Kinh tế tuần hoàn sẽ là lời giải cho bài toán rác thải nông nghiệp. Ảnh: Quý Nguyễn
"Tia sáng" cho bài toán xử lý ô nhiễm
Từ phế phẩm cây trồng như rơm, rạ, lá cây đến chất thải chăn nuôi như phân, nước thải và xác động vật... tất cả đều góp phần làm gia tăng ô nhiễm nếu không được xử lý đúng cách. Thêm vào đó, việc sử dụng bao bì nhựa, túi nilon và hóa chất nông nghiệp càng làm cho vấn đề rác thải trở nên phức tạp hơn.
Theo báo cáo của Bộ TN&MT, hàng năm hoạt động nông nghiệp phát sinh khoảng 76 triệu tấn rơm rạ, 85 - 90 triệu tấn chất thải chăn nuôi, hơn 14.000 tấn bao gói thuốc bảo vệ thực vật, phân bón các loại sau sử dụng. Tuy nhiên, khả năng thu gom và xử lý các loại rác thải này vẫn còn hạn chế. Phần lớn rác thải nông nghiệp không được xử lý đúng cách, dẫn đến tình trạng ô nhiễm đất, nước và không khí, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người và động vật.
Trong khi đó, số liệu từ Chương trình Phát triển Liên Hợp quốc (UNDP) cho thấy, Việt Nam có tiềm năng tạo ra 85,4 triệu tấn chất hữu cơ trong đất, 3 triệu tấn phân ure, 4,8 triệu tấn photphat và 4,6 triệu tấn phân kali sunfat nếu ứng dụng KTTH hiệu quả. Lượng phân bón này hoàn toàn có thể đáp ứng nhu cầu trong nước (khoảng 10,23 triệu tấn/năm)
Tuy nhiên, thực tế hiện nay, thay vì được tái chế, tái sử dụng, phụ phẩm nông nghiệp lại trở thành nguồn phát thải khí nhà kính. Thống kê từ Viện Chiến lược chính sách nông nghiệp và phát triển nông thôn cho thấy, tổng lượng phụ phẩm nông nghiệp tại Việt Nam lên tới hơn 168 triệu tấn mỗi năm.
Tuy nhiên, tỷ lệ thu gom và xử lý thành sản phẩm giá trị gia tăng còn rất thấp. Rõ ràng, việc thiếu vắng mô hình kinh tế tuần hoàn trong lĩnh vực nông nghiệp đang khiến bài toán rác thải trở nên nan giải, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường và sức khỏe con người.
Trong bối cảnh đó, KTTH trong nông nghiệp là một giải pháp bền vững giúp tạo ra các hoạt động sản xuất, kinh doanh hiệu quả, ít tác động tiêu cực đến môi trường. KTTH thúc đẩy việc tận dụng tối đa các nguồn tài nguyên thiên nhiên, tái sử dụng trong các sản phẩm mới, kéo dài thời gian sử dụng của nguyên liệu.
Theo Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 của Việt Nam, KTTH là một chiến lược quan trọng nhằm bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế - xã hội. KTTH trong nông nghiệp bao gồm các quá trình sản xuất theo chu trình khép kín, sử dụng công nghệ sinh học và hóa lý để tái chế chất thải và phụ phẩm, tạo ra sản phẩm chất lượng cao, an toàn, đồng thời giảm thiểu lượng chất thải ra môi trường. Nhiều quốc gia trên thế giới như Brazil, Trung Quốc, Thái Lan đã áp dụng KTTH thành công, góp phần phát triển nông nghiệp bền vững và hiệu quả.
Để kinh tế tuần hoàn phát huy hết tiềm năng
Theo các chuyên gia, dù mang lại nhiều lợi ích, việc áp dụng KTTH trong xử lý rác thải nông nghiệp vẫn đối mặt với nhiều thách thức. Một trong những rào cản lớn nhất là thiếu hụt chính sách hỗ trợ cụ thể và đồng bộ từ Nhà nước. Các quy định về quản lý rác thải nông nghiệp hiện nay còn rời rạc và thiếu hiệu quả, khiến cho việc triển khai các mô hình KTTH gặp nhiều khó khăn. Các chính sách khuyến khích đầu tư, hỗ trợ tài chính và chuyển giao công nghệ vẫn chưa được chú trọng đầy đủ.
Thêm vào đó, nhận thức của nông dân và DN về lợi ích của KTTH còn hạn chế. Nhiều nông dân chưa thấy rõ giá trị kinh tế và môi trường từ việc áp dụng KTTH, dẫn đến sự e ngại trong việc đầu tư và thay đổi phương thức sản xuất.
Hệ thống giáo dục và đào tạo về KTTH chưa được phát triển mạnh mẽ, gây khó khăn trong việc lan tỏa kiến thức và kinh nghiệm. Ngoài ra, cơ sở hạ tầng và công nghệ để thực hiện KTTH còn thiếu thốn. Nhiều khu vực nông thôn chưa có hệ thống thu gom và xử lý rác thải hiệu quả, khiến cho việc tái chế và sử dụng lại chất thải gặp nhiều trở ngại. Công nghệ tái chế và xử lý chất thải còn đắt đỏ và khó tiếp cận, làm giảm khả năng ứng dụng rộng rãi của KTTH.
Các chuyên gia kinh tế cho rằng, để thực hiện hiệu quả, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa Nhà nước, DN và người nông dân. Trước tiên, Nhà nước cần ban hành các chính sách hỗ trợ nông dân và DN áp dụng KTTH. Điều này bao gồm việc đầu tư vào nghiên cứu và chuyển giao công nghệ, xây dựng cơ chế hỗ trợ tài chính, và khuyến khích hợp tác giữa các bên liên quan.
Giải pháp tiếp theo là tăng cường nhận thức và giáo dục bằng cách đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục về lợi ích của KTTH, từ đó nâng cao nhận thức của nông dân, DN và cộng đồng. Các chương trình đào tạo, hội thảo và chiến dịch truyền thông sẽ giúp lan tỏa kiến thức và kinh nghiệm về KTTH.
Một giải pháp khác được các chuyên gia nhắc đến là ứng dụng công nghệ vào quá trình triển khai KTTH. Công nghệ sinh học, công nghệ thông tin, và chuyển đổi số là những yếu tố quan trọng trong việc thực hiện KTTH. Các DN cần đầu tư vào nghiên cứu và phát triển các giải pháp công nghệ, như hệ thống quản lý chất thải, hệ thống sản xuất sạch và công nghệ tái chế hiện đại.
Một trong những giải pháp không thể thiếu để thúc đấy sự KTTH chính là sự tham gia của các DN. Theo các chuyên gia, các DN cần xây dựng mô hình kinh doanh dựa trên nguyên tắc KTTH, tạo ra giá trị từ chất thải và phụ phẩm nông nghiệp. Điều này bao gồm việc tái sử dụng, tái chế, và sử dụng chất thải làm nguyên liệu cho các quy trình sản xuất mới.
“Rất nhiều DN đang vận hành theo cách truyền thống, với tầm nhìn ngắn hạn nên vẫn chưa nhận thấy những thách thức quá lớn của việc không triển khai kinh tế tuần hoàn. Cũng chưa có những áp lực để tạo sức ép buộc họ phải chuyển đổi hoặc có động lực để chuyển sang mô hình” - PGS.TS Nguyễn Hồng Quân - Viện trưởng Viện nghiên cứu Phát triển KTTH nhận định.
Rõ ràng, KTTH là giải pháp bền vững giúp giải quyết bài toán rác thải nông nghiệp, tạo ra giá trị kinh tế và bảo vệ môi trường. Việc áp dụng KTTH đòi hỏi sự hợp tác chặt chẽ giữa Nhà nước, DN và cộng đồng, cùng với việc đầu tư vào nghiên cứu và phát triển công nghệ. Với các chính sách hỗ trợ phù hợp và sự chủ động tham gia của các bên liên quan, KTTH sẽ góp phần xây dựng một nền nông nghiệp bền vững và hiệu quả, mang lại lợi ích lâu dài cho xã hội.
Hàng năm, trong sản xuất nông nghiệp thải ra môi trường một lượng lớn phế phẩm, một số phế phẩm được tuần hoàn làm nguyên liệu để sản xuất các sản phẩm có giá trị, mang lại lợi ích về kinh tế - môi trường. Có thể kể đến như: phế phẩm ngành lúa gạo (rơm rạ, vỏ trấu, cám) được tận dụng làm phân bón, thức ăn chăn nuôi, giá thể trồng nấm, đệm lót sinh học; phế phẩm trong ngành tôm (vỏ tôm, đầu tôm, nước thải, bùn thải) được tận dụng làm chất chiết xuất (Chitosan, Peptide), thực phẩm (dầu tôm, bột tôm), thức ăn chăn nuôi, phân bón, năng lượng tái tạo; phế phẩm trong ngành chăn nuôi (phân thải, máu, xương) được tận dụng làm năng lượng tái tạo, phân bón,…
Theo Kinh tế và Đô thị