Mỗi dịp xuân về, nhà nhà quây quần vui đón Tết cổ truyền của dân tộc, thì những người lính đang làm nhiệm vụ nơi các đảo tiền tiêu ở vùng biển Tây Nam của Tổ quốc vẫn ngày đêm bám trụ nơi biên cương, chắc tay súng bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc, để đất nước đón xuân yên bình.
Một trong những đảo tiền tiêu có điều kiện khó khăn nhất, đó là đảo Hòn Khoai, thuộc tỉnh Cà Mau. Tại nơi đơn vị Trạm Rada 595 và Trạm Hải đăng đóng quân nằm cách mực nước biển đến 318m. Đường đi lên vừa dốc vừa ngoằn ngoèo và xa gần 3.000m. Thế nhưng trên đỉnh cao ấy, các chiến sĩ vẫn chắc tay súng, dù trên đất liền nhà nhà đón xuân vui vẻ. Người lính trẻ Võ Lục Tỷ Ngân, chiến sĩ trạm rada 595 Vùng 5 Hải Quân cho biết, quê của anh ở tỉnh Bình Dương và mới vào nhận nhiệm vụ trên đảo được hơn nửa năm. Mặc dù còn lắm khó khăn, thiếu thốn nhưng đơn vị luôn đoàn kết, luôn trong tư thế sẵn sàng chiến đấu để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Anh lính trẻ tâm sự: “Lần đầu tiên tôi ăn tết xa nhà, nhưng anh em, đồng chí đồng đội ở đây tạo điều kiện để gọi điện hỏi thăm gia đình nên tôi rất yên tâm, cảm thấy vui. Đây là cảm xúc mới mẻ có lẽ ai cũng vậy khi thực hiện nghĩa vụ quân sự cũng trải qua một lần”.
Cách đảo Hoàn Khoai 48 hải lý là đảo Hòn Chuối. Đây là một trong những đảo có điều kiện khí hậu rất khắc nghiệt, nhiều sương muối. Tuy có người dân sinh sống, nhưng phải chuyển cư theo mùa; 6 tháng ở sườn Tây, 6 tháng ở sườn Đông nên bà con nơi đây ai cũng có 2 nhà. Có lẽ vì điều kiện sinh sống quá khó khăn nên tình quân dân càng khăng khít hơn. Mỗi lần người dân chuyển cư, nhìn giống như ngày hội, tất cả các đơn vị đều phân công lực lượng hỗ trợ dân, nước ngọt cũng chia sẻ. Dù điều kiện khó khăn nhưng với phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” cán bộ chiến sĩ luôn đoàn kết, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Đặc biệt mỗi dịp xuân về, các đơn vị đều tổ chức cho cán bộ chiến sĩ giao lưu văn hóa, văn nghệ, thi gói, nấu bánh chưng, bày cỗ tết, trang trí bàn thờ Bác Hồ. Trung úy Hồ Xuân Trường, Phó trạm trưởng Trạm Rada 615 cho biết, mỗi dịp năm hết tết đến, quân và dân nơi đây đều quây quần, cùng nhau dùng bữa cơm thân mật. Điều này phần nào giúp cho cán bộ chiến sĩ bớt nhớ quê nhà, nhất là chiến sĩ trẻ.
Ông Lê Văn Phương, Tổ phó Tổ nhân dân tự quản Hòn Chuối chia sẻ, tết trên đảo rất đơn giản, không cần áo mới, không có lộc đầu xuân chỉ có mâm cơm xôm tụ hơn ngày thường.
“Ăn tết ở đây đâu có bằng đất liền đâu vì không có khu vui chơi. Bà con ăn tết chung với các đơn vị, 3 ngày tết mời qua mời lại đón tết cùng nhau vậy thôi. Khi có đoàn từ đất liền ra, bà con ở đây mừng lắm, như có được mùa xuân”, ông Phương cho biết.
Có lẽ một trong những người lính gắn bó với biển đảo Tây Nam lâu năm là Trung tá Bùi Anh Dũng – chiến sĩ Cơ công, trạm Rada 610 trên đảo Thổ Chu. Suốt 27 năm qua anh Dũng có một lần duy nhất đón tết tại quê nhà ở Hải Phòng. Anh Dũng cho biết, đón tết tại đơn vị lâu dần cũng thành quen, nặng tâm lý nhất là đối với những anh em mới đến nhận nhiệm vụ. Vì thế, dù ở đơn vị nước ngọt rất hiếm hoi, nhưng để cải thiện bữa ăn cho anh em trong những ngày Tết, đơn vị luôn cố gắng mở rộng diện tích tăng gia, trồng thêm nhiều loại rau, nuôi thêm heo, gà, để anh em có được cái Tết ấm lòng hơn.
“Là người lính, mình xác định luôn sẵn sàng trên mọi trận địa. Dù ở nơi đâu cũng phải hoàn thành nhiệm vụ. Từ khi nhận công tác ở đây đến bây giờ bản thân luôn nỗ lực để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Nói chung đảo là quê hương thứ 2 của tôi, ăn tết ở đây lâu rồi cũng quen. Nhưng những lúc giao thừa xuân sang trong lòng cũng có đôi chút xôn xang”, anh Dũng bày tỏ.
Khác với ở đất liền và cũng khác với nhiều vùng miền duyên hải, biển đảo của Tổ quốc, vùng biển Tây Nam do Vùng 5 quản lý rộng khoảng 150.000 km2, với trên 130 đảo lớn nhỏ. Đây là vùng biển có vị trí tiền tiêu ở vùng Tây Nam của Tổ quốc, nên từ cấp lãnh đạo Bộ Tư lệnh, lãnh đạo các đơn vị trực thuộc, đến chiến sĩ... tất cả đều nêu cao tinh thần trách nhiệm và sẵn sàng chiến đấu. Chuyện đón tết, mừng xuân thì tùy theo nhiệm vụ của từng đơn vị mà tổ chức, thực hiện theo đúng kế hoạch và song hành với những hoạt động của các Đoàn Công tác mang hơi ấm từ đất liền đến với đảo xa.
Theo đó, những năm gần đây, Bộ Tư lệnh Vùng 5 luôn tạo điều kiện tổ chức cho chính quyền, người dân địa phương các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long và phóng viên báo chí trên khắp mọi miền đất nước tới thăm, động viên, tặng quà và tìm hiểu về đời sống của các chiến sĩ, người dân trên một số hòn đảo lớn của vùng.
Đại tá Nguyễn Hữu Thoan, Phó Chính ủy Vùng 5 Hải quân chia sẻ: “Vùng 5 tổ chức chuyến công tác để người trên đất liền đến với bộ đội được nhiều hơn, trao đổi những tâm tư tình cảm; chia sẻ khó khăn và động viên bộ đội, hiểu được tình cảm đối với anh em làm nhiệm vụ chung. Bên cạnh đó ngoài thăm, động viên bộ đội, còn thăm tặng quà cho nhân dân và các lực lượng đứng chân trên địa bàn, để khẳng định tinh thần đoàn kết tương trợ giúp đỡ lẫn nhau của các lực lượng ở trên tuyến đầu”.
Dù điều kiện còn thiếu thốn nhưng cái Tết của các chiến sĩ hải quân rất ấm cúng và đầy ắp nghĩa tình. Cứ vào khoảng từ ngày 15 đến 20 tháng Chạp, các đơn vị thường tổ chức Tết sớm cho anh em chiến sỹ. Tết của chiến sỹ trên vùng đảo Tây Nam chỉ có cây đàn guitar với sự tham gia của các "ca sỹ" nghiệp dư, không có đường hoa chợ tết. Nhưng tất cả ai cũng đều có một cái Tết ấm cúng không khác gì so với đất liền. Tết của người lính đảo là thế, mộc mạc là thế nhưng đầm ấm và đầy nghĩa tình./.
Thạch Sa Oanh/VOV-ĐBSCL