Phát biểu tại lễ công bố báo cáo, Phó Tổng thư ký Liên Hợp Quốc về các vấn đề kinh tế và xã hội Lưu Chấn Dân cho rằng tiến trình hồi phục kinh tế toàn cầu vẫn còn mong manh và không đồng bộ. Động lực tăng trưởng có được trong năm 2021 đang bắt đầu chậm lại từ hồi cuối năm ngoái. Điều này có thể thấy rõ ở các nền kinh tế lớn trên thế giới như Trung Quốc, Liên minh châu Âu và Mỹ.
Theo lý giải của Liên Hợp Quốc, nguyên nhân là do các biện pháp kích thích tiền tệ tài chính bắt đầu giảm dần và tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng lại nổi lên trong bối cảnh nhiều làn sóng lây nhiễm Covid-19 vẫn đang tiếp diễn.
Tác động của đại dịch cộng với áp lực lạm phát ngày càng cao ở các nền kinh tế phát triển và một số nền kinh tế đang phát triển đang tạo ra nhiều thách thức đe dọa tiến trình phục hồi toàn cầu, đặt ra nguy cơ về khoảng cách bất bình đẳng giữa các nước ngày càng xa hơn. Theo báo cáo, số người sống trong tinh trạng cực kỳ nghèo khó dự kiến sẽ tiếp tục cao hơn so với mức trước khi xảy ra đại dịch. Tỷ lệ nghèo đói đặc biệt tăng ở các nền kinh tế dễ bị tổn thương nhất như ở châu Phi.
Trước viễn cảnh này, Liên Hợp Quốc dự báo, nền kinh tế toàn cầu dự kiến sẽ chỉ tăng trưởng 4% trong năm 2022, thấp hơn so với mức 5,5% của năm 2021 và tới năm 2023 sẽ chỉ còn 3,5%.
“Số lượng việc làm tạo ra hiện nay vẫn chưa thể bù đắp cho những thiệt hại do thâm hụt việc làm đã bị mất đi. Điều này tác động mạnh đến phụ nữ và thanh thiếu niên. Bên cạnh đó, sự lây lan của biến chủng mới của Covid-19, những thách thức về nguồn cung, lạm phát gia tăng nhanh chóng ở nhiều nơi trên thế giới và những thách thức nợ nần chồng chất đang che phủ triển vọng kinh tế toàn cầu.
Tất cả những yếu tố này đe dọa làm chậm lại, thậm chí đảo ngược những thành quả rất khó mới có thể đạt được của chương trình nghị sự phát triển bền vững đến năm 2030” - Phó Tổng thư ký Liên Hợp Quốc về các vấn đề kinh tế và xã hội Lưu Chấn Dân nói.
Để vượt qua khó khăn hiện nay và tránh những hậu quả đáng tiếc lâu dài trong dài hạn đối với nền kinh tế và xã hội, Liên Hợp Quốc đề ra một số giải pháp như đảm bảo tiếp cận vaccine bình đẳng trên toàn cầu, giảm căng thẳng thương mại, giảm phát thải cacbon.
“Chúng ta cần tránh những vết sẹo trong dài hạn. Chúng ta đang ở thời điểm mấu chốt trong lịch sử. Những quyết định mà chúng ta thực hiện và triển khai ngày hôm nay sẽ tác động sâu sắc đến các thế hệ tương lai và định hình vận mệnh chung của chúng ta” - Phó Tổng thư ký Liên Hợp Quốc cho biết.
Báo cáo của Liên Hợp Quốc công bố chỉ 2 ngày sau báo cáo triển vọng kinh tế toàn cầu của Ngân hàng Thế giới, cũng đưa ra những kết luận tượng tự./.
Hồng Nhung/VOV1