Mô hình liên kết ngang
Là liên kết giữa các hộ nông dân, giữa các trang trại VAC với nhau thành đơn vị kinh tế tập thể như HTX, tổ hợp tác, nhóm sở thích… Mô hình này xuất hiện ở nhiều nơi, các hộ nông dân, các trang trại tự nguyện góp ruộng, vườn, góp vốn điều lệ, vốn lưu động hàng trăm triệu đồng để sản xuất kinh doanh, sản phẩm làm ra bảo đảm an toàn thực phẩm, tiêu thụ được trong và ngoài nước.
Điển hình là mô hình hợp tác xã (HTX) trang trại nuôi trồng thủy sản nước lợ Mắt Rồng xã Lập Lễ - Thủy Nguyên, Hải Phòng: HTX liên kết trên 65 trang trại nuôi cá vược nước lợ ở Lập Lễ với tổng diện tích ao đầm là 210 ha, tổ chức theo hình thức doanh nghiệp, có giám đốc, phó giám đốc, Ban kiểm tra…
Cơ sở chế biến thức ăn cho cá của HTX trang trại nuôi trồng thủy sản nước lợ Mắt Rồng xã Lập Lễ, huyện Thủy Nguyên, Tp Hải Phòng. Ảnh: Kinh tế nông thôn
Do thống nhất quy trình nuôi VietGAP, được tập huấn kỹ thuật, nhất là đào ao sâu về phía Bắc chắn gió bờ Bắc, chống được gió rét nên cá không bị chết rét, chất lượng cá tốt, có dán tem truy xét nguồn gốc, hàng năm thu 2.000 tấn cá vược, hiệu quả cao gấp 7- 10 lần trồng lúa.
Mô hình liên kết dọc
Liên kết giữa các HTX với các doanh nghiệp lớn, vừa và nhỏ để phân bổ hài hòa lợi ích và rủi ro giữa các tác nhân. Liên kết phải xuất phát từ quan điểm phát triển theo chuỗi giá trị nông sản, phải chú ý thống nhất và đồng bộ tất cả các khâu từ sản xuất tới tiêu dùng.
Doanh nghiệp đầu tư vốn, cung cấp giống tốt, kỹ thuật vật tư cho sản xuất, tiến hành chế biến, tiêu thụ sản phẩm cho HTX. HTX góp vườn, ruộng, lao động, tập trung ruộng đất quy hoạch lại thành những diện tích lớn, sản phẩm đủ lớn thành hàng hóa được doanh nghiệp thu mua, chế biến và tiêu thụ.
Điển hình là HTX Tứ Đại huyện Hoành Bồ, tỉnh Quảng Ninh liên kết với Tập đoàn Vingroup qua hệ thống tiêu thụ Vinmart. Công ty VinEco (thành viên của tập đoàn Vingroup) hướng dẫn các quy trình sản xuất an toàn thực phẩm và kiểm tra nguồn nước, đất, môi trường xung quanh, cũng như chất lượng từng loại quả… HTX đã cung cấp 60 tấn quả/năm, riêng ổi Đài Loan 40 tấn doanh thu 3 tỷ đồng/năm.
HTX Tứ Đại trồng cam Vinh trên đất Quảng Ninh. Ảnh: Báo Quảng Ninh
HTX Anh Đào ở Đà Lạt - Lâm Đồng gồm 80 hộ nông dân liên kết sản xuất rau quả với tổng diện tích 270ha, tổng số lao động cả cố định và thời vụ lên tới 200 người. HTX liên kết với các doanh nghiệp lớn trong tỉnh, hệ thống siêu thị trên toàn quốc cung cấp các loại sản phẩm rau, củ, quả đạt tiêu chuẩn VietGAP, Global GAP. Ngoài ra, HTX còn liên kết với Trung tâm xúc tiến đầu tư của tỉnh xuất khẩu ra các nước Singapore, Campuchia, Hàn Quốc. Tổng số vốn điều lệ HTX là trên 90 tỷ đồng, tổng số doanh thu 220 tỷ đồng/năm, sản phẩm làm ra 50.000 tấn rau củ/năm.
Như vậy, mô hình liên kết các trang trại VAC, tổ hợp tác, HTX kiểu mới thể hiện vai trò quan trọng là cầu nối trong việc tiếp thu, hướng dẫn ứng dụng, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, thúc đẩy chuyển đổi hiệu quả cây trồng - vật nuôi chủ lực của địa phương. Hoạt động của HTX đã đảm bảo khâu dịch vụ đầu vào lẫn đầu ra mà hộ nông dân cá thể không làm được, hoặc làm nhưng không hiệu quả. Cụ thể như dịch vụ giống, phân bón, thuốc BVTV, thu hoạch, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, liên kết trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm cho thành viên, tạo thêm việc làm, tăng thu nhập, thúc đẩy kinh tế phát triển.
Do đó, hướng đi chuyển đổi các mô hình hộ nhỏ, các trang trại, tổ hợp tác trở thành HTX liên kết nông nghiệp kiểu mới là đúng đắn và hiệu quả. /.
PV tổng hơp theo Kinh tế nông thôn