Theo ông Asbjørn Warvik Rørtveit, Giám đốc khu vực Đông Nam Á của Hội đồng Hải sản Na Uy, năm 2022, tổng sản lượng thủy sản xuất khẩu của Na Uy chỉ đạt hơn 2,9 triệu tấn, giảm so với năm 2021, nhưng giá trị xuất khẩu đạt hơn 14,5 tỷ USD, tăng hơn 25%. Có được kết quả này là do Na Uy đã phát triển giá trị thủy sản xuất khẩu từ nuôi trồng (chiếm 55% giá trị xuất khẩu) mặc dù sản lượng của nó chỉ chiếm khoảng 27% tổng sản lượng của ngành.
Từ câu chuyện thủy sản của Na Uy, ông Nguyễn Hoàng Anh, Chủ tịch Công ty Đầu tư thủy sản Nam miền Trung, cho rằng, vấn đề gia tăng giá trị sản phẩm thủy sản xuất khẩu cần phải được tính toán nhiều hơn, nhưng trước hết ngành thủy sản cần phát triển chuỗi liên kết nâng tầm sản phẩm và việc này phải bắt đầu từ chính các “mắt xích” trong chuỗi sản xuất. Phải cân đối được chi phí, lợi ích người dân - doanh nghiệp để đôi bên cùng có lợi; cần cấu trúc sản phẩm có đầy đủ tiêu chuẩn, tiêu chí và có dự báo sản lượng cụ thể để thủy sản không “đau đầu” với câu chuyện được mùa - mất giá, hay ngược lại.
Còn theo đại diện Vụ Nuôi trồng thủy sản (Tổng cục Thủy sản), chỉ riêng về ngành tôm, cả nước hiện có khoảng 700.000ha diện tích nuôi, nhưng có tới gần 500.000 cơ sở. Rõ ràng với quy mô 1,5ha/cơ sở như hiện nay thì nếu không có sự liên kết, ngành tôm sẽ gặp nhiều khó khăn...
Trong khi đó, ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam, cho rằng, để nâng cao giá trị thủy sản Việt thì các sản phẩm cần đáp ứng những yếu tố: sản phẩm an toàn, tốt cho sức khỏe, thân thiện với môi trường và phải độc đáo mang tính địa phương. Và để làm được điều đó thì các đơn vị phải bắt tay nhau tạo ra những mô hình khép kín, tận dụng được cả những phụ phẩm để kéo giảm chi phí sản xuất, tăng sức cạnh tranh cho hàng hóa. Bên cạnh đó, yếu tố an toàn thực phẩm, đa dạng các mặt hàng, nhất là chế biến sâu và xây dựng các thương hiệu mạnh cũng cần được quan tâm, chú trọng.
Nguồn SGGP