác từ ba nhóm môn, mỗi nhóm ít nhất một môn: khoa học xã hội (lịch sử, địa lý, giáo dục kinh tế và pháp luật); khoa học tự nhiên (vật lý, hóa học, sinh học); công nghệ và nghệ thuật (công nghệ, tin học, nghệ thuật-âm nhạc và mỹ thuật). Như vậy, trừ ngữ văn, toán, ngoại ngữ là bắt buộc, các môn còn lại bình đẳng như nhau, đều được tự chọn.
Một số người cho rằng việc đưa môn lịch sử vào nhóm tự chọn không có gì đáng ngại và cần thiết bởi học sinh THPT bắt đầu học theo hướng chuyên sâu. Tuy nhiên không ít ý kiến lại lo làm như vậy sẽ có nhiều học sinh không chọn môn lịch sử. Nhiều bạn trẻ sẽ không biết đến nguồn gốc, những cống hiến, hy sinh của cha ông để có được cuộc sống hôm nay.
Thực tế mấy năm gần đây ngày càng có nhiều học sinh không thích môn sử. Nhiều em bày tỏ môn học này toàn những sự kiện, con số khô khan. Nhiều học sinh rất sợ khi phải học hay thi môn sử. Minh chứng là tại kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021, toàn tỉnh có hơn 15.000 thí sinh đăng ký dự thi bài thi tổ hợp xã hội (gồm các môn lịch sử, địa lý, giáo dục công dân) thì có hơn 7.600 bài thi dưới 5 điểm, chiếm gần một nửa số em dự thi, thậm chí có thí sinh chỉ đạt 0,75 điểm. Kết quả đáng buồn này của môn sử xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Trước hết từ chính nội dung mà các em đang được học hiện nay.
Mặc dù so với trước đây, sách giáo khoa môn lịch sử đã có sự thay đổi nhưng không nhiều. Vẫn còn nhiều những con số khô khan và những sự kiện khó nhớ. Phương pháp dạy môn lịch sử của giáo viên mặc dù cũng đã đổi mới so với trước nhưng vẫn chưa có đột phá để tạo sự hứng thú cho các em.
Để môn lịch sử không bị học sinh bỏ qua khi là môn tự chọn thì cần sự đột phá trong phương pháp dạy. Thay vì bắt các em phải thẩm thấu những con số, sự kiện khô khan thì các thầy cô có thể giúp các em học sử như xem một bộ phim tài liệu. Thầy cô chính là những người truyền cảm hứng cho học sinh thích thú với môn học. Thay vì đọc chép để học thuộc lòng, các trường cho các em đi thực tế, từ đó liên hệ với sự kiện, vấn đề mình đã học. Thời đại của công nghệ thông tin, giáo viên không thể cứ duy trì mãi phương pháp dạy lịch sử truyền thống mà cần linh hoạt phối hợp nhiều cách khác nhau như xem video, phim tài liệu, học trên bản đồ, mô hình.
“Dân ta phải biết sử ta/Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam", lời căn dặn của Bác Hồ mong muốn mỗi người dân Việt Nam phải nắm vững lịch sử, từ đó nhân lên niềm tự hào dân tộc, tinh thần yêu nước... Để không quên quá khứ, khơi dậy niềm tự hào dân tộc, tạo động lực phát triển hướng tới tương lai mà không bị "hoà tan" thì môn sử cần được thay đổi phương pháp tiếp cận nhằm thu hút học sinh. Vấn đề này cần bàn luận nhiều hơn là chuyện lịch sử là môn bắt buộc hay môn tự chọn./.
Theo Báo Hải Dương