“Đường lưỡi bò” trong các tác phẩm văn hóa, điện ảnh nhập khẩu
Mới đây, Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 22/2022/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 32/2012/NĐ-CP về việc quản lý xuất, nhập khẩu văn hóa phẩm không nhằm mục đích kinh doanh, trong đó bổ sung một số quy định về nhập khẩu phim.
Điểm bố sung đáng lưu ý là khoản 3 Điều 8 của Nghị định về thẩm quyền cấp phép nhập khẩu văn hóa phẩm. Cụ thể, giấy phép nhập khẩu phim sẽ bị cơ quan cấp phép thu hồi khi phát hiện nội dung phim vi phạm quy định cấm tại Luật Điện ảnh.
Nghị định này ra đời không lâu sau khi tác phẩm Uncharted (tên tiếng Việt là Thợ săn cổ vật) bị cấm chiếu tại Việt Nam vì có cảnh chứa "đường lưỡi bò" (tức đường chín đoạn - do Trung Quốc vạch ra, đòi chủ quyền phi pháp với phần lớn diện tích Biển Đông).
Trước đó, phim dự kiến ra mắt trong nước vào ngày 18/3.
Thực tế, Trung Quốc đã nhiều lần gài, cắm hình ảnh "đường lưỡi bò" vào các tác phẩm điện ảnh, nghệ thuật được nhập khẩu, phát hành và công chiếu tại Việt Nam.
Tháng 10/2019, phim hoạt hình Abominable (tên tiếng Việt là Everest - Người tuyết bé nhỏ) bị rút khỏi các rạp chiếu Việt Nam sau khi cư dân mạng phát hiện tấm bản đồ có "đường lưỡi bò" trong một cảnh phim.
Phim do Hãng DreamWorks (Mỹ) hợp tác với Công ty Pearl của Trung Quốc sản xuất. Sau sự cố này, CGV với tư cách nhà phát hành bị phạt 170 triệu đồng và phải tiêu hủy bản phim (các file phim kỹ thuật số đã nhập, các tài liệu quảng cáo phim).
Xử lý "đường lưỡi bò" trên các nền tảng trực tuyến không đơn giản
Không chỉ xuất hiện trên các tác phẩm chiếu rạp, các tác phẩm có chứa hình ảnh "đường lưỡi bò" xuất hiện không ít trên các nền tảng chiếu phim trực tuyến.
Cùng với sự phát triển chóng mặt của các nền tảng chiếu phim trực tuyến như Netflix, Hulu, Disney+,... việc xử lý hiện tượng "đường lưỡi bò" trên nền tảng trực tuyến đang là một câu hỏi không nhỏ với các nhà chức trách quản lý phim ảnh tại Việt Nam.
Cụ thể, vào ngày 15/9/2021, trong tập 13 của phim Nhất sinh nhất thế (Một đời một kiếp) phát sóng trên nền tảng iQiyi Việt Nam, có một phân đoạn chứa hình ảnh "đường lưỡi bò".
Hồi tháng 7 năm nay, bộ phim Pine Gap cũng có các hình ảnh sai trái về chủ quyền biển, đảo của Việt Nam khi hình ảnh bản đồ "đường lưỡi bò" trên Biển Đông đã xuất hiện trong tập 2, tập 3 bộ phim. Ngay lập tức, Cục Phát thanh - Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin - Truyền thông) đã có văn bản yêu cầu Netflix gỡ bỏ bộ phim này.
Trước đó, bộ phim Put Your Head On My Shoulder (tên tiếng Việt là Gửi thời thanh xuân ấm áp của chúng ta) chiếu vào tháng 7/2020 và bộ phim Madam Secretary (tên tiếng Việt là Bà Ngoại trưởng) vào tháng 8/2020 của Netflix cũng có cảnh vi phạm chủ quyền của Việt Nam.
Bàn về vấn đề này, ông Lê Văn Nghiêm – nguyên Cục trưởng, Cục Thông tin đối ngoại, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, với các tác phẩm được công chiếu trên nền tảng trực tuyến, đặc biệt là các công ty không có đại diện ở Việt Nam, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ có trách nghiệm trực tiếp liên lạc, gửi văn bản yêu cầu dỡ bỏ hình ảnh có chứa thông tin sai trái về các quyền hợp pháp của Việt Nam trên biển.
Tuy nhiên quá trình này sẽ đòi hỏi không ít thời gian và công sức.
Lợi dụng các tác phẩm điện ảnh để cài cắm “đường lưỡi bò”
Lý giải về nguyên nhân Trung Quốc chọn các tác phẩm điện ảnh để cài cắm chi tiết “đường lưỡi bò”, Thiếu tướng Nguyễn Văn Tín, nguyên Phó Cục trưởng cục Tuyên huấn, Quân đội Nhân dân Việt Nam nhận định, đây là sự dàn dựng có chủ ý, là một thủ đoạn tuyên truyền xuyên tạc về chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam.
“Điện ảnh là loạt hình nghệ thuật thu hút nhiều người xem. Khi tác phẩm điện ảnh được công chiếu, hiệu quả lan truyền sẽ vừa rộng, vừa sâu. Vì một bộ phim sẽ được chiếu ở nhiều nơi, chiếu nhiều năm, thậm chí nhiều thế hệ. “Mưa dầm thấm lâu”, nếu không cảnh giác và phát hiện kịp thời những hình ảnh xâm phạm các quyền hợp pháp của Việt Nam trên biển, hậu quả để lại là không hề nhỏ”- Thiếu tướng Nguyễn Văn Tín cảnh báo.
Từng là thành viên Hội đồng duyệt phim của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch trong hai năm, Thiếu tướng Nguyễn Văn Tín cho biết, thủ đoạn đưa chi tiết “đường lưỡi bò” vào phim điện ảnh còn là một cách ngụy trang rất khéo léo và khó bị phát hiện.
Bên cạnh đó, để tăng tính hiệu quả, Trung Quốc thường lựa chọn các bộ phim tình cảm, phim bom tấn, phim có diễn viên nổi tiếng để "cài cắm" hình ảnh đường chín đoạn.
Sức mạnh và nhận thức của dư luận xã hội
Nguyên Cục trưởng, Cục Thông tin đối ngoại, Bộ Thông tin và Truyền thông Lê Văn Nghiêm cho rằng, dư luận quốc tế và dư luận Việt Nam đang đóng một vai trò không nhỏ trong việc loại bỏ ảnh hưởng của “đường lưỡi bò” - một hình thức “xâm lược bản đồ” do Trung Quốc thực hiện để thay đổi nhận thức của Việt Nam và thế giới.
Tuy nhiên, nhiều nước lớn như Anh, Pháp, Mỹ đã có quan điểm rất rõ ràng vấn đề Biển Đông. Mới đây, Mỹ vừa phát hành báo cáo "Những giới hạn trên các vùng biển số 150".
Báo cáo mới nhất của Bộ Ngoại giao Mỹ đặt câu hỏi về tuyên bố chủ quyền đơn phương của Trung Quốc đối với hơn 100 thực thể địa lý trên Biển Đông, bác bỏ nhiều luận điệu, yêu sách.
Bên cạnh đó, cộng đồng cư dân mạng Việt Nam đã nhiều lần thể hiện tiếng nói, quan điểm mạnh mẽ với các tác phẩm có chứa “đường lưỡi bò” được phát sóng, đăng tải.
Vào tháng 6 năm 2021, Bản đồ hải dương học Trung Quốc của họa sĩ Feifei Ruan do Tổ chức Quốc tế về bảo tồn thiên nhiên WWF phát hành. Bản đồ này liệt kê 35 loài sinh vật biển nhưng một nửa đang sống tại vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam. Tác giả thêm đường chín đoạn để biến chúng thành sinh vật thuộc địa phận Trung Quốc.
Tuy nhiên, ngay sau đó, Feifei Ruan đã phải gỡ bỏ bài viết này khỏi trang mạng xã hội Behance sau khi nhận được vô số bình luận phản đối và báo cáo vi phạm.
Trước đó, khi dịch COVID-19 bùng phát trên toàn cầu, Đại sứ quán Trung Quốc tại Ý đăng lên Facebook và Twitter bức tranh nhân viên y tế hai nước cùng nâng bản đồ hai nước, thể hiện ý đồ tri ân và giúp đỡ lẫn nhau vượt qua COVID-19. Phần bản đồ Trung Quốc trong tranh lại đính thêm “đường lưỡi bò”.
Bài viết này đã vấp phải sự phản đối dữ dội của cư dân mạng Việt Nam.
Ngăn chặn từ bước kiểm duyệt
Bằng chính trải nghiệm của mình trong Hội đồng duyệt phim quốc gia, Thiếu tướng Nguyễn Văn Tín cho biết: “Sau sự cố hình ảnh “đường lưỡi bò” trong những giây cuối của bộ phim Điệp vụ Biển đỏ, Ban Bí thư đã chỉ đạo bổ sung thêm 4 người vào Hội đồng duyệt phim, tăng từ 5 lên 9 người. Họ đều là những người có chuyên môn và tiếng nói. Hội đồng duyệt phim đã làm việc rất vất vả. Có những buổi duyệt phim kéo dài 3 – 4 tiếng trong khi hình ảnh nhạy cảm như “đường lưỡi bò” chỉ xuất hiện chưa tới 1s và thường được đưa vào các chi tiết phụ. Mỗi năm đã có tới hơn 200 bộ phim được Hội đồng thẩm định, bảo đảm nội dung tư tưởng, thẩm mỹ, lối sống của người Việt Nam.” – Thiếu tướng Tín cho hay.
Gần đây, chi tiết "đường lưỡi bò" trong bộ phim bom tấn Thợ săn cổ vật do Tom Holland thủ vai đã được phát hiện từ rất sớm, trước thời điểm công chiếu. Đó là sự cố gắng và tích lũy không nhỏ của các thành viên trong Hội đồng duyệt phim”./.
Bảo Nhi/VOV.VN